Góc nhìn

Iran có dám mạnh tay phong tỏa eo biển Hormuz?

13/07/2018, 11:21

Đối mặt với việc tái áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại dầu mỏ của Mỹ, Iran đang đe dọa...

35

Iran bắn tên lửa từ tàu cao tốc trong một cuộc tập trận ở eo biển Hormuz năm 2011

“Át chủ bài” Hormuz

Eo biển Hormuz là “át chủ bài” của Iran bởi đây là tuyến đường thủy duy nhất để 8 nước vùng vịnh Ba Tư truy cập vào các vùng biển quốc tế. Trung bình, gần 17 triệu thùng dầu đi qua eo biển này mỗi ngày, cung cấp 1/3 nhu cầu dầu mỏ thế giới.

Eo biển này là một đoạn hẹp nằm giữa vịnh Oman và vịnh Ba Tư với bờ Bắc là Iran và bờ Nam là Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Musandam, một phần đất tách ra của Oman.

Tuy nhiên, bờ biển phía đảo Musandam gập ghềnh nhiều đá ngầm và nông, nên các tàu chở dầu lớn không thể đi qua eo Hormuz mà không đi qua lãnh hải của Iran.

Tất cả các tàu vận chuyển dầu, hàng hóa thương mai từ vịnh Ba Tư phải qua eo biển chiến lược này, bao gồm từ tất cả các cảng ở Iraq, Kuwait, Bahrain, Qatar, hầu hết các cảng biển của UAE và một số cảng quan trọng của Arab Saudi. Ngược lại, các loại vũ khí mà các quốc gia vùng vịnh Ba Tư mua từ Mỹ và châu Âu chỉ có đường đi qua eo biển Hormuz mới đến được đích.

Hơn nữa, Iran có 6 hòn đảo chiến lược (Hormuz, Lark, Queshm, Hengam, Tunb lớn, Tunb nhỏ và Abu Musa) được đặt ở lối vào vịnh Oman tới vịnh Ba Tư.

Chúng có hình dạng giống như một vòng cung và thực sự đóng vai trò lá chắn phòng thủ của Iran chống lại các khả năng xâm lược của nước ngoài. Hòn đảo Hormuz nằm ở eo biển Hormuz là một nơi có vị trí địa chính trị và địa kinh tế cực kỳ quan trọng.

Theo trang Stratfor của Mỹ, nếu Tehran phong tỏa eo biển Hormuz sẽ tác động lớn đến nguồn cung dầu thô toàn cầu, có thể kéo giá dầu lên cao, làm ảnh hưởng tới tất cả các nhà nhập khẩu dầu mỏ hoặc khí tự nhiên lớn trên thế giới, trong đó có Mỹ.

Cơ sở pháp lý để Iran phong tỏa eo biển Hormuz

Theo các chuyên gia, Iran có thể sử dụng Công ước Geneva về lãnh hải và vùng tiếp giáp năm 1958 khi phong tỏa eo biển Hormuz.

Vì dù Iran là một trong các nước đã ký Công ước về Luật Biển năm 1982 nhưng quốc gia này lại không phê chuẩn nó, khiến công ước này không ràng buộc pháp lý với Tehran.

Điều 14, Mục 1 và Mục 3 Điều 16 của Công ước Geneva năm 1958 quy định, tàu thuyền nước ngoài chỉ được phép đi qua eo biển Hormuz nếu đảm bảo “an ninh, trật tự và quyền lợi của nhà nước ven biển (Iran)” và Tehran có quyền trục xuất và đình chỉ việc quá cảnh của các tàu thuyền nước ngoài vi phạm luật lệ của nước mình.

Mỹ sẽ tái áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với xuất khẩu dầu của Iran vào tháng 11 và đang yêu cầu các đồng minh ngừng nhập khẩu dầu của Tehran.

Đồng thời, Nhà Trắng cũng đang gây áp lực cho các đồng minh Arab sản xuất nhiều dầu hơn, không chỉ bù đắp cho sự sụt giảm sản lượng xuất khẩu của Iran mà còn chống lại những thiếu hụt do tình trạng hỗn loạn ở các nước sản xuất dầu lớn như Libya.

Nếu tất cả các đồng minh Mỹ ngừng nhập khẩu dầu của Iran, mức xuất khẩu dầu của nước này sẽ giảm từ 2,28 triệu thùng/ngày xuống 1 triệu thùng/ngày. Một viễn cảnh thật tàn khốc đối với nền kinh tế Tehran.

Trong trường hợp này, các tàu chở dầu đi qua eo biển Hormuz có thể bị coi là đang làm phương hại đến an ninh, lợi ích của Iran. Chính vì lẽ đó, việc ngăn chặn tàu, thuyền các nước thù địch đi qua các vùng lãnh hải của mình là quyền bất khả xâm phạm của Iran.

Iran có thực sự ra tay?

Bất chấp những lời hùng biện từ phía Tổng thống Iran Hassan Rouhani hay Vệ binh Cách mạng Hồi giáo của Iran (IRGC), việc thực sự chặn eo biển Hormuz sẽ là lựa chọn cực đoan nhất của Tehran.

Đầu tiên và quan trọng nhất, việc cố gắng đóng eo biển sẽ dẫn đến một cuộc chiến tàn khốc giữa Iran - Mỹ và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh khi các quốc gia này tìm cách duy trì quyền tự do hàng hải và triển khai lực lượng hải quân qua eo biển quan trọng này. Trong khi đó, nền kinh tế và hoạt động hải quân của Iran cũng phụ thuộc vào việc tự do hàng hóa và tàu thuyền qua eo Hormuz.

Hơn nữa, việc cắt đứt eo biển Hormuz có thể sẽ phản tác dụng với mục tiêu hiện tại của Iran - cố gắng ngăn chặn các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Đồng thời, giữ Liên minh châu Âu và các đồng minh khác (gồm Trung Quốc, Ấn Độ) bằng những ưu đãi đặc biệt.

Động thái này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị trường vận tải biển và dầu mỏ toàn cầu, ảnh hưởng tới nguồn cung dầu của các đồng minh mà Iran đang cần sát cánh hơn bao giờ hết.

Đây cũng chính là lý do Iran đã từng đe dọa nhiều lần việc phong tỏa eo biển Hormuz nhưng chưa một lần nào thực sự dám mạnh tay.

Các chuyên gia dự đoán rằng, trừ khi một điều gì đó cực đoan như một cuộc xung đột quân sự toàn khu vực xảy ra, Iran sẽ không dám chặn eo biển Hormuz, ngay cả khi các lệnh trừng phạt ảnh hưởng tới xuất khẩu dầu có hiệu lực vào tháng 11.

Khi Mỹ tăng áp lực trừng phạt, thay vì phong tỏa eo biển, Iran có thể sẽ trả thù theo những cách khác, như quấy rối các tàu ở vịnh Ba Tư - giống như cách IRGC thực hiện trước đó đối với các tàu chở dầu hoặc các khu vực khai thác dầu ngoài khơi của Saudi và UAE năm 2017.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.