Trong nước

“Hot boy” Công Phượng nguy cơ “chầu rìa” tại SEA Games 28

07/05/2015, 13:05

Chuẩn bị cho SEA Games 28, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đóng góp tới 7 cái tên cho ĐT U23 Việt Nam.

Công Phượng đang là niềm hi vọng số 1

“Hot boy” Công Phượng nguy cơ “ngồi chơi xơi nước” tại SEA Games 28

 Ở lần tập trung chuẩn bị cho SEA Games 28, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đóng góp tới 7 cái tên cho ĐT U23 Việt Nam. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, không có quá nhiều hy vọng được đặt vào nhóm cầu thủ này.

Công Phượng cũng chưa chắc suất

Ngày 5/5 vừa qua, 30 cầu thủ có tên trong danh sách được triệu tập vào ĐT U23 Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games đã hội quân tại Hà Nội. Sân chơi SEA Games 28 được coi là mục tiêu mũi nhọn của bóng đá Việt Nam nên U23 Việt Nam cũng nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là nhóm cầu thủ thuộc biên chế HAGL.

Ở lần tập trung này, cộng cả Tiến Dũng đang thi đấu theo dạng cho mượn, HAGL có cả thảy 7 cái tên góp mặt (Văn Tiến, Văn Trường, Tiến Dũng, Đức Lương, Tuấn Anh, Công Phượng, Văn Toàn). Dù ít hơn ba suất so với đợt tập trung chuẩn bị cho vòng loại U23 châu Á 2016 nhưng đội bóng phố núi vẫn là CLB có số lượng cầu thủ được triệu tập đông nhất.

Dẫu vậy, nhìn vào tình hình thực tế, những cái tên của lứa U19 này rất khó có khả năng cạnh tranh suất đá chính. Ở vị trí thủ môn, Minh Long sau màn trình diễn ấn tượng tại vòng loại U23 châu Á nhiều khả năng sẽ là lựa chọn số 1 trong mắt HLV Miura. Văn Tiến có phản xạ tốt nhưng thiếu sự ổn định còn Văn Trường càng ít cơ hội vì chỉ là thủ môn số 3 của HAGL.

Ở hàng hậu vệ, Tiến Dũng tuy sở hữu lối chơi trững trạc nhưng so với Ngọc Hải, Hoàng Lâm, cầu thủ được mượn về từ Viettel cũng không được đánh giá cao ở độ lì lợm và khả năng tranh chấp. Tương tự, Đức Lương dù đa năng nhưng chắc chắn lép vế so với Tấn Tài hay Mạnh Hùng ở hai vị trí hậu vệ biên.

Ở tuyến giữa, tình hình của Tuấn Anh cũng không mấy sáng sủa. Nên nhớ hàng tiền vệ U23 Việt Nam đang có nhiều cái tên sáng giá. Xét về hỗ trợ phòng ngự, Tuấn Anh không bằng Huy Hùng, xét về khả năng tấn công, Tuấn Anh không bằng Hoàng Thịnh, Phi Sơn nên nếu không có sự đột biến, Tuấn Anh khó được đá chính.

Trong khi đó, vị trí tiền đạo cắm gần như chắc chắn thuộc về Mạc Hồng Quân bởi chân sút này là cầu thủ giàu kinh nghiệm nhất trong số các tiền đạo được triệu tập. Bên cạnh đó, Hồng Quân sở hữu lối chơi hiện đại và dứt điểm tốt nên rất được HLV Miura tin tưởng. Như vậy, vị trí còn lại là sự cạnh tranh của: Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Tài, Phúc Tịnh, Thanh Bình.

Trong số này, Công Phượng và Tuấn Tài được đánh giá cao hơn cả nhưng cầu thủ SLNA nổi trội hơn ở thể lực, tốc độ và sự càn lướt. Vậy nên, Công Phượng cũng sẽ phải chiến đấu hết mình để mong có được niềm tin từ HLV Miura.

Kém thích nghi với phong cách “Miura”

Việc nhóm cầu thủ HAGL không được đánh giá cao ở ĐT U23 Việt Nam trong lần tập trung này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Một là lứa U19 HAGL vẫn còn non kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao, hai là sự thích nghi kém.

Về nguyên nhân thứ nhất, ai cũng biết các cầu thủ HAGL được đào tạo bài bản ra sao nhưng giữa đào tạo và thực tế thi đấu lại khác xa. Kinh nghiệm thi đấu non kém khiến HAGL chơi rất “hồn nhiên” và thường bị các đối thủ “bắt vía” mỗi lần ra sân. Hệ quả là, đội bóng phố núi đang thi đấu bết bát tại V-League 2015 để rồi ngụp lặn tận nửa cuối của BXH.Về nguyên nhân thứ hai nếu ai từng theo dõi ĐT U23 thi đấu tại vòng loại U23 châu Á 2016 sẽ có đánh giá chính xác nhất.

Đó là giải đấu HAGL góp tới 10 cầu thủ khi được triệu tập nhưng sau đó do không chịu nổi “nhiệt”, nên Hồng Duy, Thanh Tùng, Văn Tiến cùng Xuân Trường (đều dính chấn thương) đã phải nói lời chia tay sớm. Những cái tên còn lại ngoài Công Phượng chơi tốt hầu hết đều mất hút mỗi lần được ra sân, gây thất vọng lớn nhất là Tuấn Anh, thậm chí tiền vệ này còn bị gạch tên ở hai trận đấu cuối. Như vậy, có thể thấy sự thích nghi của các cầu thủ HAGL với “phong cách Miura” kém hơn nhiều so với các đồng đội tới từ các CLB khác.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.