Công nghệ mới

Hiểm họa khôn lường cuộc đua chiến tranh công nghệ cao

25/09/2017, 10:58

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nhận định, công nghệ tự hành có thể trở thành “yếu tố thay đổi cuộc chơi”...

6

Tổng thống Nga Putin bắt tay và giao tiếp với một người máy

Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng mới trong lĩnh vực công nghệ quân sự khi đưa công nghệ tự động hoá và trí tuệ nhân tạo vào các phương tiện chiến đấu. Tuy nhiên, nhà phát minh, tỷ phú Mỹ Elon Musk lại cho rằng, sự phát triển của những nền tảng vũ khí tự động có thể sẽ dẫn đến một cuộc đua vũ trang có khả năng phá huỷ.

Người nào dẫn đầu công nghệ sẽ đặt ra luật chơi

Thực chất, chiến tranh sử dụng máy bay không người lái không phải mới. Cuộc tấn công chết người đầu tiên do một phương tiện bay không người lái của Mỹ thực hiện diễn ra trong cuộc chiến tại Afghanistan hồi tháng 10/2001. Tuy nhiên, điều thay đổi nhanh nhất ở đây là những hệ thống không người lái này đã có thể hoạt động mà không cần bàn tay con người điều khiển/ hướng dẫn từ xa.

Đây là thực sự là một cuộc cách mạng mà mỗi cường quốc của thế giới đều muốn dẫn đầu. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nhận định, công nghệ tự hành có thể trở thành “yếu tố thay đổi cuộc chơi” và nói rõ Nga sẽ khai thác triệt để các nguồn lực để phát triển lĩnh vực này. “Ai trở thành lãnh đạo trong công nghệ này sẽ trở thành người đặt ra luật chơi cho thế giới”, ông Putin nói.

Một viễn cảnh gần nhất cho xu hướng cách mạng trên có thể diễn ra trong cuộc tập trận chung chắc chắn cũng sẽ làm phương Tây lo ngại có tên Zapad do Nga và Belarus phối hợp vào năm 2021. Cuộc tập trận Zapad-2021 được thực hiện gần biên giới các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Sự kiện quân sự 4 năm tổ chức 1 lần, huy động tới hàng chục nghìn binh lính, không đơn thuần là cuộc tập trận mà còn nhằm phô trương lực lượng quân sự giữa Nga và đồng minh láng giềng trước phương Tây.

Một số chuyên gia đồn đoán, Trung Quốc cũng tham vọng trở thành “người đặt ra luật chơi cho thế giới” khi không ngừng đầu tư vào công nghệ máy bay tự động lái.

Tại Học viện Công nghệ Georgia, Mỹ, mùa hè vừa qua, các nhà nghiên cứu đang lập trình cho một dàn máy bay không người lái hạng nhẹ có khả năng tự hoạt động trong một cuộc không chiến.

Quân đội Mỹ cũng đang thử nghiệm các sản phẩm tương tự. Hiện nay, trên thế giới, máy bay tự động lái hoàn toàn có thể bay độc lập, có thể duy trì trên không khi mất kết nối với phi công điều khiển từ mặt đất. Song, các máy bay không người lái như Reaper hiện nay vẫn cần con người đưa ra quyết định bằng bấm nút “tiêu diệt” nhưng trong tương lai chúng có thể tự đưa ra những quyết định mang tính chiến lược.

Vậy, sự phát triển của công nghệ tự động đồng nghĩa sẽ không cần sử dụng tới binh lính thông thường? Câu trả lời là không chắc chắn. Nhiều người cho rằng, một cuộc chiến công nghệ cao, phức tạp hơn có lẽ sẽ cần tới nhiều binh lính hơn nhưng cần có các kỹ năng cao hơn.

Cảnh báo hậu quả đáng ngại

Mặt khác, sự phát triển ngày càng rộng của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong quân sự sẽ không giúp cuộc chiến bớt thương vong hơn bởi bản thân một quả bom được thả từ chiến cơ không người lái vẫn gây sát thương tương đương một quả bom thả từ chiến đấu cơ thông thường. Có chăng, độ chính xác của các loại phương tiện này cao hơn nên giúp giảm thiểu thiệt hại không đáng có. Dù vậy, nhiều nhà phân tích lo ngại, những thay đổi trong các hệ thống tự hành bản thân chúng sẽ tự tạo ra các xung đột mới.

Ngoài ra, trí tuệ nhân tạo có thể làm tăng đáng kể hiệu quả của công nghệ do thám, cho phép một hệ thống có thể giám sát tới hàng triệu cuộc hội thoại điện tử, tấn công thiết bị cá nhân và các các nguồn thông tin khác. Song, những công vụ này sẽ vô cùng nguy hiểm, đặc biệt nếu rơi vào tay của một đất nước có ít hoặc không có giám sát chặt chẽ về mục đích quân sự.

Cựu Chỉ huy các lực lượng đặc nhiệm Anh - Thiếu tướng Sir Graeme Lamb từng dự đoán, đến năm 2030, những đột phá công nghệ không dừng ở trí tuệ nhân tạo mà còn phát triển tới tính toán lượng tử và xa hơn nữa, sẽ tạo ra những thay đổi tổng thể không thể lường trước.

Nhà phát minh, tỷ phú Mỹ Elon Musk từ lâu đã cảnh báo, khi đến với trí tuệ nhân tạo, con người đứng bên bờ vực mà chỉ cần “sảy chân lỗi lầm” cũng có thể gây ra thảm hoạ. Tháng 8 vừa qua, một lần nữa, nhà phát minh hàng đầu thế giới lại nhấn mạnh, sự phát triển của những nền tảng vũ khí tự động có thể sẽ dẫn đến một cuộc đua vũ trang có khả năng phá huỷ. Bên cạnh đó, còn có nhiều rủi ro khi hệ thống rôbốt dễ bị tấn công mạng, bị nhiễu tín hiệu hoặc đơn giản là bị đối thủ vô hiệu hoá bằng các hacker...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.