Chất lượng sống

Hoảng hồn bệnh nhân loét chân vì chủ quan không điều trị tiểu đường

19/06/2018, 10:06

Một bệnh nhân nam nhập viện với bàn chân loét hoại tử, phải cắt bỏ ngón do chủ quan không điều trị tiểu đường.

Loét chân do biến chứng đái tháo đường

Hoảng hồn bệnh nhân loét chân, phải tháo ngón vì chủ quan không điều trị tiểu đường

Các bác sĩ BV Nội tiết TƯ vừa xử lý 1 ca biến chứng đái tháo đường do chủ quan trong điều trị bệnh. Bệnh nhân Nguyễn Hữu C. (41 tuổi, Tôn Đức Thắng, Đống Đa, Hà Nội) mắc đái tháo đường đã 17 năm nay. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, anh thường tự mua thuốc điều trị tại nhà và do bận rộn công việc nên uống thuốc không đều đặn.

Khoảng giữa tháng 5/2018, trên chân anh C mọc một vài mụn nước ở ngón chân cái. Sau đó 2-3 ngày, những mụn nước ấy vỡ ra. Những cọ xát do di chuyển khiến những vết sưng ngày càng lan rộng. Ngón chân cái của anh sưng nề, chuyển sang màu đen bầm như tụ máu.

Đến ngày 19/5/2018, anh bị sốt mê man. Ngay ngày hôm sau, anh nhập viện tại bệnh viện Nội tiết Trung ương trong tình trạng tấy đỏ toàn bộ bàn chân phải, loét hoại tử nghiêm trọng.Tại đây, anh đã được chẩn đoán loét hoại tử bàn chân do đái tháo đường typ 1, biến chứng thần kinh ngoại vi, thần kinh tự động.

Các bác sĩ đã cắt lọc phần thịt hoại tử và áp dụng các biện pháp điều trị cần thiết. Sau nhiều nỗ lực của các bác sĩ, điều dưỡng khoa Chăm sóc bàn chân – Bệnh viện Nội tiết Trung ương, anh C đã ổn định sức khỏe.

Tuy nhiên, các bác sĩ cũng đã phải tháo bỏ ngón cái bàn chân phải của anh C. Bác sĩ nhận định, nếu anh đến viện chậm trễ hơn một vài ngày sẽ có nguy cơ phải tháo bỏ đến khớp gối. Đáng nói, trước khi nhập viện, bệnh nhân hoàn toàn không nghĩ rằng đây là do biến chứng của bệnh đái tháo đường mà chỉ phán đoán do bệnh ngoài da do nóng trong hoặc ảnh hưởng của bệnh thận.

Ngoài các vết loét ở chân, anh C cũng gặp nhiều biến chứng khác do căn bệnh đái tháo đường gây nên: sụt cân nghiêm trọng từ 75kg xuống còn 49kg, người gầy yếu, mệt mỏi. Thị lực của anh cũng giảm sút nghiêm trọng: mắt phải 2/10, mắt trái 6/10. Anh cũng gặp những biến chứng về thận và các bộ phận khác trên cơ thể.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ đái tháo đường trên toàn thế giới tăng 54% trong vòng 20 năm (2010 – 2030). Đến năm 2015 toàn thế giới có 415 triệu người trưởng thành bị đái tháo đường và dự đoán sẽ tăng lên 642 triệu người vào năm 2040. Hiện nay, ước tính cứ 11 người trưởng thành thì có một người mắc bệnh đái tháo đường và năm 2040 thì 10 người trưởng thành sẽ có 1 người mắc căn bệnh này.

Để phòng tránh mắc bệnh đái tháo đường, cần tuân thủ lối sống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý và rèn luyện thể lực đều đặn. Bên cạnh đó, việc đi khám sức khỏe thường xuyên và xét nghiệm đường huyết định kỳ để phát hiện sớm bệnh, từ đó can thiệp kịp thời nhằm ngăn chặn sự tiến triển thành bệnh là hết sức cần thiết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.