Thế giới

Italia sẽ theo Anh rời EU?

07/12/2016, 08:05
image

EU đã có những phản ứng khác nhau trước những biến động tại Italia.

Kết quả trưng cầu dân ý nói Không với cải cách Hiế

Kết quả trưng cầu ý dân nói “Không” với cải cách Hiến pháp khiến Thủ tướng Italia Matteo Renzi phải từ chức.

Vốn đã trải qua hàng loạt cú sốc liên tiếp, đặc biệt là việc Anh rời khỏi EU (Brexit), nên kết quả cuộc trưng cầu ý dân mới đây tại Italia lại không chỉ khiến tình hình kinh tế, chính trị của nước này mà cả EU đều trở nên bất ổn.

Hiệu ứng domino

Đối với Italia, hệ lụy từ việc nói “không” với cải cách hiến pháp trong cuộc trưng cầu ý dân là bên cạnh một “cuộc khủng hoảng ngân hàng”, nước này có thể phải tổ chức bầu cử sớm sau khi Thủ tướng Italia Matteo Renzi từ chức. Đối với châu Âu, kết quả trưng cầu ý dân một lần nữa phản ánh những vấn đề đang nổi cộm không chỉ tại Italia mà trên toàn khu vực. Các chính trị gia châu Âu lo ngại chiến thắng của phe đối lập tại Italia với chiến dịch nói "Không” với cải cách Hiến pháp sẽ dẫn đến sự bất ổn thực sự tại nền kinh tế lớn thứ 3 ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) này.

Các diễn biến trên đã tạo ra cú “sốc” mới tại Liên minh châu Âu (EU), đồng thời tạo đà cho chủ nghĩa dân túy tiếp tục phát triển, trong đó có đảng Phong trào 5 Sao (M5S), vốn đang muốn kêu gọi tổ chức trưng cầu ý dân về việc liệu Italia có nên rời khỏi EU hay không.

Sau sự kiện Brexit và thắng lợi của tỷ phú Donald Trump, chiến thắng áp đảo của phe nói “Không” với cải cách Hiến pháp ở Italia đang tạo ra mối lo ngại về hiệu ứng domino đối với các cuộc bầu cử tại Hà Lan, Pháp và Đức trong năm 2017 tới. Đồng thời, những bất ổn chính trị cùng khủng hoảng kinh tế kéo dài tại Italia có thể làm đảo lộn toàn bộ khu vực châu Âu. Nhà phân tích xã hội học Luca Ricolfi, trường Đại học Turin tại Italia nhận định: “EU sẽ có những e ngại về việc Italia muốn ra đi. Tuy nhiên, e ngại này không bắt nguồn từ kết quả “Không” của cuộc trưng cầu ý dân, bởi các nhà chính trị của chúng ta sẽ không vội vã như vậy. Họ sẽ giành thời gian để giải quyết tình hình và tham vấn”.

EU đã có những phản ứng khác nhau trước những biến động tại Italia. Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU Pierre Moscovici trấn an rằng, sẽ có một vài bất ổn chính trị nhưng đây là đất nước ổn định, cũng là một nền kinh tế lớn và sẽ vượt qua được giai đoạn ông Renzi từ chức. Bên cạnh đó, ông Moscovici cũng bác bỏ những ý kiến cho rằng, cuộc trưng cầu ý dân về cải cách Hiến pháp tại Italia là một cuộc bỏ phiếu chống lại Liên minh châu Âu.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Frank - Walter Steinmeier nhấn mạnh, nước này quan ngại về việc Italia sẽ rơi vào cuộc khủng hoảng Chính phủ sau khi ông Renzi từ chức. Đây không phải là một tín hiệu tích cực đối với châu Âu trong thời điểm khó khăn hiện nay, đặc biệt là khi EU đang phải đối mặt với Brexit, ông Steinmeier nói.

Phiên điều trần 4 ngày về Brexit

Liên quan đến vấn đề Brexit, hôm qua, Tòa án Tối cao Anh bước sang ngày thứ hai của phiên điều trần kéo dài bốn ngày, xem xét kháng cáo của Chính phủ đối với phán quyết của Tòa Thượng thẩm hôm 3/11, rằng việc kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon để chính thức khởi động tiến trình Brexit phải được Quốc hội thông qua.

Đây được coi là một trong những phiên điều trần liên quan đến Hiến pháp quan trọng nhất tại Anh. Hai vấn đề pháp lý chủ chốt được tất cả các bên quan tâm là liệu có thể rút lại Điều 50 này một khi nó được kích hoạt và Tòa sẽ ra quyết định ra sao về việc xứ Wales và Scotland yêu cầu được quyền tham gia quyết định kích hoạt Điều 50. Toàn bộ quá trình điều trần tại Tòa án Tối cao được truyền hình trực tiếp và quyết định cuối cùng sẽ được công bố vào đầu năm 2017.

Dư luận cho rằng, nếu Tòa án Tối cao Anh giữ nguyên phán quyết trước đó của Tòa Thượng thẩm, kế hoạch khởi động đàm phán rời liên minh của nữ Thủ tướng May có thể bị chậm lại vài tháng. Bởi, trước sau gì các nghị sỹ Quốc hội cũng sẽ tán thành việc kích hoạt Điều 50, mặc dù có thể kéo theo một số sửa đổi hoặc bổ sung về mặt pháp chế, liên quan đến Brexit.

Bên cạnh đó, với việc Quốc hội tham gia quá trình tham vấn và ra quyết định kích hoạt Điều 50, người ta hy vọng rằng, Chính phủ của bà May sẽ đưa ra một lập trường Brexit mềm mại hơn. Theo đó, Anh vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với EU, đồng thời thực thi một chính sách nhập cư cởi mở hơn. Nhờ vậy, nước Anh có thể tránh được kết cục Brexit “cứng”, một kịch bản mà khi chia tay EU đồng nghĩa Anh cũng sẽ rời Khu vực thị trường chung châu Âu và Liên minh Thuế quan.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.