Thời sự

Hội Nhà báo bảo vệ phóng viên thế nào?

20/06/2016, 08:30

Đó là vấn đề được Báo Giao thông đặt ra trong cuộc trao đổi với ông Hồ Quang Lợi...

1

Bác sĩ kiểm tra thương tích cho PV Vĩnh Phú của Báo Giao thông bị hành hung khi đang phản ánh tình trạng xe quá tải - Ảnh: LH

Đó là vấn đề được Báo Giao thông đặt ra trong cuộc trao đổi với ông Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam trước thực tế không ít nhà báo bị hành hung, cản trở tác nghiệp thời gian qua.

Bất bình trước việc nhà báo bị hành hung

Gần đây xảy ra khá nhiều vụ nhà báo bị cản trở, hành hung khi tác nghiệp. Theo ông, nguyên nhân nào khiến các vụ việc này ngày càng có xu hướng gia tăng?

Mỗi việc đều có nguyên nhân cụ thể, nhưng nhìn tổng thể, có những người, những nhóm người vì mục đích không trong sáng nào đó luôn muốn ngăn cản báo chí tiếp cận, phản ánh sự thật và bảo vệ lẽ phải. Chính vì thế, họ tìm mọi cách để ngăn cản, đe dọa và xâm hại nhà báo.

Xét ở góc độ xã hội, một phần do tác động tiêu cực từ mặt trái của cơ chế thị trường mà trong một số trường hợp người ta đặt lợi ích vật chất lên hàng đầu, để cho đồng tiền lên ngôi, nên khi báo chí tham gia vạch trần những quan hệ mờ ám, những ý đồ vụ lợi, những hành vi sai trái, người ta tìm mọi cách hạn chế, ngăn cản báo chí, bất chấp cách đó vi phạm pháp luật.

Một lý do nữa cũng phải kể đến là chúng ta đã có Luật Báo chí từ 17 năm nay, nhưng khi đưa vào triển khai trong thực tế vẫn có những bất cập, chưa được thực hiện một cách nghiêm minh dẫn đến chuyện nhờn luật, coi thường kỷ cương, phép nước và đã xảy ra không ít vụ tấn công, truy bức, xâm hại các nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.

Là lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, một hội chính trị - xã hội - nghề nghiệp có chức năng hỗ trợ, bảo vệ nhà báo, ông cảm thấy thế nào mỗi khi nhận tin một PV, nhà báo của cơ quan báo chí bị cản trở, hành hung?

Khi một nhà báo bị hành hung, phản ứng đầu tiên của tôi là bất bình và cực lực phản đối. Trước mỗi vụ việc như thế, gần như ngay lập tức, tôi đề nghị Ủy ban Kiểm tra của Hội tìm hiểu, nắm chắc tình hình liên quan đến sự việc đó, phối hợp yêu cầu cơ quan bảo vệ pháp luật làm rõ sự thật. Khi thấy có dấu hiệu đe dọa, hành hung các nhà báo, Hội Nhà báo Việt Nam luôn thể hiện thái độ rất mạnh mẽ, kiên quyết yêu cầu pháp luật trừng trị nghiêm khắc những hành vi sai phạm.

2

Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi

Không lùi bước trước cái xấu

Thông thường, mỗi khi có sự việc nhà báo bị hành hung, cướp dụng cụ tác nghiệp, động thái duy nhất của Hội Nhà báo là gửi công văn yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ. Tới đây, Hội có biện pháp gì mạnh mẽ hơn không?

Để bảo vệ nhà báo, hoạt động của Hội Nhà báo đúng là cần mạnh mẽ hơn, thiết thực hơn chứ không chỉ đơn giản chỉ là gửi công văn đi và chờ công văn đến. Mỗi khi có vụ việc, ví dụ như vụ PV Báo Lao động bị hành hung gần đây, ngoài việc ngay lập tức gửi công văn đề nghị các cơ quan chức năng thẩm tra làm rõ sự việc, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam còn chủ động gọi điện phối hợp với lãnh đạo TP Hà Nội trao đổi thông tin, thúc đẩy điều tra;Trực tiếp đến Báo Lao động động viên, thăm hỏi phóng viên bị hành hung. Hội đã nhận được công văn phúc đáp của Công an TP Hà Nội về tiến trình điều tra vụ việc.

Đặc biệt, có những vụ đã được xét xử lý nghiêm minh như vụ hành hung nhà báo Nguyễn Ngọc Quang, Đài PT-TH Thái Nguyên, kẻ phạm tội đã bị phạt tù.

Sau mỗi sự việc xảy ra, người ta lo ngại tính chiến đấu của báo chí sẽ giảm khi nhà báo không yên tâm tác nghiệp, không được bảo vệ thích đáng khi đấu tranh chống tiêu cực. Quan điểm của ông thế nào?

Tôi không nghĩ như vậy. Những người làm báo chính trực, đặc biệt là những nhà báo chống tiêu cực, chống tham nhũng là những chiến sĩ trên mặt trận báo chí. Họ có phẩm chất dấn thân cho công lý và lẽ phải. Sau vài vụ việc xảy ra vừa qua, tôi chưa thấy có nhà báo nào bị hành hung mà tỏ ra khiếp nhược. Có thể họ sẽ rút cho mình những kinh nghiệm để tự bảo vệ một cách tốt hơn, điều đó không có nghĩa là ý chí của người làm báo sẽ bị suy giảm, lung lay. Tôi thấy họ vẫn tiếp tục cầm bút và chiến đấu. Những người làm báo đã có phẩm chất dấn thân không dễ gì lùi bước trước những lời đe dọa hay hành vi đe doạ, bởi họ sống hoài bão, lý tưởng, họ tin vào sự nghiêm minh của pháp luật và tin vào sự ủng hộ của nhân dân dành cho người làm báo chân chính.

Nhưng sau khi bị hành hung, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng của Báo Lao động đã chia sẻ rằng: “Tôi cảm thấy cô đơn và không được bảo vệ. Tôi cũng từng phải dừng nhiều bước điều tra của mình để bảo đảm tính mạng cho bản thân cũng như sự an toàn cho gia đình”?

Tôi hiểu được tâm trạng đó. Nhà báo cũng là con người. Tôi nghĩ, ở một thời điểm cụ thể khi vừa xảy ra sự việc chấn động ấy, tâm lý bị tác động là điều có thể hiểu được, vì sau lưng mình còn có gia đình, vợ con. Nhưng khi đến Báo Lao động gặp Đỗ Doãn Hoàng, tôi thấy tinh thần anh ấy vẫn vững vàng, vẫn điềm tĩnh làm việc.

Ông có đề xuất hay kiến nghị gì để giúp việc bảo vệ nhà báo trong quá trình tác nghiệp có hiệu quả hơn, tạo điều kiện cho các nhà báo yên tâm hơn trong quá trình tác nghiệp?

Tôi nghĩ điều cần thiết nhất là mọi người phải nắm chắc các quy định của pháp luật và phải thực hiện đúng. Xin được nhấn mạnh thêm, không phải chỉ là các nhà báo mà các cơ quan chức năng, người dân cũng phải thực hiện đúng Luật Báo chí. Nắm vững luật và thực hiện theo luật là cách bảo vệ nhà báo hiệu quả nhất.

Một điều cần lưu ý, việc bảo vệ nhà báo ở đây không chỉ đơn thuần là khi xảy ra sự việc rồi đi giải quyết hậu quả, mà bảo vệ bằng cách tạo ra một hành lang pháp lý vững chắc, tạo một môi trường xã hội ngày càng lành mạnh, tích cực mà ở đó các nhà báo được tôn trọng, ủng hộ, giúp đỡ và bảo vệ; Kẻ xấu phải chùn tay, run sợ trước sự trừng phạt nghiêm minh của luật pháp và sự đồng lòng chống lại cái ác, cái xấu của đông đảo người dân.

Đề cao đạo đứcngười làm báo

Có những đề xuất Hội Nhà báo cần có biện pháp mạnh mẽ hơn như thuê luật sư cho các hội viên trong mỗi vụ nhà báo bị hành hung để bảo vệ họ, hay thường xuyên tổ chức tọa đàm, mời cơ quan chức năng liên quan đến trao đổi về vấn đề này. Ông nghĩ sao về những kiến nghị đó?

Tôi nghĩ, biện pháp gì mà góp phần tăng cường sự hiểu biết, sự chia sẻ để hỗ trợ nhau trong công việc, trực tiếp ở đây là hỗ trợ nhà báo tác nghiệp tốt, bảo vệ các nhà báo thì Hội đều ủng hộ.

Trước mắt, Hội sẽ triển khai một đợt học tập, quán triệt để các nhà báo nắm thật chắc Luật Báo chí năm 2016. Vì thực tế có không ít nhà báo còn lơ mơ về luật, chưa nắm được hết quyền và trách nhiệm của mình, cũng như những điều luật nghiêm cấm. Ví dụ như bí mật đời tư của công dân được pháp luật bảo hộ nhưng nhiều nhà báo vẫn “vô tư” xâm phạm.

Trong Luật Báo chí 2016, còn một điều rất quan trọng là đạo đức báo chí. Đạo đức là nền tảng và cốt lõi của hoạt động báo chí. Một nhà báo không chính trực thì ngòi bút rất dễ bị bẻ cong, khi ngòi bút bị bẻ cong thì không bao giờ nói đúng bản chất sự việc, thậm chí đánh tráo bản chất sự việc, phục vụ cho lợi ích cá nhân của mình.

Trân trọng cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.