Tâm sự

Họa sỹ tật nguyền không đầu hàng số phận

07/01/2017, 14:34

Vụ TNGT 10 năm trước khiến người thầy-họa sỹ khi đó mới 24 tuổi bị dập đốt sống cổ, chấn thương sọ não...

10

Thầy Huấn lắp giá vẽ vào tay dạy vẽ cho các học trò

Vụ TNGT 10 năm trước khiến người thầy - họa sỹ khi đó mới 24 tuổi bị dập đốt sống cổ, chấn thương sọ não, sau đó liệt toàn bộ cơ thể. Quyết không đầu hàng số phận, anh lắp giá vẽ vào cánh tay liệt, dạy vẽ cho hàng trăm học sinh thi đỗ vào các trường đại học.

Tài hoa vượt qua tàn tật

Trong gian nhà cấp 4 ở thôn Mỹ Duệ, xã Phú Hòa, huyện Lương Tài, Bắc Ninh của thầy Nguyễn Đình Huấn tràn ngập các bức phác thảo. Ít ai tin được đó là sản phẩm của một người bị liệt tứ chi, ngồi trên xe lăn, chỉ duy nhất cử động được cổ tay nhấc lên nhấc xuống. Thế nhưng, chỉ với một chiếc nẹp bút gắn ở cổ tay, họa sỹ Huấn đã hướng dẫn cho hàng trăm học trò từng nét vẽ, từng kỹ thuật hội họa cơ bản để thi đỗ thành công vào các trường đại học, cao đẳng có môn năng khiếu như: Xây dựng, kiến trúc, nhạc họa…

Nhắc lại chuyện cũ, bà Nguyễn Thị Nhuận, mẹ thầy Huấn nước mắt rưng rưng. Ngày chưa xảy ra tai nạn, Huấn - cậu con trai út của bà cao to, đẹp trai, học giỏi là niềm tự hào của cả gia đình. Từ nhỏ, Huấn đã sớm bộc lộ năng khiếu hội họa. Tốt nghiệp loại giỏi trường Cao đẳng Nhạc họa T.Ư, Huấn trở thành giáo viên mỹ thuật trường Tiểu học Cổ Thành, Chí Linh, Hải Dương. Do vẽ đẹp có tiếng trong vùng, Huấn vừa đi dạy, vừa tham gia các dự án cần hội họa của nhiều cơ quan, đơn vị. Anh cũng vẽ rất nhiều tranh, ấp ủ mở triển lãm vào một ngày không xa…

Giáp Tết năm 2007, trường mầm non Cau Đức ở Chí Linh đang xây dựng, mời Huấn tham gia trang trí, hoàn thiện đồ dùng dạy học cho trường. Hôm đó, xong việc ở trường mầm non, Huấn đi xe máy về nhà trọ trong tiết trời mưa rét, nhá nhem tối. Anh đã va chạm với chiếc xe container chết máy giữa đường, không đặt cảnh báo. Huấn văng ra ngoài, người không xây xước gì nên ai cũng nghĩ Huấn choáng một lúc sau sẽ tỉnh. Đến vài tiếng sau vẫn thấy Huấn bất tỉnh, chỉ thấy nước mắt ứa ra, gia đình đưa Huấn vào Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) thì được xác định anh bị dập đốt sống cổ, chấn thương sọ não.

“Thời điểm này, ông nhà tôi đang là giáo viên, đã bỏ hết công việc, dồn hết tiền của, vay mượn khắp nơi để cứu con. Mấy năm trời lăn lộn hết viện tỉnh đến Trung ương, con thoát chết, rồi con tự thở được, rồi con nói được, cả nhà mừng lắm. Phải sau hai năm chạy chữa, con mới có thể nâng được cổ tay lên xuống, thì ông nhà tôi lâm trọng bệnh và qua đời”, bà Nhuận nghẹn ngào.

Nhưng nhìn cha mẹ già, anh chị em dồn hết sức cứu mình, rồi cha qua đời với nỗi đau đáu về con tàn tật, Huấn không còn dám nghĩ đến tự vẫn. Anh quyết tâm phải sống có ích. Nhờ bạn bè giúp đỡ, anh có một giá gắn bút lắp vào cánh tay, khó nhọc tập viết, tập vẽ trở lại. Đau đớn, mỏi nhừ mỗi lần tập vẽ, Huấn vẫn nghiến răng luyện tập. Sau một thời gian dài, những tác phẩm hội họa của anh dần “có hồn” trở lại.

Năm 2010, thấy các em học sinh trong vùng có năng khiếu hội họa, muốn thi vào các trường đại học, cao đẳng phải lặn lội ra tận Hà Nội để tìm thầy học vẽ, có những em gia đình khó khăn không có đủ tiền theo học phải bỏ dở ước mơ của mình, Huấn đã nhờ mẹ gọi các em đến học vẽ. Nghe tin anh Huấn tàn tật dạy học, người dân trong làng không tin, nhưng rồi 6 học sinh đầu tiên do thầy Huấn ôn luyện và dạy vẽ đều đỗ vào các trường đại học, nhiều phụ huynh và học sinh ngạc nhiên tìm đến tận nơi, ai nấy đều thán phục khả năng và kiến thức hội họa của anh.

Tiếng lành đồn xa, lớp học của thầy Huấn đông dần lên, học trò ở các xã lân cận và cả vùng Gia Bình, Hải Dương cũng tìm đến. 7 năm qua, thầy Huấn đã dìu dắt hơn 150 học trò thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Học trò bình thường mỗi tháng anh chỉ lấy vài trăm nghìn đồng tiền điện nước, giấy bút. Học trò nào nghèo, hoàn cảnh khó khăn anh dạy miễn phí. “Sức khỏe của tôi không tốt, nên mỗi khóa tôi chỉ nhận dạy từ 30 - 40 học sinh. Tôi coi các em như người nhà, trừ lúc tôi đi viện nên các em cứ rảnh là đến học, học đến bao giờ mệt thì về. Em nào ở xa thì có thể ở lại với gia đình. Tôi chỉ mong các em đừng bỏ phí ước mơ của mình”, thầy Huấn tâm sự. 

Nghị lực, tài năng và lòng yêu thương học trò của thầy Huấn khiến học trò yêu thầy hết mực. Mỗi dịp ngày Nhà giáo Việt Nam hay lễ, Tết lại có các lớp học trò về thăm thầy, nhiều bậc phụ huynh đến tri ân. Em Nguyễn Thị Mý, thôn Bè Khê, xã Phú Hòa (Lương Tài) bố mất sớm, mẹ bệnh tật đã từng có ý định bỏ học, được thầy động viên và hướng dẫn môn năng khiếu, đã thi đỗ vào trường Đại học Xây dựng. Nhắc đến thầy Huấn, Mý xúc động cho hay, thầy không chỉ truyền kiến thức, mà còn nghị lực, cảm hứng để em nỗ lực, cố gắng đạt được giấc mơ cuộc đời mình, sống có ích.

Em Ngô Văn Mạnh (SN 1994, quê Kênh Vàng, xã Trung Kênh, Lương Tài) mồ côi cha, mẹ đi làm ăn xa, sống với bà ngoại cũng chỉ ôn thi năng khiếu tại lớp thầy Huấn mà đã đỗ Khoa Thiết kế đồ họa, Đại học Sư phạm Hà Nội. Mạnh chia sẻ: “Em biết ơn và coi thầy Huấn như người thầy, người anh trai trong nhà. Thầy có kiến thức hội họa rất tốt, hơn nữa yêu mến và nể phục thầy nên các thế hệ học trò đã ra trường, đang học đại học vẫn thường xuyên quay lại nhà thầy, hỗ trợ thầy dạy vẽ. Nhờ đó, nhà thầy như một sân chơi, diễn đàn cho những người đam mê hội họa trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau”.

11

Gia đình nhỏ hạnh phúc của thầy Huấn 

“Trái ngọt” của cặp vợ chồng tật nguyền

Cuộc chuyện trò đang dang dở thì một cậu bé khôi ngô, mắt sáng như sao ùa vào, ôm cổ anh Huấn, ríu rít gọi “bố ơi”. Ôm con vào lòng, anh Huấn nở nụ cười rạng rỡ cho biết, bé Nguyễn Minh Đức là trái ngọt của anh với người vợ tật nguyền, chị Nguyễn Thị Huyền.

Đưa ánh mắt trìu mến về người vợ cặm cụi trong góc bếp nhỏ, anh Huấn bảo duyên phận đã đưa anh chị đến với nhau. Năm 2009, sau khi trải qua quá trình điều trị, trị liệu ở nhiều bệnh viện, gia đình đưa anh đến châm cứu tại chùa Ngòi gần nhà - đây cũng là một địa chỉ thường cưu mang, giúp đỡ người tàn tật. Tại đây, anh gặp chị Nguyễn Thị Huyền, quê Yên Dũng (Bắc Giang). Do di chứng của bệnh sởi từ bé, chị Huyền bị liệt nửa người bên phải. Dù từ khuôn mặt đến tay chân đều cử động khó khăn, xiêu vẹo, nhưng với sự thảo hiền, hay lam hay làm, mỗi khi hết thời gian điều trị của mình, chị lại hết lòng chăm sóc, giúp đỡ những người bệnh nặng hơn. Hình ảnh ấy khiến anh Huấn xúc động. Nhưng nghĩ bản thân tàn tật, không có khả năng làm chồng, làm cha, anh cũng không dám nghĩ chuyện xa hơn.

Đón nhận niềm vui vô bờ bến khi cậu con trai kháu khỉnh ra đời, anh Huấn miệt mài luyện tập để được khỏe hơn, để có thể vẽ nhiều hơn, dạy được nhiều học trò hơn. Anh nói, được sống trên cõi đời này là một cơ hội lớn và anh sẽ làm tất cả để biến cơ hội đó thành những việc có ích cho đời.

Hiểu được nỗi lòng của người con trai út, mẹ anh Huấn đã bắt chuyện, mời chị Huyền sau quá trình điều trị về nhà mình sinh sống. Tại đây, cảm phục trước tài năng và tấm lòng nhân hậu của anh, chị Huyền đã đem lòng yêu thương anh.

Bệnh tật chưa cho phép anh một lần đặt chân đến nhà ngoại, chỉ có mẹ anh thay anh về Bắc Giang đặt lễ, xin chị về làm dâu con. Đám cưới của anh chị như một câu chuyện cổ tích, khi chị mặc áo dài thập thững đẩy xe lăn theo anh về nhà. Tìm thấy một nửa của mình, có thêm người nâng đỡ, chăm sóc hàng ngày, anh Huấn càng thêm động lực sống, anh càng vẽ khỏe hơn, càng dạy được nhiều học trò hơn. Đôi vợ chồng khuyết tật với tình yêu tròn đầy lặng lẽ tựa vào nhau...

Nhưng cũng là phụ nữ, mẹ anh Huấn thấu hiểu ánh nhìn buồn bã của chị Huyền mỗi khi có đứa trẻ chạy ngang cổng nhà. Từ bóng gió xa xôi, bà khuyên thật chị Huyền hãy “tìm ai cho một đứa con, bà và anh Huấn sẽ coi đó như con cháu trong nhà”. Nhưng lòng yêu chồng không cho phép chị Huyền làm việc đó. Chị âm thầm hỏi han và quyết định đưa anh lên Hà Nội xét nghiệm. Khi biết anh có thể thụ tinh nhân tạo, chị bàn với gia đình chồng vay mượn để thực hiện mơ ước có một đứa con. Sau ba lần ngược xuôi bệnh viện với chi phí cả trăm triệu đồng, chị đã mang thai và sau đó hạ sinh bé Đức kháu khỉnh, giống cha như đúc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.