Thị trường

Hối hả cung ứng để không thiếu hàng Tết

30/01/2018, 09:30

Các doanh nghiệp cấp tập chốt đơn hàng khi mà chỉ còn khoảng hai tuần nữa là Tết.

13

Ông Lê Ngọc Anh kiểm tra chất lượng nước mắm trước khi đóng chai đưa ra thị trường tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán

Nhiều doanh nghiệp “cháy” hàng

Ông Lê Ngọc Anh, Chủ xưởng sản xuất nước nắm Lê Gia vui mừng cho biết, xưởng nhận được rất nhiều đơn đặt hàng cho đợt Tết Nguyên đán sắp tới, số lượng gấp khoảng 5 lần so với năm ngoái. “Các đơn hàng khách đặt chủ yếu là dạng hộp quà tặng cho nhân viên các công ty hay mang biếu dịp Tết”, ông Ngọc Anh chia sẻ và thông tin, năm nay, mỗi đơn hàng chủ yếu đặt từ 300-500 suất quà. Mỗi hộp quà được xưởng đóng gói gồm hai chai nước mắm, một hộp kho quẹt và một chai mắm tôm. Mức giá từ 170.000 - 200.000 đồng/hộp, tùy dung tích chai, cũng được nhiều khách lẻ lựa chọn làm quà biếu do vừa là nước mắm sạch truyền thống vừa phù hợp với túi tiền.

Đến ngày 28/1, mới chỉ có một số mặt hàng thực phẩm tăng giá nhẹ, còn lại các mặt hàng vẫn giữ giá: Bắp cải Đà Lạt có giá 15.000 đồng/kg; Bia Heineken có giá 390.000 đồng/thùng 24 on, Bia Tiger lon 330.000 đồng/thùng 24 lon; Bia lon 333 Sài gòn 240.000 đồng/thùng 24 lon; Bia chai 45 Sài Gòn 140.000 đồng/két 20 chai; Bí xanh 19.000 đồng/kg; Bưởi năm roi 50.000 đồng/quả, Cá thu 260.000 đồng/kg; Cam sành 35.000 đồng/kg; Chả lụa 150.000 đồng/kg,…

Theo chia sẻ của ông Ngọc Anh, năm nay có sự liên kết giữa các đơn vị sản xuất hàng hóa truyền thống để làm các giỏ quà nông sản Tết gồm các đặc sản của một số địa phương như: Gạo, ruốc, bánh đậu xanh, rượu cổ truyền, nước mắm… “Đáng mừng là các gói quà năm nay được người tiêu dùng đón nhận rất tốt”, ông Ngọc Anh nói.

Cùng tham gia gói quà tặng nói trên, ông Nguyễn Văn Tuân, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Thế Hệ Mới cho biết, do chưa mở rộng được sản lượng nên dịp Tết năm nay ngoài lượng bán cho khách quen thì chỉ còn vài tấn gạo để tham gia vào các giỏ quà Tết. Ông Tuân hy vọng, sau khi mở rộng được diện tích, tăng sản lượng sẽ có đủ để đáp ứng nhu cầu cho khách hàng không chỉ vào dịp Tết Nguyên đán.

Với sản phẩm mỳ Chũ xuất đi khắp các tỉnh từ Bắc chí Nam, Công ty TNHH Thương mại công nghệ Vạn Đức (Lục Ngạn, Bắc Giang), năm nay đã không có đủ hàng để cung ứng ra thị trường. Ông Đào Văn Điền, Giám đốc công ty cho biết, đã tính toán lượng hàng Tết nhưng công ty vẫn không chuẩn bị kịp và càng tới gần Tết, khách đặt càng đông, “hàng thiếu trầm trọng”. “Năm nay, doanh số đặt hàng tăng hơn các năm trước rất nhiều. Ngoài lượng hàng khách đặt bán trong nước có tăng nhưng không đáng kể thì năm nay lượng hàng khách đặt để mang đi phát từ thiện và đặc biệt là mang đi nước ngoài tăng đột biến”, ông Điền thông tin. Chỉ tính riêng trong 30 ngày gần nhất, công ty này đã cấp cho đại lý hơn 40 tấn mỳ Chũ. Theo ông Điền, dù cố gắng thì từ nay tới Tết Nguyên đán, nếu thời tiết không thuận, công ty khó đáp ứng hết được đơn hàng của khách. “Bây giờ vẫn còn hơn 30 đơn trong nước, chục đơn đi nước ngoài, mỗi đơn khoảng 4-5 tấn. Còn những đơn lẻ dưới 1 tấn thì không tính vì nhiều lắm”, ông Đào Văn Điền cho biết.

Không để khan hàng, tăng giá

Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông (Hà Nội) cho biết, tổng lượng hàng hóa dự kiến cung ứng cho 3 tháng trước, trong và sau Tết là 130.000 tấn, tăng 15% so với năm trước. Trong đó, ngoài lượng hàng bình ổn tăng từ 5-30%, các mặt hàng còn lại tăng từ 15-30%. Tăng cao nhất là nhóm thực phẩm tươi sống gồm rau củ quả, trái cây, các loại thịt và các mặt hàng công nghệ được ưa chuộng dịp Tết như bánh mứt, nước giải khát, bia… Một đại diện khác của Co.opmart cũng cho hay, siêu thị luôn ưu tiên hàng hóa trong nước, nhất là hàng Việt Nam chất lượng cao. Nhiều đơn vị trong hệ thống Co.opmart hàng Việt chiếm trên 90% tổng lượng hàng hóa.

Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Vũ Thanh Sơn cũng cho biết, Hapro đã dự trữ lượng hàng hóa trị giá hơn 1.000 tỷ đồng, tập trung vào 18 nhóm hàng hóa thiết yếu. Ngoài ra, để chủ động ứng phó với các tình huống sốt giá, thiếu hàng vào dịp Tết trong trường hợp xảy ra mất mùa, hay do thiên tai, dịch bệnh..., Tổng Công ty đã có kế hoạch trữ hàng trong kho tại hệ thống siêu thị cũng như ký kết hợp đồng thanh toán trước, hoặc hợp đồng đặt cọc và ký hợp đồng nhưng chưa đặt tiền với các nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm hàng hóa và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thông tin về hàng Tết trên địa bàn Thủ đô, bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, Sở đã chỉ đạo, phối hợp các doanh nghiệp triển khai hoạt động dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Mậu Tuất 2018 với trị giá 26.000 tỷ đồng, tăng 10% so Tết Đinh Dậu 2017. Trong đó có 193.600 tấn gạo, 50.000 tấn thịt lợn, 14.000 tấn thịt gà, 13.800 tấn thịt bò, 200 triệu quả trứng gia cầm… Bên cạnh thực phẩm, các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát sẽ cung ứng 10.000 tỷ đồng giá trị hàng hóa. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhóm hàng giò, chả, miến… sẽ cung ứng lượng hàng hóa trị giá khoảng 2.200 tỷ đồng. Còn tại các chợ truyền thống, lượng hàng phục vụ thực tế tại Thủ đô là khoảng 1.000 tỷ đồng. Bên cạnh đủ cung, Sở Công thương Hà Nội cũng đã đi kiểm tra các đơn vị sản xuất, công tác dự trữ hàng hóa của các doanh nghiệp để yêu cầu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.