Bạn cần biết

Hiểm họa “bom” di động từ bóng bay bơm hydro

01/03/2018, 06:13

Mặc dù không ít các vụ nạn nhân bị bỏng nặng vì bóng bay phát nổ, nhưng người dân vẫn thờ ơ...

19

Bóng bay bơm khí hydro được bán nhan nhản trên đường phố, nguy cơ cháy nổ cao - Ảnh: Tạ Tôn

Dễ cháy nổ, gây bỏng

Mới đây, chiều 26/2, 3 sinh viên buộc phải nhập viện vì bỏng nặng khuôn mặt và hai cánh tay. Nguyên nhân xuất phát từ chùm bóng bay galaxy phát nổ do tàn thuốc lá gây ra. Vụ nổ bất ngờ khiến 3 người cầm bóng không kịp phản ứng, gặp nạn và ngay lập tức được đưa đi cấp cứu.

Đây không phải lần đầu xảy ra vụ việc đáng tiếc từ bóng bay phát nổ. Trước đó, nữ bệnh nhân (SN 1992, ở Hà Nội) cũng bất ngờ bị bỏng nặng hết vùng mặt, cổ khi đang rút bóng bay ra khỏi túi lớn, phải vào BV SaintPaul (Hà Nội) cấp cứu. Chùm bóng bay 20 quả được mua để phát cho trẻ nhỏ trong dịp tổ chức lễ thượng thọ của bà nội cô gái. May mắn khi bóng phát nổ tạo đám cháy, các em nhỏ chưa kịp vào nhà nhận bóng.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS.TS. Trần Hồng Côn (nguyên giảng viên khoa Hóa, trường ĐH Khoa học Tự nhiên) cho biết: “Muốn bóng bay, người ta thường phải bơm khí nhẹ như khí heli hoặc hydro. Trên thế giới, khí heli là khí trơ, rất an toàn và thường chỉ gây nổ do áp xuất, nhưng không gây cháy, không độc hại. Nhưng với việc bơm khí hydro cho bóng bay ở Việt Nam thì lại rất mất an toàn, nguy cơ cao cháy nổ, gây thương tích cho người dùng”.

Theo phân tích của ông Côn, khí heli là loại khí hiếm, đắt nên thường chỉ bơm bóng to đường kính trên 1m ở các hội nghị và ít sử dụng. Còn thông thường các loại bóng bay được giao bán nhan nhản hiện nay lại thường được bơm khí hydro, do loại khí này dễ chế, nên rẻ. Để chế loại khí này, họ có thể lấy nhôm phế liệu cho bình kín như bình cứu hỏa rồi đổ sữa vôi hoặc sút, đậy chặt, tạo khí và mở van bơm khí hydro vào bóng cho ra thành phẩm bóng bay.

Do chất liệu vỏ bóng bằng cao su, co giãn, không bền, dễ cháy bởi tác động như tàn thuốc, tàn hương... Hơn nữa, vỏ co giãn thổi không đều, để một thời gian cũng có thể tự vỡ khi bị nén hoặc va đập. Lúc bóng vỡ khí thoát ra, nếu hỗn hợp không khí và hydro ở nhiệt độ đạt giới hạn sẽ tự bốc cháy, gây tỏa nhiệt lượng lớn, hoàn toàn có thể gây bỏng bất kỳ ai đó đứng gần đó.

Nhan nhản hiểm họa

Trong khi đó, khảo sát của Báo Giao thông cho thấy, các loại bóng bơm khí hydro được bán nhan nhản trên đường phố Hà Nội, nhất là các dịp lễ, Tết và đặc biệt được trẻ em yêu thích. Khi PV Báo Giao thông trao đổi với anh Nguyễn Văn T., một người bán bóng bay dạo tại Yên Hòa, Cầu Giấy, anh T. cho hay: “Muốn mua bao nhiêu cũng có. Tuy nhiên, cửa hàng này chỉ bán bóng bơm khí hydro thôi nhé, mới có giá đó”. Tại đây bóng được bán giá 5.000 đồng/quả bóng bay tròn, 10.000 đồng/quả bóng bay nilon nhiều hình trang trí, nếu mua số lượng lớn giá giảm 500-1.000 đồng/quả.

Tại đầu mối cung cấp bóng bay với số lượng lớn ở Thái Hà, Hà Nội, giá bán cũng tương tự. Người bán hàng giải thích: “Phần lớn khách hàng chọn mua bóng bơm khí hydro vì giá cả thấp. Nếu 1 quả bóng tròn bơm hydro có giá 5.000 đồng thì bơm khí heli có giá gấp 4 lần là 20.000 đồng/quả nên chủ yếu cửa hàng bán bóng oxy hoặc hydro thôi. Mà cứ yên tâm, khách mua hàng ở đây chưa từng xảy ra sự vụ gì. Nếu có gì thì chúng tôi “chết” trước, khách lo gì”.

Ngoài phục vụ trẻ em, các loại bóng bay được sử dụng rộng khắp, trong các lễ kỷ niệm, hội trường, hội lớp… dù được cảnh báo nguy hiểm.

Cũng theo ông Côn, không chỉ với quả bóng bay cao su, mà chính những quả bóng bay có vỏ nilon như các loại bóng trang trí hình thù thường thấy bày bán trên đường phố khi được bơm bằng khí hydro cũng nguy hiểm. Loại bóng này dù chất liệu dày hơn nhưng khi bóng cọ sát nhau sẽ tạo ra các tia lửa nhỏ và chỉ sơ suất cũng có thể gây cháy nổ.

Với loại bóng galaxy - bóng bay có kèm cả đèn led, ông Côn cảnh báo, những bóng đèn led sẽ cung cấp điện năng nhất định, có khả năng sinh tia lửa điện, nên nguy cơ cháy nổ, gây sát thương, gây bỏng là hiện hữu.

BS. Trần Duy Hiển, Bệnh viện E khuyến cáo, tai nạn do phát nổ bóng bay rất nhiều nên không khuyến khích mọi người chơi với bóng bơm khí, nhất là cả chùm bóng. Do loại bóng này không chỉ có nguy cơ nổ khi gần lửa, mà việc cọ xát giữa những trái bóng trong chùm bóng to cũng có thể tạo ra áp suất, tia lửa điện tự gây nổ. “Dù các vết bỏng do bóng bay phát nổ gây ra không thuộc dạng bỏng sâu, nhưng lại gây bỏng rộng vùng mặt, tay, cổ…, sẽ để lại di chứng biến đổi sắc tố trên da, rất mất thẩm mỹ. Chưa kể đến bệnh nhân có cơ địa sẹo lồi, bỏng sâu gây sẹo lồi co dính”, BS. Hiển nói.

BS. Hiển lưu ý, do bỏng bóng bay thuộc loại bỏng nhiệt, nên khi chẳng may bị bỏng, cần sơ cứu ngay bằng cách làm mát vùng bỏng, rồi nhập viện điều trị ngay. Tuyệt đối không tự ý chữa bỏng theo các phương thức truyền miệng để tránh để lại di chứng đáng tiếc. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.