Xã hội

Hộ khẩu điện tử: Bộ Công an đã sẵn sàng, chỉ thiếu tiền

15/11/2017, 07:15

Dự kiến đến ngày 1/1/2020, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải hoàn thiện và đưa vào sử dụng...

16

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an

Dự kiến đến 1/1/2020, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải đưa vào sử dụng, tiến tới bãi bỏ sổ hộ khẩu bằng giấy. Bộ Công an đang gấp rút triển khai nhưng vướng mắc lớn nhất hiện nay là kinh phí thực hiện (khoảng hơn 3.000 tỷ đồng).

Cấp gần 8 triệu mã số định danh cá nhân

Ngày 14/11, Bộ Công an tổ chức hội nghị trực tuyến toàn ngành để triển khai thực hiện Chỉ thị số 07 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây là dự án trọng tâm tạo nền tảng cho công tác quản lý hành chính Nhà nước theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin.

Hiện tại, công dân đi giao dịch phải mang theo rất nhiều loại giấy tờ như CMND, sổ hộ khẩu, GPLX, thậm chí học sinh khi đi học phải có giấy khai sinh. Tuy nhiên, khi cơ sở dữ liệu quốc gia về cư dân được hoàn thành, công dân không cần mang theo sổ hộ khẩu, không phải công chứng các loại giấy tờ, mà chỉ mang theo căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cho cơ quan chức năng Nhà nước để thực hiện giao dịch hành chính.

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, đến nay cơ quan chức năng đã cấp gần 8 triệu số định danh cá nhân thông qua việc tổ chức cấp thẻ Căn cước công dân ở 16 địa phương.

Cùng với đó, Bộ Công an phối hợp với Bộ Tư pháp cấp 700.000 số định danh cho trẻ em mới sinh ra ở 17 địa phương. Bộ Công an cũng đã triển khai thu thập thông tin dân cư ở Phủ Lý (Hà Nam), tỉnh Hoà Bình, triển khai phần mềm quản lý dân cư ở Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, xây dựng quản lý dân cư ở TP Hải Phòng và chuẩn bị nhiều công việc khác nhằm triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo tướng Vương, phương pháp quản lý dân cư hiện nay chủ yếu là thủ công, lạc hậu. Việc tra cứu thông tin chậm, gây phiền hà cho các tổ chức, công dân. Chính vì vậy, việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thống nhất trên toàn quốc ngày càng quan trọng, vì đây là cơ sở dữ liệu nền tảng, tập hợp thông tin cơ bản nhất của tất cả công dân Việt Nam.

“Việc chuẩn hóa, số hóa, quản lý và lưu trữ các thông tin này bằng hạ tầng thông tin sẽ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xóa bỏ tình trạng công dân phải sử dụng nhiều loại giấy tờ, góp phần đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến tại các bộ, ngành, địa phương và tiến tới xây dựng Chính phủ điện tử”, ông Vương nói và cho biết, dù đây là cơ sở dữ liệu dùng chung cho các ngành, địa phương nhưng việc đảm bảo an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu phải được đặt lên hàng đầu.

Khó khăn về kinh phí

Bộ Công an đánh giá đây là dự án quy mô lớn, tính chất phức tạp, phạm vi triển khai rộng khắp từ T.Ư tới xã, phường, thị trấn khu dân cư với nguồn vốn đầu tư rất lớn nhưng ngân sách còn nhiều hạn chế, khó khăn.

Vì thế, Thứ trưởng Lê Quý Vương yêu cầu Tổng cục Cảnh sát khẩn trương triển khai dự án một cách nghiêm túc, đúng tiến độ và chú trọng công tác tuyên truyền để nhân dân ủng hộ. Tổng cục An ninh, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật được yêu cầu phối hợp với Tổng cục Cảnh sát, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel đảm bảo an toàn thông tin, đặc biệt là bảo mật dữ liệu trong quá trình khai thác, vận hành, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đặc biệt, quá trình triển khai dù huy động hàng vạn cán bộ tham gia nhưng không được tăng biên chế.

Trung tướng Trần Văn Vệ, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát khẳng định, đề án này được kỳ vọng rất lớn vì liên quan đến quyền lợi sát sườn của công dân. Chính vì thế, công tác tuyên truyền cho người dân phải đặt lên hàng đầu.

Ông Vệ đề nghị công an các địa phương tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố triển khai hội nghị ở địa phương, tập huấn nghiệp vụ thu thập thông tin dân cư. Giám đốc công an địa phương chịu trách nhiệm toàn diện về triển khai thu thập thông tin dân cư và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ở địa phương.

Theo Trung tướng Vệ, khó khăn lớn nhất để triển khai là kinh phí, bởi hiện nay do vướng Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách không cho ứng tiền. Sau một số cuộc họp, Chính phủ đã đồng ý để Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính cân đối, bố trí trước 230 tỷ đồng cho Bộ Công an tổ chức tập huấn, in ấn tài liệu và hỗ trợ công an địa phương thu thập thông tin. “Ý chí quyết tâm của Bộ Công an rất cao, chúng tôi sẵn sàng làm ngay.

Nhưng vấn đề là Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ xử lý sớm giúp kinh phí. Các đơn vị đều muốn triển khai sớm, chẳng hạn như Thừa Thiên- Huế và Hòa Bình bỏ tiền thu thập xong rồi nhưng tiền nhập dữ liệu không có”, tướng Vệ thông tin.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.