Trong nước

HLV Park Hang-seo và những bài toán ở U23 Việt Nam

20/11/2017, 07:09

HLV Park Hang-seo đang lên kế hoạch cho U23 Việt Nam trước thềm giải U23 châu Á 2018 diễn ra đầu năm sau.

22

HLV Park Hang-seo

Thể lực và lối chơi

Ngay sau khi kết thúc trận đấu với Afghanistan tại vòng loại Asian Cup 2019, HLV Park Hang-seo đã bắt tay vào xây dựng kế hoạch cho U23 Việt Nam chuẩn bị dự vòng chung kết U23 châu Á 2018. Trước mắt, ông thầy xứ kim chi tiếp tục dự khán hai vòng đấu cuối V-League 2017 để tìm quân. Tiếp đó, ông cùng các bộ phận chuyên môn của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam sẽ ngồi lại, thống nhất kế hoạch tập huấn cho U23 Việt Nam. Dự kiến, U23 Việt Nam sẽ hội quân vào cuối tháng 11, thời điểm V-League 2017 khép lại. Như vậy, thầy trò HLV Park Hang-seo sẽ có hơn một tháng để chạy đà.

Việc không phải đá V-League giúp các cầu thủ có thể tập trung hoàn toàn cho nhiệm vụ trên tuyển nhưng khó khăn vẫn còn đó. Do đã căng sức cả mùa nên đây là thời gian cầu thủ gần như cạn năng lượng. Trong khi mục tiêu quan trọng nhất của HLV Park Hang-seo ở lần tập trung này là tăng cường thể lực cho học trò. Nếu không tính toán hợp lý, vận dụng linh hoạt, toan tính của Mr Park dễ phản tác dụng, khiến cầu thủ chấn thương.

Mặc dù vậy, chuyên gia Vũ Mạnh Hải tin tưởng nhà cầm quân người Hàn Quốc sẽ giúp cầu thủ cải thiện được sức chiến đấu: “Bóng đá Hàn Quốc mạnh nhất là thể lực, bản thân HLV Park Hang-seo cũng nổi tiếng ở khả năng làm thể lực nên tôi cho rằng, thời gian tới, thể lực của U23 Việt Nam sẽ dịch chuyển theo chiều hướng tích cực”.

Ngoài yếu tố thể lực, định hình lối chơi cũng rất quan trọng với U23 Việt Nam. Trong trận gặp Afghanistan, HLV Park Hang-seo gần như bê nguyên cách đá, con người như HLV Mai Đức Chung từng sử dụng khi tiếp đón Campuchia. Điều này dễ hiểu bởi ông Park có quá ít thời gian chuẩn bị. Tuy vậy, với quỹ thời gian hơn một tháng, U23 Việt Nam buộc phải tạo ra sự khác biệt trong cách vận hành.

“Chúng ta hi vọng nhưng cũng đừng quá kỳ vọng bởi HLV Park Hang-seo không phải phù thủy để hóa phép U23 Việt Nam chơi tốt chỉ sau một tháng tập huấn. Tuy nhiên, tôi cho rằng ông Park cũng tạo ra được những nét mới mẻ sau khi phần nào nhận ra được hạn chế của bóng đá Việt Nam ở trận đấu với Afghanistan hôm 14/11”, chuyên gia Đoàn Minh Xương đánh giá.

Có nên xây dựng đội tuyển hai trong một?

Ở danh sách tập trung đội tuyển mới đây, HLV Park Hang-seo gọi tới 12/23 cầu thủ ở độ tuổi U23. Từ đây, thêm một vấn đề được giới chuyên môn hết sức quan tâm, đó là việc ông Park có hay không xây dựng ĐT Việt Nam, U23 Việt Nam theo mô hình hai trong một. Mô hình này từng được HLV Toshiya Miura và HLV Nguyễn Hữu Thắng áp dụng nhưng kém hiệu quả. Theo chuyên gia Đoàn Minh Xương, đây là cách làm không nên cổ vũ bởi gây chồng chéo, lẫn lộn kế hoạch, nhiệm vụ giữa hai đội tuyển. “Mỗi đội có nhiệm vụ, mục tiêu và kế hoạch khác nhau nên nếu cầu thủ phải ôm cả hai sẽ dẫn tới hệ quả xấu. Gần nhất, HLV Hữu Thắng đã thất bại cả khi dẫn dắt U23 Việt Nam lẫn ĐT Việt Nam đó thôi. Tôi nghĩ chúng ta vẫn nên tách bạch hai đội tuyển và ĐT Việt Nam chỉ thu nạp một số cái tên xuất sắc nhất của U23 Việt Nam chứ không nên bê gần như cả đội hình vào”.

Dù phản đối nhưng ông Xương vẫn cho rằng, năm 2018 có thể áp dụng cách làm như thời HLV Hữu Thắng nếu HLV Park Hang-seo chưa đủ thời gian để xây dựng hai đội tuyển tách bạch. “Chúng ta có giải U23 châu Á đầu năm, giải AFF Cup cuối năm, thời gian cách xa nhau nên vẫn có thể dồn toàn lực cho một đội tuyển trong thời điểm cụ thể của giải đấu. Nhưng về lâu về dài vẫn phải tìm hướng đi khác”.

Đồng quan điểm với ông Đoàn Minh Xương, chuyên gia Vũ Mạnh Hải còn lo ngại, việc xây dựng đội tuyển hai trong một sẽ làm giảm cơ hội khoác áo tuyển của nhiều cầu thủ trẻ. “Nếu U23 và đội tuyển cứ quanh quẩn những cái tên đó, các cầu thủ khác có năng lực, có khát vọng sẽ ra sao. Tôi lấy ví dụ lứa U20 dự World Cup năm nay 21 tuổi rồi, đủ khả năng cáng đáng nhiệm vụ ở U23 chứ. Giải U23 châu Á chúng ta tham dự chỉ với mục đích cọ xát thì chẳng có lý do gì để không tạo điều kiện cho cầu thủ trẻ được rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.