Thế giới giao thông

Hong Kong “bó tay” với người đi bộ vi phạm giao thông

18/06/2018, 14:21

Tháng 6 này đánh dấu 50 năm quy định giao thông về người đi bộ được đưa vào áp dụng tại đặc khu...

25

Người vi phạm luật về đi bộ đang giải thích với cảnh sát lý do vi phạm

Tháng 6 này đánh dấu 50 năm quy định giao thông về người đi bộ được đưa vào áp dụng tại đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) nhưng số lượng vi phạm cùng những vụ tai nạn liên quan không ngừng tăng. Dư luận Hồng Kông cho rằng đã đến lúc chính quyền địa phương phải tìm cách tiếp cận khác để hạn chế vấn nạn này.

Quy định có cũng như không

Tín hiệu điện tử hình người đàn ông màu xanh đã được bổ sung vào đèn tín hiệu giao thông Hong Kong từ năm 1968 với mục đích cải thiện tình hình an toàn đường bộ của người đi bộ nhưng đến nay không phát huy tác dụng.

Bất chấp sự hiện diện của “người đàn ông bé nhỏ màu xanh” trên khắp các ngã tư, an toàn dành cho người đi bộ vẫn là vấn đề rất lớn, trong đó những hành vi tham gia giao thông cẩu thả, bất chấp luật lệ (hay còn gọi là jaywalking) của những đối tượng này trở nên phổ biến hơn bao giờ hết.

Theo số liệu từ cảnh sát đặc khu hành chính Hong Kong, thống kê những vụ vi phạm liên quan đến người đi bộ trong 3 tháng đầu năm nay cho thấy có 4.372 người đi bộ bị xử phạt vì vi phạm luật, phần lớn liên quan đến hành vi jaywalking.

Không cần đến những con số thống kê mất thời gian, chỉ cần đi bộ dọc bất cứ tuyến đường Hong Kong bận rộn nào, người ta dễ dàng chứng kiến nhiều người lờ đi tín hiệu dành cho người đi bộ cũng như những lời khuyên về an toàn giao thông dù cảnh sát nước này đã thực hiện không biết bao chiến dịch để vận động, nâng cao nhận thức.

Cuối năm 2016, cảnh sát Hong Kong mở chiến dịch 5 ngày, trong đó chú trọng tuyên truyền chống lại vấn nạn vi phạm quy định giao thông khi đi bộ và các sai phạm khác trong một nỗ lực nhằm giảm TNGT liên quan tới người đi bộ, đặc biệt với sinh viên và người già. Một chiến dịch tương tự cũng được thực hiện vào tháng 7/2017.

Đồng thời, chế tài áp cho những vi phạm liên quan đến người đi bộ cũng rất nặng theo Luật Giao thông đường bộ Hong Kong. Trong đó, người vi phạm sang đường không theo đúng tín hiệu đèn có thể bị phạt tới 2.000 đô-la Hong Kong (tương đương 254 USD).

Thậm chí, trong bối cảnh công nghệ thông tin và video phát triển, đã có nhiều trường hợp người đi bộ vi phạm quy định và nhận hậu quả nặng nề về người, được đăng tải trên mạng xã hội.

Chẳng hạn như vụ một người đàn ông sang đường bất chấp tín hiệu và bị taxi đâm chết trên đường Connaught bận rộn. Mặc dù vậy, tình trạng vi phạm giao thông vẫn tiếp diễn.

Theo cảnh sát, năm 2017, trong số 108 trường hợp thiệt mạng vì TNGT tại Hong Kong có 64 trường hợp liên quan đến người đi bộ.

Muốn học từ Trung Quốc đại lục

Để thay đổi chiến lược, cảnh sát Hong Kong đang thực hiện cách tiếp cận 3 mũi đối với an toàn đường bộ trong đó bao gồm lắp đặt kỹ thuật mới trên đường, giáo dục và siết chặt thực thi pháp luật.

Riêng trong nỗ lực giáo dục, cảnh sát Hong Kong đã tổ chức nhiều hoạt động dành cho người trẻ và người cao tuổi để thông tin về những hiểm hoạ từ jaywaking cùng những khía cạnh khác của an toàn đường bộ, phát tờ rơi tại các điểm đen về tai nạn giao thông…

Nhưng, một số nhà vận động vì an toàn giao thông tại Hong Kong cho rằng, sau 50 năm bất lực, điều chính quyền đặc khu cần làm lúc này là tìm cách tiếp cận khác để dẹp bỏ căn bệnh “tảng lờ” đèn giao thông dành cho khách bộ hành.

Trong đó, nhiều người cho rằng, Hong Kong nên học cách Trung Quốc đại lục đang thực hiện để hạn chế jaywalking.

Chẳng hạn, tại Thâm Quyến, chính quyền địa phương đã ra mắt lực lượng cảnh sát điện tử bao gồm camera và trí thông minh nhân tạo có khả năng lập tức xác định danh tính của người đi bộ sai quy định. Với phương án này, người vi phạm sẽ bị phát hiện và nhận thông báo phạt qua WeChat - hệ thống truyền thông xã hội lớn nhất Trung Quốc.

Hay như tại thành phố Daye, tỉnh Hồ Bắc, cảnh sát địa phương còn dùng thiết bị có thể phun nước vào những người đi bộ sang đường sai quy định. Những chiếc cột màu vàng được trang bị tia laser và cảm ứng chuyển động được lắp đặt bên lề đường. Người nào cố tình sang đường trái phép sẽ bị phun nước lạnh vào người.

Một số biện pháp khác cũng được các thành phố tại đại lục thực hiện như lắp đặt bảng điện tử tại ngã tư đường ở quận Tongzhou. Bộ thiết bị bao gồm loa phóng thanh và camera cảm ứng có khả năng thông báo người đi bộ sai quy định ngay lập tức.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.