Quản lý

Hiến kế dẹp "xe dù, bến cóc" tại TP.HCM

26/05/2015, 10:32

Hội thảo "Giải pháp chống xe dù, bến cóc" đang diễn ra nhằm tìm biện pháp dẹp bỏ vấn nạn này.

Toan-canh2
Toàn cảnh hội nghị

Đến dự hội thảo có ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia; đại diện các Vụ Vận tải; Vụ ATGT (Bộ GTVT); Tổng cục Đường bộ VN… Dự Hội thảo, còn có đại diện Sở GTVT TP. HCM, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP. HCM; Thanh tra Giao thông TP. HCM; đại diện chính quyền các quận, huyện, các cơ quan thực thi nhiệm vụ của TP. HCM; đại diện Hiệp hội vận tải hành khách và Du lịch TP. HCM; các doanh nghiệp vận tải, bến xe trên địa bàn Thành phố…

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Bá Kiên, Tổng Biên tập Báo Giao thông cho biết: Nhằm nhận diện thực trạng hoạt động "xe dù, bến cóc” tại TP. HCM; nguyên nhân và ảnh hưởng của nó đối với công tác quản lý, đảm bảo trật tự ATGT, và trên hết là quyền lợi và tính mạng của hành khách, Báo Giao thông phối hợp với Ban ATGT TP. HCM tổ chức hội thảo này. Mục đích của Hội thảo nhằm cảnh báo một thực trạng đáng lo ngại về "bến cóc, xe dù" khi ngay cả những doanh nghiệp vận tải có thương hiệu lớn tại TP. HCM cũng tìm cách lách luật, đề cao việc tìm kiếm lợi nhuận hơn là phục vụ cộng đồng.

IMG_1232
Tổng Biên tập Báo Giao thông Nguyễn Bá Kiên phát biểu khai mạc hội thảo

"Qua đó, chúng tôi mong muốn, đây là dịp để cơ quan quản lý, cơ quan thực thi công vụ và chính những doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp quản lý bến xe bày tỏ ý kiến, nhằm xây dựng một thị trường vận tải cạnh tranh lành mạnh và tuân thủ luật pháp. Bởi chỉ có tuân thủ pháp luật, trên cơ sở tôn trọng, bảo đảm quyền lợi và an toàn tính mạng khách hàng, thị trường vận tải mới phát triển bền vững", Tổng Biên tập Nguyễn Bá Kiên nói.

Nạn "xe dù, bến cóc" diễn biến phức tạp

Tham luận tại hội thảo, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho rằng, “xe dù, bến cóc” thời gian qua đã có những diễn biến hết sức phức tạp; đơn cử, ngay cả những xe chạy tuyến cố định có đăng ký bến, hoặc xe hợp đồng cũng tham gia “dù, cóc”…

Tính đến 30/4/2015, cả nước có trên 3.000 tuyến xe vận tải hành khách cố định liên tỉnh được mở phục vụ người dân đi lại từ thành phố đến các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa trong cả nước. Các đơn vị kinh doanh vận tải cũng đã kịp thời đầu tư đổi mới phương tiện, công tác đảm bảo ATGT được quan tâm đẩy mạnh, trong nhiều năm, tai nạn giao thông đã giảm sâu.

Tuy nhiên, cũng như bất kỳ ngành nghề kinh doanh nào, phát triển nhanh và mạnh bao giờ cũng có những “phản ứng phụ”. Bên cạnh việc nhiều thương hiệu uy tín trong kinh doanh vận tải hành khách ra đời, đã thực sự đưa đến cho người dân dịch vụ vận tải chất lượng, thì hiện tượng “xe dù, bến cóc” vẫn còn tồn tại. Hầu hết hiện nay tình trạng “xe dù” xảy ra là những xe không đăng ký kinh doanh vận tải hành khách cố định, cố tình đón trả, khách trên các tuyến đường, tụ điểm đông dân cư.

IMG_1238
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải nêu ý kiến tại hội thảo

Có những phương tiện ngang nhiên hàng ngày đón trả khách, ngay gần các bến xe mà vẫn không bị xử lý. Ngoài ra cũng có nhiều chủ phương tiện lợi dụng vị trí văn phòng, đại lý bán vé… biến các khu vực này thành “bến cóc” để đón và trả khách. Hiện tượng này xảy ra ở nhiều địa phương trong đó có Hà Nội, TP. HCM, gây bức xúc trong dư luận.

Riêng tại TP. HCM có 2.098 xe kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, 2797 xe buýt và 10.790 xe taxi. Lực lượng xe vận tải hợp đồng có tới 12.465 xe và xe du lịch 401 xe. Đáng ngại hơn cả là “xe dù, bến cóc” hoạt động ngay bên cạnh các bến xe của thành phố hay ngang nhiên biến một số khu vực trong thành phố thành điểm đón trả khách. Tình trạng này diễn ra thường xuyên cách thức hoạt động giống nhau. Các cơ quan kiểm tra, kiểm soát của thành phố như Lực lượng CSGT, Thanh tra Sở thường xuyên có những đợt cao điểm xử lý vi phạm. Tuy nhiên hiện tượng ‘‘xe dù, bến cóc“ biến tướng ngày càng tinh vi, xử lý vi phạm xong vẫn tái diễn, đây là một trong những vấn nạn nhức nhối mà các cơ quan quản lý vẫn đang tiếp tục áp dụng nhiều giải pháp để xử lý mạnh.

Trước thực trạng công tác quản lý tuyến vận tải hành khách vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nội dung quản lý tuyến chưa được thực hiện đầy đủ, chủ yếu mới chỉ thực hiện việc cấp phép các hoạt động liên quan đến khai thác tuyến cho các đơn vị vận tải, còn các nội dung như: quy hoạch mạng lưới tuyến, tình hình hoạt động vận tải trên tuyến; các quy định về quản lý vận tải hành khách theo hợp đồng và du lịch còn thiếu chặt chẽ, chưa đề ra được các biện pháp hữu hiệu để có thể thật sự quản lý được hoạt động của loại hình này, còn nhiều đối tượng xe dù lợi dụng danh nghĩa xe chạy hợp đồng, xe du lịch để đón khách trái quy định cạnh tranh không lành mạnh với những loại hình vận tải khác.

Trong thời gian tới, cần phải có biện pháp quản lý chặt chẽ loại hình này nếu không sẽ gây xáo trộn thị trường vận tải, kéo theo nhiều phương tiện vận tải hoạt động theo tuyến cố định chuyển sang chạy hợp đồng nhưng vẫn hoạt động như tuyến cố định, không vào bến đón khách, gây mất trật ATGT...

Chính phủ đã ban hành Nghị định 86/2014/NĐ-CP trong đó đã đưa ra các nhóm giải pháp để tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách bằng xe ô tô; góp phần lập lại trật tự trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; góp phần giảm tai nạn giao thông do xe ô tô kinh doanh vận tải gây nên; xây dựng được lực lượng vận tải đảm bảo quy mô, chất lượng, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân, với nhiều giải pháp cụ thể thiết thực.

Bà Hiền cho biết, trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ đẩy mạnh công tác chống xe dù, bến cóc với các giải pháp: Sẽ thực hiện cao điểm tổng kiểm tra và xử lý vi phạm đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, sẽ rà soát từ tiêu chuẩn kỹ thuật phương tiện, tải trọng xe, các điều kiện đảm bảo ATGT của xe; các điều kiện của lái xe đến việc chấp hành các quy định và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của đơn vị kinh doanh vận tải. Bộ cũng chỉ đạo các Sở GTVT lập đội liên ngành xử lý ‘‘bến cóc, xe dù‘‘ tại địa phương.       

Bộ GTVT đang phối hợp với các địa phương rà soát, công bố lại quy hoạch bến xe đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đảm bảo mỗi địa phương có các vị trí quy hoạch bến xe thực hiện ổn định đến năm 2020. Phát triển mạnh các bến xe sẽ góp phần quan trọng xử lý “xe dù, bến cóc”.

Bộ GTVT cũng đang gấp rút để ban hành Quy hoạch chi tiết mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh để tạo điều kiện phát triển hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định ổn định và trật tự.

Đối với kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và du lịch, sẽ rà soát và yêu cầu thực hiện đúng quy định của Nghị định 86 và Thông tư 63, trong đó xe hợp đồng, du lịch phải báo cáo về việc thực hiện hợp đồng, từ đó làm cơ sở xử lý vi phạm đối với những xe cố tình vi phạm.

Ngoài ra, sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động vận tải; sẽ xử phạt mạnh thông qua thông tin cung cấp từ thiết bị GSHT; Chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải, Bến xe đẩy mạnh thực hiện bán vé điện tử; Tổ chức thường xuyên đối thoại doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải…

Sinh ra... từ kẽ hở pháp luật

Theo ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh TTGT (Sở GTVT TP. HCM): Về hình thức, hoạt động "xe dù" được hiểu theo quy định của pháp luật là "Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà không có Đăng ký kinh doanh, không có Giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định" (điểm a, Khoản 4, Điều 24 Nghị định 171/2013/NĐ-CP); đối chiếu theo quy định này, các loại "xe dù" ở dạng nầy là rất dễ dàng nhận biết để kiểm tra, xử lý và “xe dù” biểu hiện rất đa dạng: “Ta xi dù", “xe cứu thương dù", xe vận chuyển khách hợp đồng, vận chuyển người gia đình “biến tướng” ...

Tuy nhiên, trong thực tế hoạt động vận tải hành khách “xe dù" không đơn thuần là xe hoạt động không có đăng ký kinh doanh và giấy phép kinh doanh vận tải mà “xe dù" thường biến tướng, đội lốt dưới danh nghĩa đơn vị vận tải hành khách có đầy đủ chức năng, có Đăng ký kinh doanh và Giấy giấy phép kinh doanh vận tải, hoạt động bằng nhiều hình thức tinh vi như: Xe vận chuyển khách du lịch, du lịch lữ hành (open tour).

Đối với các doanh nghiệp vận tải khách du lịch có các xe ô tô đủ các điều kiện, tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường và chất lượng dịch vụ để vận chuyển khách theo hình thức du lịch. Tuy nhiên trong hoạt động, ngoài hình thức vận chuyển khách du lịch có phù hiệu xe vận chuyển khách du lịch, các doanh nghiệp này còn khai thác vận tải khách theo hình thức hợp đồng Du lịch lữ hành hay còn gọi là open tour (có phù hiệu xe Hợp đồng) vận chuyển khách ở điểm tập trung là tại văn phòng của doanh nghiệp hoặc trụ sở chi nhánh.

Loại hình này hoạt động cũng theo lịch trình, hành trình  như hình thức hoạt động vận chuyển khách theo tuyến cố định. Loại hình vận chuyển khách “Du lịch lữ hành hay còn gọi là open tour” này, theo Luật Du lịch 2005 thì không quy định cấm đơn vị kinh doanh vận tải đón, trả khách tại trụ sở văn phòng. Nổi lên là các loại hình chạy “dù” dưới hình thức như xe chạy theo tuyến cố định; chạy Hợp đồng; Xe vận chuyển khách Liên vận quốc tế và Du lịch chữa bệnh; vận chuyển khách sử dụng phần mềm Uber (Taxi Uber)…

IMG_1292
Ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh TTGT (Sở GTVT TP. HCM)

Đối với thực trạng “bến cóc" tại TP. HCM, ông Việt cho hay, trong thực tiễn kiểm tra, xử lý các vi phạm, “bến cóc" thường tập trung ở các khu vực công cộng như: gần các bến xe khách liên tỉnh; các chợ trung tâm; bệnh viện lớn; các tuyến quốc lộ, các địa điểm gần nơi doanh nghiệp kinh doanh vận tải trú đóng... Thậm chí các điểm giao dịch, dịch vụ, đại lý bán vé… hợp pháp (có đăng ký kinh doanh) cũng biến tướng thành các “bến cóc" diễn ra phổ biến như:

Doanh nghiệp hoạt động vận chuyển khách theo tuyến cố định: có văn phòng dại lý bán vé cho hành khách, khi đủ lượng khách cần thiết thì cho xe “trung chuyển” khách đến Bến xe để vận chuyển theo lịch trình trên tuyến. Tuy nhiên, vào các thời điểm không có lực lượng kiểm tra thì doanh nghiệp không “trung chuyển” khách vào bến mà đưa xe vào đón, trả khách tại điểm bán vé rồi khởi hành theo lịch trình, hành trình tuyến cố định.

Doanh nghiệp hoạt động vận chuyển khách liên vận quốc tế: bán vé và đón khách tại trụ sở doanh nghiệp.

Doanh nghiệp hoạt động vận chuyển khách du lịch và hợp đồng du lịch lữ hành: việc hành khách điện thoại đặt chỗ hoặc đến trực tiếp văn phòng doanh nghiệp đặt chỗ để đi đến địa điểm du lịch; hành khách thường tập trung tại trụ sở, văn phòng doanh nghiệp để được vận chuyển đến nơi đã đăng ký theo hợp đồng. Việc đưa, đón khách tại trụ sở doanh nghiệp đối với loại hình vận chuyển khách du lịch và hợp đồng lữ hành thì pháp luật không ngăn cấm. Tuy nhiên, cũng làm phát sinh là “bến cóc” gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông vận tải.

Đối với dịch vụ bãi giữ xe ô tô, tại các bãi trông giữ xe ô tô có Đăng ký kinh doanh hợp pháp cũng trở thành “bến cóc”, khi xe ô tô khách được gửi vào bãi, nhà xe tổ chức bán vé, hoặc ghi phiếu đặt chỗ theo lịch trình và hành trình vận chuyển.  Hình thức này như hoạt động vận chuyển khách theo tuyến cố định. Loại hình nầy chủ yếu hoạt động theo hình thức hợp đồng.

Tương tự như các bãi trông giữ xe ô tô, các địa điểm như trạm xăng, dầu, bãi đất trống cho thuê được nhà xe đưa xe khách vào nằm chờ đón khách, khi đủ lượng khách thì vận chuyển theo hành trình định trước như hình thức vận chuyển khách tuyến cố định.

Theo ông Việt, nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là từ kẽ hở pháp luật. Một đơn vị kinh doanh vận tải được phép đăng ký hoạt động với nhiều loại hình vận tải khách hoặc một phương tiện đưa vào hoạt động kinh doanh nhưng có nhiều loại phù hiệu như: vận chuyển khách theo Hợp đồng; vận chuyển khách du lịch; vận chuyển khách theo tuyến cố định và thực tế có doanh nghiệp hoạt động trên cả 03 loại hình vận tải khách. Từ việc tham gia đồng thời nhiều loại hình vận tải, các doanh nghiệp dễ dàng biến tướng từ xe vận chuyển khách hợp pháp thành “xe dù" như đã nêu trên làm cho việc kiểm tra, xử lý của các lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn, lúng túng.

Các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải khách du lịch bản thân không đáp ứng đủ lượng xe ô tô để vận chuyển khách du lịch nên thuê mướn xe bên ngoài để kinh doanh, sử dụng phù hiệu "xe Hợp đồng" để vận chuyển khách du lịch; mặt khác, một số phương tiện của doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện để "vận chuyển khách du lịch" nên chuyển sang đăng ký vận chuyển khách hợp đồng để được cấp phù hiệu "xe hợp đồng" rồi dùng phương tiện này để "vận chuyển khách du lịch". Tình trạng này diễn ra phổ biến làm cho các cơ quan, lực lượng chức năng khó kiểm soát hết. 

Theo quy định của Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ thì Doanh nghiệp, hợp tác xã phải ký hợp đồng với đơn vị bến xe khách và tổ chức vận tải theo đúng phương án khai thác tuyến đã được duyệt..., thế nhưng những trường hợp xe chạy tuyến cố định tự ý bỏ bến để chạy "xe hợp đồng", chạy đón khách ngoài bến hoặc đón khách ở tại nơi bán vé của doanh nghiệp mà không có sự ràng buộc trách nhiệm cụ thể giữa bến xe và doanh nghiệp vận tải để xử lý hoặc chế tài khi vi phạm theo hợp đồng đã ký kết.

Các loại xe Hợp đồng biến tướng “xe dù" thường sử dụng hợp đồng vận chuyển khách đã được doanh nghiệp, HTX ký khống trước khi vận chuyển; khi lực lượng chức năng kiểm tra thì lái xe mới điền đầy đủ thông tin trong hợp đồng để hợp thức hóa việc vận chuyển khách trên hành trình.

Các dịch vụ bãi giữ xe ô tô trá hình, núp bóng danh nghĩa giữ xe để hoạt động thành “bến cóc" nhưng Cơ quan quản lý Nhà nước chưa có giải pháp hữu hiệu để xóa bỏ triệt để, việc núp bóng của các dịch vụ này mặc dù các lực lượng chức năng liên tục chốt chặn kiểm tra, xử lý vi phạm. Nhưng việc kiến nghị thu hồi Giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh là không thể thực hiện được, do Luật không quy định thu hồi Giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh trong trường hợp này…

Ngoài ra, còn có sự không đồng bộ giữa Luật Giao thông đường bộ và Luật Du lịch. Chẳng hạn, các quy định về Kinh doanh vận chuyển khách du lịch giữa Luật giao thông đường bộ - 2008 và Luật Luật Du lịch - 2005 không đồng bộ, tạo nhiều kẽ hở nên việc vận chuyển khách du lịch dễ dàng bị biến tướng.

Cần có chế tài xử phạt mạnh hơn

Thiếu tá Huỳnh Trung Phong, Phó Trưởng Phòng CSGT Đường bộ - Đường Sắt Công an TP. HCM (PC67), cho biết: Thực hiện Năm An toàn giao thông 2015 với chủ đề ““Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”, với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”, Phòng CSGT ĐB-ĐS phối hợp Thanh tra Sở Giao thông vận tải triển khai Kế hoạch số 1579/KHPH/TTS-CSGT  phối hợp liên ngành trong công tác kiểm tra, xử lý phương tiện cơ giới đường bộ vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP. HCM, trong đó có nội dung phối hợp tăng cường quản lý và kiểm soát, xử lý vi phạm đối với xe ôtô chở khách.

IMG_1364
Thiếu tá Huỳnh Trung Phong, Phó trưởng phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP. HCM

Phòng PC67 cũng đã phối hợp cùng với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền cho cán bộ, quần chúng nhân dân, đoàn viên thanh niên, doanh nghiệp, đội ngũ lái xe đặc biệt là doang nghiệp kinh doanh vận tải và lái xe khách; nội dung tuyên truyền tập trung chủ yếu các quy định về vận tải hành khách xe ôtô khi tham gia giao thông, các nguyên nhân gây TNGT liên quan đến xe ôtô khách: chở quá số người quy định, chạy xe không đúng hành trình, không đúng tuyến… Qua đó nhằm nâng cao ý thức chấp pháp luật của người dân, của doanh nghiệp vận tải và tài xế xe khách

Cạnh đó, PC67 cũng tăng cường bố trí lực lượng thực hiện chuyên đề kiểm tra xử lý xe khách vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong đó tập trung tại khu vực gần các bến xe như bến xe Miền Đông, bến xe Miền Tây, An Sương, Chợ Lớn… nhất là trong dịp Tết Nguyên đán và các ngày lễ. Chủ động trong phát hiện, xử lý kịp thời xe khách vi phạm qua đó nhằm phòng ngừa TNGT liên quan đến xe khách và ngăn chặn tình trạng “xe dù” hoạt động trên địa bàn thành phố.

Thông qua thực hiện các giải pháp, từ đầu năm đến nay, Phòng CSGT ĐB-ĐS đã lập biên bản xử lý 1.390 trường hợp xe khách vi phạm trật tự an toàn giao thông, cụ thể: 638 trường hợp chay quá tốc độ quy định, 10 trường hợp chở quá người quy định, 5 trường hợp tránh vượt không đúng quy định, 303 trường hợp dừng đỗ không đúng nơi quy định và 434 trường hợp vi phạm khác.

Trong quá trình kiểm tra, xử lý, PC67 gặp một số khó khăn đối với các trường hợp xe khách núp bóng hình thức hợp đồng, du lịch lữ hành như:

Việc xử lý xe ô tô chở khách vi phạm các lỗi như đón trả khách không đúng nơi quy định chỉ áp dụng đối với các phương tiện ô tô chở khách tuyến cố định, không thể xử phạt các ô tô chở khách theo dạng hợp đồng, vì theo quy định nếu hợp đồng vận tải hành khách có ghi rõ điểm đón và điểm trả thì không thể xử lý được.

Các doanh nghiệp vận tải du lịch lữ hành hoạt động vận tải dưới hình thức cho xe hợp đồng (có phù hiệu hợp đồng) vận chuyển khách ở điểm tập trung là tại trụ sở doanh nghiệp hoặc thu gom khách lẻ trên các tuyến đường thì lực lượng CSGT cũng rất khó khăn trong xử lý vì pháp luật không ngăn cấm  hành vi này; mặt khác bản chất của du lịch lữ hành (open tour) là thu gom khách lẻ ở nhiều nơi, nhiều tuyến đường khác nhau đi cùng “tour” để vận chuyển đến điểm du lịch.

Các doanh nghiệp vận tải du lịch lữ hành hợp đồng với các phương tiện không thuộc doanh nghiệp (có đăng ký chạy xe hợp đồng, có phù hiệu) vận chuyển khách đi “tour” của doanh nghiệp du lịch cũng đón, trả khách như hình thức của chính doanh nghiệp du lịch.

Đối với các trường hợp trên khi có đầy đủ hợp đồng chở khách theo dạng du lịch lữ hành hoặc hợp đồng du lịch, lực lượng chức năng chỉ có thể xử lý hành vi dừng, đỗ xe trái quy định. Tình trạng xe dù núp bóng hình thức hợp đồng, xe du lịch lữ hành xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cụ thể như: Hoạt động ở trong các khu dân cư và toạ lạc ngay trong khu vực trung tâm, nội thành, tiện lợi cho người dân đi lại; đón trả khách tại các địa điểm trên địa bàn thành phố…

Đại diện PC67 đề xuất, cần bổ sung, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải nhằm khắc phục những sơ hở mà các đối tượng lợi dụng, núp bóng để kinh doanh vận tải; nghiên cứu, xem xét để có quy định chặt chẽ hơn đối với việc đón trả khách đối với hình thức xe hợp đồng, xe du lịch lữ hành. Cần có chế tài xử phạt mạnh hơn đối với các trường hợp kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, vận tải khách du lịch bằng xe ôtô vi phạm các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải; Sự phối hợp giữa lực lượng liên ngành; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền…

O-Tinh-2
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP. HCM 

3 giải pháp tối ưu

Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP. HCM cho hay: Nếu chỉ đánh giá những bất cập trong quy định của pháp luật về xử lý “xe dù, bến cóc” thì những quy định hiện hành tuy chưa hoàn chỉnh nhưng vẫn đủ để kiểm tra, xử lý tệ trạng “xe dù, bến cóc” mà lâu nay dư luận rất bức xúc.

Tình trạng “xe dù, bến cóc” ở TP. HCM không chỉ tồn tại trong thời gian gần đây mà nó đã có từ rất lâu. Không những nó làm ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự, trị an, an toàn giao thông trên địa bàn thành phố, mà còn làm nhức nhối đến trật tự an toàn cũng như vẻ mỹ quan của TP.

Về nguyên nhân có tình trạng “xe dù, bến cóc”, ông Tính nói: Thông qua chính một số đối tượng hoạt động “xe dù, bến cóc” mà chúng tôi có dịp tiếp xúc, ý kiến của một số cơ quan chức năng, hoặc những cơ quan liên quan như các bến xe, báo đài… chúng tôi nhận thấy có khá nhiều nguyên nhân, tựu trung ở một số nguyên nhân khách quan và chủ quan sau đây:

Xe dù, thoạt đầu chỉ dành cho những loại phương tiện chất lượng kém, số lượng ít (thường gọi là những xe mồ côi) như trong lĩnh vực taxi thường gọi là “Taxi mù”, không cạnh tranh nổi với những phương tiện tốt, thuộc các doanh nghiệp có thương hiệu, chất lượng dịch vụ cao cấp hơn. Thế nhưng về sau này, xe dù lại xuất hiện ngay cả ở các doanh nghiệp có thương hiệu mạnh.

Xe dù, bến cóc thường hoạt động ở trong các khu dân cư và toạ lạc ngay trong khu vực trung tâm, nội thành, tiện lợi cho người dân đi lại. Xe dù không phải đóng thuế và đóng phí ra vào bến. Giá cả chủ xe dù tự ấn định và rất linh hoạt theo thị trường: lúc ít khách nhà xe lấy giá rẻ hơn xe trong bến, lúc khách đông như vào các dịp lễ Tết họ lại tăng giá cao hơn nhiều so các xe hoạt động trong bến. Còn có một lý do mà các đơn vị đưa xe ra chạy dù, đặc biệt là đối với một số xe thương hiệu, là “phải biết sống chung với lũ” vì nếu không DN mình sẽ bị thua thiệt.

Xét ở góc độ quản lý nhà nước, nguyên nhân của tệ trạng “xe dù, bến cóc” ngày càng nhiều mà vẫn chưa có liều thuốc đặc trị, là sự “buông lỏng” hoặc có thể nói sự “toa rập” vì lợi ích cục bộ của một số cán bộ thuộc lực lượng chức năng…

Theo ông Tính, ở TP. HCM, tình trạng “xe dù, bến cóc” núp bóng khá đa dạng về hình thức và gần như ở “mọi lúc mọi nơi”.

Điển hình như, xe chạy tuyến cố định lại lấy trả khách ở ngoài bến bãi qui định như: Xe các tuyến Trà Vinh ở đường Trần Phú, Quận 5, với các thương hiệu Thanh Thuỷ, Kim Hoàng; xe tuyến An Giang-Long Xuyên ở đường Nguyễn Hữu Chí (sau lưng Thuận Kiều Plaza) hoặc khu vực cạnh Chợ Thiếc, Q11; Xe thuộc hai thương hiệu  Hoa Mai chạy tuyến Vũng Tàu, hoạt động ở đường Nguyễn Thái Bình, Quận 1…

Xe hợp đồng núp bóng xe du lịch - Open Tour, hoạt động trên địa bàn khu vực phố Tây (Đề Thám - Phạm Ngũ Lão); xe hợp đồng lấy khách ngoài bến bãi ở Bầu Cát, quận Tân Bình…

Xe chạy tuyến liên vận quốc tế hoạt động ở sau khu vực bệnh viện Đại học Y Dược, Quận 5 và khu Phạm Ngũ Lão - Đề Thám, Quận 1…

Làm gì để có thể chống “xe dù, bến cóc” hiệu quả? Ông Tính cho rằng, giải pháp số 1 là bổ sung cơ sở pháp lý. Theo đó, về căn cứ pháp lý, Nghị định 86 của Chính phủ và Thông tư 63 của Bộ GTVT đã qui định khá rõ ràng  nên chúng ta không thể đổ lỗi về lý do chưa có sự phân định rõ ràng giữa các loại hình hoạt động vận tải này, bởi vì trên thực tế, những người thừa hành của lực lượng chức năng thừa hiểu biết và có đầy đủ khả năng để phân biệt và hình như các cán bộ thừa hành này họ cố tình không hiểu vì lợi ích riêng tư, bởi vì, như chúng tôi được biết:

Cái gọi là loại hình “Open Tour” nhưng xe không hề mang “biển hiệu du lịch”, lực lượng tiếp viên lại chưa có “giấy chứng nhận tập huấn” do ngành du lịch cấp, thì làm sao có thể gọi là loại hình du lịch được?!

Loại hình hợp đồng, thì làm sao có thể lấy và trả khách thường xuyên ở một điểm cố định như văn phòng của đơn vị vận tải, thậm chí là du lịch, hoặc quầy bán vé trước, hoặc đã là hợp đồng du lịch thì mặc dù nhà xe có đối phó bằng danh sách người đi lập tại chỗ, chúng ta vẫn có thể kiểm tra nhanh thông qua phỏng vấn hành khách sẽ tất biết, họ có thực sự là người của cùng một đoàn du lịch hay hợp đồng không?

Bên cạnh đó, cũng nhằm góp phần lập lại trật tự vận tải trên địa bàn thành phố, thực hiện chỉ đạo của Phó chủ tịch Nguyễn Hữu Tín, ngày 13/1/2012 sau khi trao đổi thống nhất với ngành công an Thành phố, Phó giám đốc Sở  GTVT thành phố Dương Hồng Thanh đã ký ban hành văn bản số 69/TB –GTVT (nay là văn bản số 1309/TB-SGTVT ngày 3/4/2015), trong đó, có qui định cụ thể hành trình của từng tuyến cố định khi xe ra vào các bến ở TPHCM; nên nói chung là không cho phép các xe hoạt động tuyến cố định được chạy vào nội thành hoặc xuyên qua nội thành, thế nhưng trớ trêu thay, cho đến nay, loại xe chạy tuyến này dù có khách trên xe, nhưng vẫn  thoải mái  lưu hành xuyên tâm hoặc ra vào nội thành một cách hết sức tự nhiên.

Giải pháp 2: Cần thành lập lực lượng kiểm tra, xử lý liên ngành: CSGT - TTGT - chính quyền địa phương, đặt dưới sự chỉ huy thống nhất của Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND thành phố.

Còn cách thức triển khai thực hiện, trước nhất chúng ta khảo sát, xác định những điểm gọi là “xe dù, bến cóc” đang hoạt động trên địa bàn thành phố. Sau đó, giao cho đoàn kiểm tra liên ngành CSGT- TTGT - đại diện chính quyền địa phương sở tại, đến kiểm tra xác định ngay tại chỗ, nếu đúng thì đoàn giao cho chính quyền địa phương sở tại, có nhiệm vụ truy quét triệt tiêu những điểm này.

Giải pháp 3: Một số biện pháp hỗ trợ. Để công tác chống “xe dù, bến cóc” đạt được hiệu quả, chúng ta cần có một loạt biện pháp hỗ trợ khác như:

Một là, các Bến xe cần xem xét điều chỉnh lại mức thu như: giá ra vào bến, phí hoa hồng bán vé, phí xe đỗ qua đêm… cho phù hợp với tình hình thực tế, tránh gánh nặng giá, phí khi đưa xe vào bến.

Hai là, Sở GTVT có trách nhiệm thiết lập và công bố hệ thống điểm lấy và trả khách kết hợp, hệ thống bến xe trung chuyển (bến nhỏ, nếu có) từ nội thành ra các bến xe liên tỉnh nhằm tạo thuận lợi cho hành khách đi lại. Chúng ta không thể máy móc bắt buộc những cư dân ở ngoại thành như ở Suối Tiên, hoặc Bình Chánh phải quay vào nội thành (bến xe Miền Đông, bến xe Miền Tây) để đón xe đi về các tỉnh, thành khác…

Ba là, thiết lập điện thoại nóng để liên lạc.

Vận động mọi công dân trên địa bàn thành phố, nếu xét thấy ở địa phương mình, bất cứ nơi góc phố-con đường  nào có những xe đậu đỗ, lấy trả khách bất hợp lý, hãy điện thoại trực tiếp về số điện thoại nóng của Ban kiểm tra - xử lý để kịp thời ngăn chặn. 

Ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả kinh doanh của các DN vận tải 

Đại diện Công ty Cổ phần Xe khách Phương Trang cho biết, Phương Trang ra đời từ một doanh nghiệp nhỏ với số lượng đầu xe chỉ từ 5 đến 10 xe khách các loại. Trải qua quá trình hoạt động, với đường lối kinh doanh Uy tín - Chất lượng, sự lịch thiệp, hòa nhã, tận tình, chu đáo của đội ngũ nhân viên, Công ty Phương Trang đã trở thành một địa chỉ tin cậy của đông đảo khách hàng trong cả nước, được hành khách và lãnh đạo chính quyền các cấp hết lòng khen ngợi và đánh giá cao. Về hoạt động vận tải, đến nay Công ty này có hơn 1.000 đầu xe các loại hoạt động ở 3 vùng miền của cả nước.

Phuong-Trang
Đại diện Công ty Cổ phần Xe khách Phương Trang

Theo đại diện Phương Trang, trước năm 2.000, hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định còn mang tính độc quyền, các xe “mồ côi” không  xin được giấy phép vào bến xe, nên mới nảy sinh  ra xe dù, bến cóc và ban đầu tập trung chủ yếu xung quanh các bến xe.

Đến nay, công tác quản lý Nhà nước ngày càng siết chặt đối với loại hình vận tải hành khách tuyến cố định, nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân, đảm bảo ATGT, an ninh trật tự đô thị và buộc các DN phải có nghĩa vụ đóng thuế đầy đủ cho Nhà nước. Chính điều này, vì lợi ích riêng, có một số doanh nghiệp vận tải không thực hiện nghĩa vụ đóng thuế đầy đủ, không tuân thủ theo các quy định của pháp luật, lập “bến cóc” để tạo sự thuận lợi cho 1 nhóm khách hàng của họ, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh,… nên đã biến tướng xe hợp đồng, xe du lịch hoạt động trá hình theo tuyến cố định.          

Các quy định, chế tài theo sự quản lý của Nhà nước đã khá đầy đủ, nhưng lực lượng thực thi công vụ kiểm tra, giám sát chưa thực hiện nghiêm.

Việc các cơ quản quản lý Nhà nước không kiểm soát được chất lượng dịch vụ và giá cước vận tải, người dân lãnh đủ các thiệt hại này, hành khách không có bảo hiểm khi có sự cố.

Ví dụ: xe Hợp đồng trá hình tăng giá vé “vô tội vạ” vào dịp lễ, Tết - tạo môi trường kinh doanh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, một bên là tuân thủ các nghĩa vụ của Nhà nước về thuế, giá cước, giá dịch vụ qua bến… một bên là không đóng thuế đầy đủ, không kê khai giá, không trả chi phí qua bến,… làm cho việc cạnh tranh thiếu bình đẳng. Đã có trường hợp, DN vận tải chân chính vào bến xe hoạt động, nhưng không cạnh tranh nổi với xe dù bên ngoài, đành bỏ bến xe ra ngoài hoạt động…

Hệ lụy của nạn “xe dù, bến cóc” đã phá vỡ trật tự đô thị, gây ùn tắc giao thông, tệ nạn phát sinh do xe vào nội thành gây mất an ninh xã hội;  Phá vỡ các quy hoạch về bến bãi vận tải hành khách trên địa bàn TP. HCM, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả kinh doanh của các DN vào bến làm ăn chân chính, bỏ ra số tiền rất lớn để đầu tư bến bãi theo đúng quy hoạch của Nhà nước…

Khuat-Viet-Hung-2
Ông Khuất Việt Hùng băn khoăn về việc xử lý nhiều nhưng vi phạm vẫn còn tồn tại

Xử lý nhiều sao vẫn còn tồn tại?

Trả lời các câu hỏi chất vấn của Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia trong phần thảo luận, ông Bùi Ngọc Giàu – Phó đội trưởng Đội CSGT quận Tân Bình cho biết: Trên địa bàn Tân Bình, các tuyến đường Đồng Đen, Hồng Lạc có một số đại lý bán vé xe khách, CSGT đã phối hợp với TTGT để kiểm tra. Đầu tiên là tuyên truyền cho nhiều DN, chẳng hạn như: DN Ba Nga, Chín Song, A Tỷ… Đồng thời, kiểm tra giấy phép để việc vận chuyển hành khách đi vào khuôn khổ. Sau đó xử lý rất nhiều trường hợp vi phạm.

Ông Khuất Việt Hùng băn khoăn về việc xử lý nhiều nhưng vẫn còn tồn tại? Ông Giàu giải thích rằng, qua điều tra nắm tình hình, bố trí lực lượng mật phục để lập biên bản trả khách không đúng nơi quy định. Tại điểm bán vé nếu có 5 hành khách trở lên thì lập biên bản. Lực lượng CSGT chỉ lập biên bản trả xe, đón khách không đúng nơi quy định…, còn lại là trách nhiệm của UBND Quận. Hàng tháng đều có báo cáo gửi lên Ban ATGT quận.

Trả lời câu hỏi của Phó Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia về việc TTGT Thành phố đã kiến nghị rút Giấy phép kinh doanh bao nhiêu trường hợp khi phát hiện vi phạm? Ông Lê Hồng Việt cho biết: Ngoài xử phạt tiền và xử phạt bổ sung, TTGT làm danh sách gửi về Phòng quản lý vận tải Sở GTVT để gửi về các địa phương, đề nghị địa phương rút giấy phép.

Dai-bieu1
Ông Phạm Đình Đức, Trưởng phòng vận tải đường bộ, Sở GTVT TP. HCM

Vậy ngành giao thông đã xử lý thế nào? Ông Phạm Đình Đức, Trưởng phòng vận tải đường bộ, Sở GTVT TP. HCM giải trình: Hàng tháng TTGT Sở có gửi báo cáo kiểm tra về xe dù. Những xe của Thành phố vi phạm thì Phòng tham mưu cho Sở ra quyết định xử lý tước phù hiệu các xe này. Từ đầu năm đến nay, Sở GTVT Thành phố đã thu hồi 74 phù hiệu của 74 xe trên địa bàn Thành phố. Hầu hết là xe chạy hợp đồng không có danh sách. Đã chuyển 25 trường hợp cho các tỉnh.

Còn theo ông Phạm Phú Quốc – Phó phòng quản lý đô thị Quận Thủ Đức:Tại khu vực ngã tư Thủ Đức, QL13 có xe đậu dừng đón khách. Địa phương thường xuyên yêu cầu Công an, Phường, đội Trật tự đô thị xử lý. Ở đây cũng có bến xe buýt nên các xe dừng vào đón khách.

Tuy nhiên, khi Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia chất vấn: Thông tư 18, Thông tư 63 quy định địa phương phải quy hoạch các điểm đón, vậy địa phương đã thực hiện chưa? Ngã tư Thủ Đức có nằm trong quy hoạch không? Đã bao giờ Sở GTVT đến làm việc với Quận để quy hoạch chưa? Thì ông Quốc trả lời vẫn chưa nắm được(!)

Cần Thơ, Gia Lai... làm được sao các nơi khác không?

Liệu bến xe có gây khó khăn cho DN vận tải vào bến không? Ông Thượng Thanh Hải – Phó giám đốc Bến xe miền Đông nói: Chúng tôi đều dang tay đón các DN vào. Các DN vào thì phải được các cơ quan chức năng thẩm định và phê duyệt tuyến cố định. Chúng tôi tạo điều kiện tốt nhất. Bởi hoạt động của DN vận tải và DN bến gắn chặt với nhau.

Tôi có băn khoăn là khi nói đến xe dù, bến cóc thì cơ quan thực thi công vụ đều đưa ra các lý do là thiếu luật này, quy định kia. Đó là lý do mà xe dù ngày càng phát triển rầm rộ. “Cơ quan thực thi nhiệm vụ mà nói như thế thì cần bổ sung cho đủ”.

Trước đây bến xe thuộc Sở GTVT thì được thành lập tổ TTGT. Ngoài việc hỗ trợ Sở thì làm công tác chống xe dù. Thời điểm đó hầu như không có xe dù. Ở đây là do yếu tố con người. “Lực lượng thực thi có làm tốt không. Ở TP Cần Thơ hầu như không có xe dù bến cóc vì họ làm nghiêm. Không có tuyến nào từ TPHCM hoạt động trá hình về Cần Thơ. Ở TP Gia Lai cũng vậy. “Có nơi làm được, có nơi nói làm không được thì mình phải xem lại”.

Ông Khuất Việt Hùng cho hay, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, UBND các tỉnh, thành phải xây dựng kế hoạch kiểm tra hoạt động xe khách. Trong đó chỉ rõ cơ quan chịu trách nhiệm.

Từ 1/7/2015 tất cả các xe hợp đồng đều phải gửi thông tin về Sở GTVT lượng hành khách, lộ trình, thời điểm xe đi đến… trước khi xuất bến, khởi hành. Nếu có giao diện điện tử để các DN gửi về Sở thì càng tiện lợi. Chỉ cần khớp giữa giám sát hành trình và thông tin hậu kiểm là xử phạt được ngay.

2015 phải xử lý bằng được "xe dù, bến cóc"

“Phó chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Hữu Tín đã chỉ đạo trong năm 2015 phải xử lý hết “xe dù, bến cóc” thì phải thực hiện bằng được. Nếu không thì tại sao trong cuộc họp đó không từ chối? Ban ATGT cần phối hợp với Sở GTVT và các cơ quan để xây dựng kế hoạch chi tiết. Lên danh sách nhà xe hoạt động “dù, cóc”... để lãnh đạo TP duyệt kế hoạch, tập trung nguồn lực để xử lý. Ngoài ra, các bến xe cũng cần có cơ chế để hấp dẫn doanh nghiệp.

Sở GTVT tham mưu cho Thành phố, công bố các điểm đón trả khách để thuận lợi cho người dân; các địa phương cũng dễ quản lý, tổ chức thực hiện, các nhà xe biết chỗ đón trả khách. Quy định phát luật chưa thể hoàn hảo nhưng cũng đủ để lực lượng chức năng thực thi, xử lý hiệu quả.…”, ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh.

Dai-bieu2
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TP. HCM

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TP. HCM khẳng định: Qua hội thảo chúng tôi thấy sáng ra nhiều vấn đề, cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Hội thảo đã giúp chúng ta cơ bản hiểu rõ hơn về khái niệm “bến cóc, xe dù”; thấy được thực trạng tình hình mấy năm nay; biết rõ hoạt động của “bến cóc, xe dù”… Nhiều giải pháp cũng đã dược đề xuất.

“Vấn đề còn lại là làm thế nào, làm có quyết liệt không, có khác mọi năm không? Làm đến nơi đến chốn. Ai không làm sẽ bị xử lý. Ban ATGT sẽ kiểm tra. Còn trách nhiệm là của các cơ quan đã được giao. Nếu làm không được thì phải giải trình với Chủ tịch UBND Thành phố. Nếu có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt hơn nữa của tất cả lực lượng chức năng thì thì từng bước sẽ dẹp được nạn xe dù trong năm 2015 như chỉ đạo Phó chủ tịch UBND TP. HCM”, ông Tường nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.