Xã hội

Kết nối văn hóa - kết nối lòng người

29/04/2019, 08:00

GS. TS. Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam chia sẻ về câu chuyện kết nối văn hóa Bắc - Nam.

img
GS. TS. Nguyễn Chí Bền


Văn hóa Việt được mang theo trong tâm thức

Là người Kinh Bắc nhưng lại có thời gian dài công tác và nghiên cứu văn hóa Nam bộ, ông nhận định thế nào về sự giao thoa văn hóa xứ Bắc với Sài Gòn xưa?

Hành trình mở mang bờ cõi hình chữ S là kết quả của những cuộc di dân của người Việt từ Bắc vào Nam. Theo đó, người Việt ở Nghệ An, Thanh Hóa tiến vào Châu Ô Châu Rí (nay là tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị). Dân Ngũ Quảng (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức, Quảng Nam và Quảng Ngãi) chính là những người Việt đầu tiên khai phá các tỉnh Nam bộ.

Với hành trình ấy, văn hóa Việt được mang theo trong tâm thức và phát triển ở đất mới. Cụ thể, văn hóa gốc từ vùng châu thổ sông Hồng được làm giàu ở Trung bộ rồi mang vào Nam bộ. Do đó, văn hóa Nam bộ được sáng tạo từ ký ức trong tâm thức của người dân, nói như câu thơ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: “Họ gánh tên làng tên xã trong mỗi chuyến di dân”…

Thêm một đặc tính nữa, người Việt đi khai phá Nam bộ phải đối mặt với văn hóa vùng đất trong tiến trình lịch sử văn hóa bị đứt gãy. Sau khi văn hóa Óc Eo lụi tàn vào cuối thế kỷ VIII, hầu hết đồng bằng Nam bộ rơi vào tình trạng hoang hóa. Từ khoảng cuối thế kỷ XVI đến thế kỷ XX, đến lượt các cộng đồng lưu dân người Khơ-me, người Việt, người Hoa, người Chăm nối tiếp nhau tiến vào Nam bộ, chia nhau khai khẩn, đào kênh, canh tác, định cư, buôn bán, dần dần biến một vùng đất hoang vu rộng lớn thành những vùng nông nghiệp trù phú và những đô thị sầm uất. Trong đó, người Việt là tộc người đa số chiếm khoảng 90% dân số của vùng, cư trú trên khắp địa bàn, là chủ thể văn hóa chính của toàn vùng. Như vậy, không gian văn hóa Nam bộ là phần mở rộng của không gian văn hóa Việt Nam trên một vùng đất mới mà ở đó, tộc người Việt cùng chia sẻ không gian văn hóa đồng bằng với ba tộc người thiểu số có nền văn hóa phát triển và có những thế mạnh văn hóa khác nhau: Hoa, Khmer, Chăm… Đây cũng là nơi mà người Việt tiếp xúc thuận lợi nhất với Đông Nam Á và là nơi văn hóa Việt tiếp xúc lâu dài nhất với văn hóa phương Tây.

Sau 1954 có một cuộc di cư từ Bắc bộ do người Pháp đưa vào, thậm chí nhiều nơi hình thành cả một làng người Bắc bộ trong miền Nam. Đây chính là thế hệ lưu dân thứ hai. Sau 1975 lại thêm làn sóng người Bắc vào Nam công tác nghiên cứu. Trong số này có rất nhiều người ở lại, có thể gọi đây là thế hệ lưu dân “đời chót”. Qua những lớp dân cư như thế có thể thấy sự giao lưu văn hóa Bắc - Nam diễn ra từ rất sớm chứ không phải chỉ sau thời điểm giải phóng thống nhất đất nước.

Đặc trưng tính cách văn hoá người Nam bộ bao gồm: Tính sông nước, tính bao dung, tính năng động, tính trọng nghĩa và tính thiết thực. Trong đó, tính bao dung có nguồn gốc từ tính tổng hợp và đặc trưng thiên về âm tính của truyền thống văn hóa dân tộc, đặt trong bối cảnh nơi gặp gỡ của những điều kiện tự nhiên thuận tiện. Do đó tại Nam bộ, các tộc người ở xen lẫn nhau mà vẫn thừa nhận và tôn trọng phong tục tập quán của nhau; các tôn giáo khác nhau vẫn tôn trọng nhau và cùng tồn tại với mật độ cao nhất nước…
GS. Trần Ngọc Thêm
Nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian


Có người từng nói lý do hòa hợp nhanh văn hóa Bắc - Nam là bởi đặc tính “không chối từ” của văn hóa Việt. Ông nghĩ sao về câu chuyện này?

Đặc tính “không chối từ” là do một học giả người Pháp nhận định khi nói về sự giao thoa văn hóa Việt với các nền văn hóa quốc gia khác. Còn khi nói về giao lưu kết nối văn hóa dân gian vùng miền ở mỗi không gian, điều kiện lịch sử khác nhau lại có những biểu hiện đặc trưng khác nhau, song bản chất văn hóa Việt không bị phá vỡ. Văn hóa vùng miền là màu hoa của một giống hoa được trồng trên loại đất khác nhau. Có những nét đặc trưng nảy sinh từ trong tiềm thức và có những nét phát sinh ở những vùng đất mới. Tiêu biểu là đình làng của người Việt. Không chỉ thờ người “tiền hiền khai khẩn” khai ấp lập làng như Bắc bộ, đình làng tại Nam bộ còn thờ người “hậu hiền khai cơ”. Kiến trúc không gian đình làng Nam bộ cũng hoàn toàn khác, gian ngoài cùng được gọi “nhà võ ca” - là nơi tiến hành hát bội, vừa trình thánh, vừa để người trong ấp xem bao gồm cả đàn ông và đàn bà, người già và trẻ con. Trong khi tại Bắc bộ, đàn ông mới được ngồi trong đình làng, mọi hoạt động văn nghệ vui chơi đều diễn ra ngoài sân, cũng chính vì thế mới có “chiếu chèo sân đình”!

Muốn hay không, chúng ta cùng sinh ra từ một cội nguồn…

img
Người dân bày bán đồ đạc chuẩn bị di cư vào Nam sau khi Hiệp định Genève được công bố. Ảnh: LIFE

Theo ông, đâu là những biểu hiện điển hình của kết quả giao thoa văn hóa của người dân hai miền đất nước, nhất là sau giải phóng?

Tôi còn nhớ sau năm 1975, người dân miền Bắc như tôi vào Nam còn mang nặng tư duy bao cấp với những tấm tem phiếu. Trong khi tại miền Nam phát triển tư duy nền kinh tế trao đổi hàng hóa, từ thời vua chúa Nguyễn đã thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai. Người miền Nam cũng được tự do tiếp nhận và chịu ảnh hưởng sản phẩm văn hóa phương Tây như sách báo, tiểu thuyết, thơ mới… với một nền giáo dục hướng nghiệp thiết thực, trong khi người miền Bắc lại bị hạn chế, phát triển tư duy khái quát. Nhìn lại giao lưu văn hóa ngày ấy cho thấy sự khác biệt về hệ tư duy cũng chính là biểu hiện “mặt trái của tấm huân chương”.

Có thể thấy sự giao lưu văn hóa về ẩm thực cũng được cảm nhận rất rõ. Người Bắc vào mang theo cả những món ăn mà trước đó người Nam chưa từng ăn. Tiêu biểu là phở, chỉ trong thời gian không lâu hàng loạt quán phở Hà Nội mọc lên san sát tại Sài Gòn. Ngược lại, những món ăn đặc trưng ở miền Nam cũng “lội” ra ngoài Bắc như trứng vịt lộn, lẩu, hủ tiếu...

Hay trong âm nhạc, sau ngày giải phóng, lứa tuổi mười bảy, đôi mươi tại Sài Gòn nổi lên phong trào đam mê hình ảnh anh bộ đội giải phóng qua những ca khúc cách mạng. Trong các trường đại học tràn ngập các bài hát do tác giả miền Bắc sáng tác ở thời kỳ chiến tranh. Có những tác phẩm thơ ca của tác giả người Bắc viết lại được người miền Nam rất ưa chuộng. Chẳng hạn như bài thơ Mùa dâu chín của nhà thơ xứ Đoài Khổng Minh Dụ viết khi ông hoạt động bí mật trước năm 1975 tại Bến Tre, được phổ nhạc vọng cổ đã trở thành giai điệu quen thuộc, tới bây giờ người dân khắp các tỉnh Tây Nam bộ hầu như ai cũng biết. Ngược lại, có những ca sĩ ở miền Bắc đã thành công với nhạc Trịnh Công Sơn trên sân khấu hoành tráng hay trong phòng trà ấm cúng. Nhạc Trịnh cũng theo ra ngoài Bắc và được công chúng đón nhận nhiệt tình…

Và cũng từ giao lưu văn hóa, sau chiến tranh lòng người đã được nối kết, thưa ông?

Cuộc chiến tranh chống Mỹ giải phóng đất nước kéo dài 21 năm mang lại sự biến động rất lớn ngay trong mỗi gia đình người dân hai miền. Có gia đình miền Nam, một người con trai theo bố tập kết ra Bắc rồi tham gia giải phóng quân; người con còn lại ở với mẹ lớn lên lại bị huy động vào lính Việt Nam Cộng hòa. Nói như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “1 triệu người vui thì cũng có 1 triệu người buồn”. Dù ở chiến tuyến nào, người thắng kẻ thua thì người thân của họ cũng phải chịu nỗi mất mát, đau thương. Có những người mẹ miền Bắc khóc khô cả nước mắt, mong muốn đưa hài cốt của con trai hi sinh tại chiến trường miền Nam, nhưng mãi mãi không thành. Hay nỗi đau của những gia đình cựu chiến binh mang di chứng chất độc da cam tới nay vẫn còn hiện hữu…Và ngược lại, bên kia chiến tuyến, người thân lính Việt Nam Cộng hòa đã và đang phải chịu nỗi đau không thể “ghi danh”.

Từ hai chiến tuyến, thật khó có thể nói nỗi đau nào lớn hơn, nhưng khi chiến tranh đã qua đi, tất cả mọi người đều nhận ra: Muốn hay không, chúng ta cùng sinh ra từ một cội nguồn, chỉ khác nhau về thế hệ mà thôi! Nên việc gác chiến tranh lại, ép chặt nỗi đau xuống để chung tay xây dựng đất nước là điều cả dân tộc phải làm!

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.