Indonesia: Tăng giá vé máy bay không giúp an toàn hơn

14/01/2015, 11:07

Bộ trưởng Giao thông Indonesia - Ignasius Jonan nói: "Chúng tôi muốn ngành Hàng không của Indonesia an toàn chứ không phải rẻ. Nếu giá rẻ, có lẽ, nhiều vấn đề không được làm đến nơi đến chốn...

Chính phủ quy định mức giá vé đối với các hãng hàng không giá rẻ như AirAsia Indonesia để đảm bảo an toàn
Chính phủ quy định mức giá vé đối với các hãng hàng không giá rẻ như AirAsia Indonesia để đảm bảo an toàn

61 tuyến bay của 5 hãng trái phép

Sau vụ máy bay QZ8501 của Hãng hàng không giá rẻ AirAsia Indonesia gặp nạn khiến 162 người thiệt mạng và mất tích, rất nhiều dấu hỏi lớn được đặt ra về khả năng quản lý ngành Hàng không của Chính phủ Indonesia. 

Ngày 9/1 vừa qua, Bộ Giao thông Indonesia ra lệnh tạm ngừng 61 tuyến bay nội địa của tổng cộng năm hãng hàng không trong đó có Hãng hàng không quốc gia Garuda vì khai thác tuyến trái phép. Bộ trưởng Giao thông Indonesia Ignasius Jonan cho biết, Bộ phát hiện số vi phạm cụ thể như sau: Hãng hàng không Garuda Indonesia - bốn vi phạm, Lion Air - 35, Wings Air - 18, Trans Nusa - một, Susi Air - ba. “Tất cả những hành vi vi phạm này đều liên quan tới vấn đề giấy phép khai thác tuyến bay tương tự như AirAsia”, ông Ignasius Jonan nói. Trước đó, Hãng hàng không AirAsia bị cấm khai thác tuyến bay từ Surabaya tới Singapore cũng vì vi phạm trên. Chuyến bay QZ8501 của AirAsia được thực hiện vào ngày chủ nhật (28/12) trong khi AirAsia chỉ được khai thác tuyến này trong các ngày thứ hai, thứ ba, thứ năm và thứ bảy.  

"Giá vé và hàng không không liên quan tới nhau. Quyết định tăng giá sẽ dẫn tới hậu quả, làm giảm tính linh hoạt điều chỉnh theo nhu cầu của ngành Hàng không”

Ông Andrew Herdman Tổng Giám đốc Hiệp hội các Hãng hàng không châu Á - Thái Bình Dương (AAPA)

Bên cạnh đó, 11 quan chức hàng không bị kỷ luật vì không quản lý được vấn đề giấy phép. Ngoài ra, để tránh lặp lại tình trạng trên, Bộ Giao thông Indonesia đã yêu cầu Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Indonesia tăng cường giám sát việc thực hiện các luật và quy định vận tải hàng không đồng thời nâng cao tính minh bạch của hoạt động khai thác tuyến bay bằng cách yêu cầu công bố trực tuyến lịch trình chuyến bay, giấy phép khai thác…”.

Tuy nhiên, câu hỏi gốc rễ ở đây là: Tại sao không có giấy phép mà các hãng hàng không vẫn ngang nhiên hoạt động và các cơ quan giám sát cũng không có báo cáo vi phạm và chỉ đến khi xảy ra vụ tai nạn của máy bay QZ8501, hàng loạt các hãng hàng không mới bị phát hiện sai trái? Liệu rằng có tham nhũng trong vấn đề này? Hay cơ quan quản lý lơ là trách nhiệm? Những câu hỏi này Indonesia vẫn chưa thể làm rõ. 

Tăng giá có an toàn?

Sau vụ QZ8501, Indonesia đang phải đối mặt với không ít tranh cãi đó là quyết định tăng trần giá vé hạng phổ thông của các chuyến bay nội địa và các hãng hàng không không được phép bán thấp hơn 40% so với mức giá trần để tạo điều kiện cho các Hãng hàng không giá rẻ thêm tài chính nâng cao an toàn. Bộ trưởng Ignasius Jonan nói: “Chúng tôi muốn ngành hàng không của Indonesia an toàn chứ không phải rẻ. Nếu giá rẻ, có lẽ, nhiều vấn đề không được làm đến nơi đến chốn”. Tuy Bộ trưởng Giao thông Indonesia không giải thích cụ thể nhưng rõ ràng, có thể hiểu, Chính phủ e ngại việc các hãng “cắt xén” chi tiêu; Trong đó có các khoản cấp thiết như đào tạo phi công và bảo dưỡng máy bay.  

Tìm thấy cả 2 hộp đen máy bay QZ8501

Đến chiều ngày 13/1, hộp đen ghi âm buồng lái của máy bay QZ8501 đã được trục vớt lên tàu Hải quân của Indonesia. Như vậy, cả hai hộp đen của máy bay QZ8501 đều được tìm thấy. Trong thời gian tới, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn Indonesia tiếp tục công việc tìm kiếm thi thể nạn nhân, đồng thời, các lực lượng vũ trang Indonesia sẽ tập trung tìm kiếm thân máy bay. 

Rất nhiều chuyên gia cho rằng, quy định này của Bộ Giao thông Indonesia là sai lầm và vô căn cứ. Đại diện của Công ty Hàng không vũ trụ ST - Công ty hàng đầu về bảo dưỡng và sửa chữa máy bay cho rằng: “Không bao giờ có chuyện thỏa hiệp khi nói đến an toàn và chất lượng chuyến bay dù cho đó là hãng hàng không giá rẻ hay hãng hàng không thường”.

Bên cạnh đó, Giáo sư Terence Fan đến từ trường Đại học Quản lý Singapore chuyên ngành Giao thông cho rằng, nếu giới chức Indonesia muốn tăng cường an toàn, nhất là vấn đề đào tạo phi công và bảo trì, họ hoàn toàn có thể trực tiếp “đánh” vào vấn đề đó. Thực chất, tăng giá vé có thể ngăn chặn được cạnh tranh giá vé quá mức, nhưng không thể đảm bảo các hãng hàng không giá rẻ sẽ nâng cao an toàn.

Thậm chí, theo ông Peter Harbison, Chủ tịch điều hành Trung tâm Hàng không châu Á - Thái Bình Dương (CAPA): “Mới nghe qua có vẻ có lý nhưng đây là một chiến lược nguy hiểm. Vì, nếu Chính phủ can thiệp vào giá vé sẽ làm sụt giảm mạnh nhu cầu khách hàng, thậm chí gây ảnh hưởng tới thị trường du lịch. Theo ông Peter, quyết định của Chính phủ Indonesia tiềm ẩn rủi ro làm gián đoạn toàn bộ ngành Hàng không nước này một cách đáng kể”.

Trang Trần  

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.