Góc nhìn

Hy Lạp bầu cử, cả châu Âu lo lắng

26/01/2015, 07:29

Hôm qua, Hy Lạp tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn trong nỗi lo của Liên minh Châu Âu.

111

Ông Alexis Tsipras, lãnh đạo Đảng Syriza cam kết ngừng cắt giảm lương, chi tiêu côngnếu thắng cử

Thất nghiệp, nợ công kỷ lục

Một kết quả thăm dò dư luận được công bố trước bầu cử một ngày cho thấy, Đảng Syriza do ông Alexis Tsipras lãnh đạo, hiện đang dẫn trước Đảng Dân chủ mới do Thủ tướng đương nhiệm Antonis Samaras dẫn đầu.

Theo  thông báo của Ủy ban bầu cử Hy Lạp, các điểm bầu cử bắt đầu làm việc vào lúc 7h. Khoảng 9 triệu cử tri đi bầu tại hơn 20 nghìn  điểm bỏ phiếu. Có 22 đảng phái ở Hy Lạp tranh cử vào 300 ghế trong Quốc hội. Đảng nào nhận được nhiều phiếu bầu nhất đương nhiên có thêm 50 ghế. Các điểm bỏ phiếu đóng cửa lúc 17h cùng ngày. Kết quả sơ bộ sẽ được công bố sáng nay (26/1) ngay sau khi bỏ phiếu kết thúc.

Từ năm 2010 đến nay, nền kinh tế Hy Lạp “thoi thóp”, sống dựa vào tiền của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), ECB (Ngân hàng T.Ư châu Âu) và EU. Với 240 tỷ USD, đi kèm những ràng buộc khắt khe, mà ba tổ chức này cam kết cho vay, cuộc sống người dân Hy Lạp trở nên khó khăn. Và rất có thể họ sẽ quay lưng với Thủ tướng Antonis Samaras mà bỏ phiếu cho ông Alexis Tsipras.

Hiện, Hy Lạp là nước gặp nhiều khó khăn nhất EU: Tỷ lệ thất nghiệp kỷ lục - 24,8%; phải cắt giảm chi tiêu, giảm bớt lao động theo yêu cầu của chủ nợ; Nợ công chiếm 175% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Ông Tsipras trước bầu cử cam kết ngừng cắt giảm lương, chi tiêu công và cũng xác định trước việc Hy Lạp ra khỏi Eurozone nếu không đạt được thỏa thuận với ba định chế trên. Đây cũng là lý do khiến EU, IMF, ECB ngưng trợ giúp tài chính để đợi diễn biến bầu cử lần này.

Nếu đảng Syriza giành chiến thắng

Các cuộc thăm dò trước bầu cử cho thấy, Đảng Syriza nhiều khả năng sẽ giành thắng lợi. Đảng này từng tuyên bố sẽ chấm dứt các chính sách tài chính khắc khổ mà Chính phủ đang triển khai và kêu gọi đàm phán lại các khoản nợ của Hy Lạp. Cho tới nay, những ý định của Đảng Syriza vẫn chưa rõ ràng, nên các chủ nợ càng lo ngại. Hiện cả Pháp và Đức đều mất kiên nhẫn về khả năng phục hồi của kinh tế Hy Lạp và hai nước đều tuyên bố “quyết định lúc này là của người dân Hy Lạp”.

Trong cuộc vận động tranh cử gần đây nhất, ông Tsipras nói rằng, châu Âu không phải là “nạn nhân của khủng hoảng, mà là nạn nhân của chính sách "thắt lưng buộc bụng” và “việc áp đặt các chính sách hà khắc của EU đối với Hy Lạp chỉ là bước đầu, tiếp theo sẽ là Tây Ban Nha”. Nếu Đảng Syriza đạt 37% tổng số phiếu, sẽ có số ghế tuyệt đối tại Quốc hội, có thể “thoải mái” tiến hành chính sách đã hứa hẹn. Trường hợp thấp hơn sẽ phải liên minh với các đảng phái khác. Tuy nhiên, kinh nghiệm những năm qua cho thấy, các liên minh này khá lỏng lẻo và kéo theo những bất ổn về chính trị.

Cuộc bầu cử sớm của Hy Lạp khiến người ta nhớ lại cuộc khủng hoảng nợ công suýt làm tan rã Eurozone hồi 2012. Châu Âu lo ngại rằng, nếu Đảng Syriza thắng lợi sẽ cổ vũ các đảng khác chống lại những chính sách khắc khổ tại những nước khác. Bà Christine Lagarde, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo Hy Lạp về những hậu quả nếu nước này tái cơ cấu lại các khoản nợ sau bầu cử. Theo bà Lagarde, không chỉ Hy Lạp mà các quốc gia châu Âu khác cũng sẽ chịu hậu quả nếu thay đổi các điều khoản đã ký.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng, nếu trúng cử, ông Tsipras sẽ chỉ đề nghị EU điều chỉnh chính sách, mềm mỏng và linh hoạt hơn đối với các yêu cầu “thắt lưng buộc bụng”, nếu không muốn đẩy nước này vào tình trạng phá sản hoặc cạn kiệt mọi nguồn lực, dẫn đến mâu thuẫn xã hội tăng cao.

Thanh Huyền

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.