Góc nhìn

Hong Kong muốn xây dựng xã hội thân thiện với người già

28/07/2018, 08:35

Hơn 14% dân số Hong Kong, tương đương hơn 1 triệu người, đang ở độ tuổi từ 65 tuổi trở lên.

27

Rất nhiều người già tại Hong Kong vẫn phải nai lưng để kiếm tiền trang trải cuộc sống

Hơn 14% dân số Hong Kong, tương đương hơn 1 triệu người, đang ở độ tuổi từ 65 tuổi trở lên. Do đó, để hạn chế những tác động tiêu cực mà một xã hội cao tuổi gây ra, chính quyền đặc khu hành chính này thấy cần phải nhanh chóng đầu tư nguồn lực để xây dựng xã hội thân thiện với người lớn tuổi, theo nhận định của các chuyên gia xã hội.

Tốc độ già hóa nhanh hơn Nhật Bản

Tuổi thọ trung bình tại Hong Kong đã liên tục được cải thiện đối với cả đàn ông và phụ nữ tương đương 83 và 87 tuổi. Tỉ lệ những người trên 65 tuổi đang tăng đáng kể.

Tại Hong Kong, chỉ trong 25 năm, tỉ lệ người từ 55 tuổi trở lên đã tăng gấp đôi từ chiếm 7% lên 14%. Trong khi một đất nước có tỉ lệ dân số già như Nhật Bản phải mất 37 năm mới tiến đến tỉ lệ này. Nếu một người Hong Kong bình thường nghỉ hưu ở 60 hoặc 65 tuổi, họ sẽ còn ít nhất 20 năm sinh tồn ở phía trước.

Một xã hội đang ngày càng già hóa sẽ gây ra rất nhiều vấn đề đáng ngại trong đó có thể tạo tác động tiêu cực lên sự phát triển của nền kinh tế và ổn định của hệ thống tiền lương.

Hình ảnh người già đẩy xe chở bìa carton thường thấy trên đường phố Hong Kong là điển hình cho thực trạng người già Hong Kong đang phải chật vật với cuộc sống thường ngày đắt đỏ tại đây.

Bà Wong, 65 tuổi, hàng ngày đi khắp đường phố khu vực Sheung Shui, Hong Kong để lục tìm những tấm bìa carton không còn sử dụng và bán lại cho các nhà máy tái chế ở địa phương.

Bà bắt đầu công việc từ 7h sáng, thường làm tới tận 21h, trọn vẹn 7 ngày trong tuần. Công việc vất vả đó chỉ mang về cho người đáng lẽ đã đến tuổi an nhàn 41 đô-la Hong Kong/ngày.

Bà Wong chỉ là một trong ước tính hàng nghìn người già được gọi với cái tên “cụ già bìa carton” chuyên thu thập và bán đồ đồng nát trên khắp 9 quận nghèo nhất trong thành phố.

Chi phí sinh hoạt lại đắt đỏ, không tiền tiết kiệm, không hỗ trợ từ gia đình, lương hoặc tiền bảo trợ xã hội ít hoặc không có đẩy những người già như bà Wong phải mài mặt kiếm sống ngoài đường.

Vì vậy, việc hỗ trợ giúp đỡ các cá nhân ở mỗi giai đoạn cuộc đời, cho phép họ phát triển khả năng của mình một cách toàn diện nhất là điều rất quan trọng, ông Paul Yip chuyên nghiên cứu về vấn đề xã hội đến từ Đại học Hong Kong và ông Asghar Zaidi, giáo sư thỉnh giảng đến từ Trung tâm Phân tích Exclusion Social (CASE) tại Trường Khoa học chính trị và kinh tế London nhận định.

Xã hội thân thiện với mọi lứa tuổi

Xã hội thân thiện với mọi lứa tuổi là nơi mọi người (kể cả trẻ, trung niên hay già) đều có thể tham gia vào các hoạt động cộng đồng. Một xã hội như vậy sẽ giúp người già dễ thích nghi hơn.

Theo chính sách của Hong Kong hiện nay, chính quyền địa phương đã chi hàng tỉ đô-la Hong Kong vào các khoản an sinh xã hội, dịch vụ y tế, trợ cấp cho người lớn tuổi.

Điển hình là chương trình về trợ cấp giao thông công cộng 2 đô-la Hong Kong. Trong đó, người từ 65 tuổi trở lên có thể dùng thẻ giao thông Octopus để đi lại trên 4 loại hình phương tiện công cộng là tàu điện MTR, xe buýt đặc biệt, xe mini buýt xanh và phà với giá rẻ. Năm nay, Chính phủ ước tính sẽ chi thêm 1,2 tỉ đô-la Hong Kong cho chương trình này.

Nhưng theo hai chuyên gia Asghar Zaidi và Paul Yip, những phương pháp bảo hộ xã hội như vậy là chưa đủ bởi một xã hội thân thiện với mọi lứa tuổi cần các biện pháp để tất cả các tuổi cùng hưởng lợi.

Xã hội như vậy sẽ cho phép tất cả mọi người cùng đóng góp vào sự thịnh vượng của cộng đồng. Chẳng hạn, cần phải có các dịch vụ chăm sóc chất lượng cho trẻ sơ sinh, trẻ em, trẻ đang ở độ tuổi đến trường. Các bậc phụ huynh cần được hỗ trợ tốt hơn để chăm sóc cả con cái và bố mẹ già.

Lứa tuổi thanh niên cần được cung cấp giáo dục chất lượng, đào tạo để phát triển và thành công. Những người trong độ tuổi lao động cần có môi trường làm việc thân thiện với công việc gia đình. Xã hội đó cũng cần phải có đủ công viên và không gian giải trí xanh cho mọi lứa tuổi.

Định nghĩa “xã hội thân thiện với mọi lứa tuổi” không phải bây giờ mới được nhắc tới mà đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra thành khung làm việc chính sách từ năm 2002. Bởi theo tổ chức này, mỗi tháng có 1 triệu người trên toàn thế giới đang bước sang tuổi 60; 80% trong số họ sống ở các nước đang phát triển.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.