Thời sự

Kết thúc khám nhà cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh lúc nửa đêm

07/04/2018, 00:43

Tới 0h20 sáng 7/4, việc khám xét nhà riêng cựu Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát Phan Văn Vĩnh mới kết thúc.

14

Lực lượng chức năng kết thúc khám xét nhà cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh.

Sau khi Bộ Công an chính thức thông tin về việc khởi tố, bắt giam bị can Phan Văn Vĩnh, nguyên Trung tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát, chiều tối 6/4, cơ quan điều tra đã tiến hành khám xét nhà riêng của bị can này tại đường Hàn Thuyên, TP Nam Định, tỉnh Nam Định.

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, việc khám xét diễn ra từ khoảng 20h30 tối 6/4 và kết thúc vào khoảng 0h20 sáng 7/4.

Kết thúc cuộc khám xét, các xe ô tô chở tài liệu và cán bộ chiến sĩ công an nhanh chóng rời đi mà không thấy sự xuất hiện của ông Phan Văn Vĩnh.

Cũng tại thời điểm này, phóng viên các cơ quan báo chí tác nghiệp cũng bị hạn chế ghi hình, chụp ảnh.

19

Lối mặt đường Hùng Vương để vào nhà ông Phan Văn Vĩnh.

10

Ngõ 177 Hàn Thuyên vắng lặng trở lại sau khi việc khám xét nhà ông Phan Văn Vĩnh kết thúc.

Tối 6/4, người dân sống tại đường Hàn Thuyên, phường Vị Hoàng, TP Nam Định đã rất bất ngờ khi thấy nhiều người mặc cảnh phục đi vào ngõ số 179 Hàn Thuyên, là lối vào cửa sau tư gia nhà cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh.

Tin ông Vĩnh bị khởi tố khiến người dân ở đây tỏ ra bất ngờ, nhiều người cho hay chỉ được biết qua báo chí.

Như Báo Giao thông đã đưa tin, ngày 6/4, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Phan Văn Vĩnh - cựu trung tướng, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an - để điều tra hành vi liên quan đến đường dây đánh bạc xuyên quốc gia với số tiền lên tới hàng ngàn tỉ đồng.

Ông Vĩnh bị khởi tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại khoản 3, điều 281 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Cũng trong chiều 6/4, Chủ tịch nước đã ký quyết định tước danh hiệu CAND đối với ông Phan Văn Vĩnh.

Trước khi bị bắt, ông Vĩnh đã nhiều lần bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ triệu tập lên làm việc.

Liên quan đến vụ án này, ngày 11/3, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng đối với ông Nguyễn Thanh Hóa - cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát công nghệ cao (C50)- để điều tra về tội "Tổ chức đánh bạc" quy định tại khoản 2, điều 249 Bộ luật hình sự năm 1999.

Hai bị can cầm đầu đường dây này là Nguyễn Văn Dương ("Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC) và Phan Sào Nam (cựu Chủ tịch HĐQT VTC Online).

Đến nay cơ quan điều tra đã làm rõ Phan Sào Nam là người cung cấp phần mềm, bản quyền cổng game điện tử cho Nguyễn Văn Dương. Bị can Dương có vai trò điều hành 2 cổng game điện tử có tên là Rikvip và Tip.club.

Cơ quan điều tra đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh được số tiền có giá trị vật chất để quy trách nhiệm hình sự của các đối tượng tham gia đánh bạc là hơn 2.700 tỉ đồng. 

Đây là đường dây đánh bạc xuyên quốc gia vì đã có hàng triệu USD được chuyển ra nước ngoài. Đến nay cơ quan chức năng thu được khoảng 1.300 tỉ đồng và số ngoại tệ đánh bạc chuyển ra nước ngoài theo thống kê ban đầu ước chừng 3,6 triệu USD.

Tính đến nay Cơ quan an ninh điều tra đã khởi tố hơn 80 bị can, trong đó có ông Nguyễn Thanh Hóa và ông Phan Văn Vĩnh.

Ông Phan Văn Vĩnh sinh năm 1955 tại thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thủy, Nam Định.

Trước khi giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, ông Vĩnh từng là Giám đốc Công an tỉnh Nam Định. 

Ông Vĩnh cũng từng là đại biểu Quốc hội khóa XII, thuộc Đoàn đại biểu Nam Định, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong quá trình hoạt động trong ngành, vụ án ghi đậm dấu ấn, vai trò của ông Phan Văn Vĩnh nhất là điều tra vụ thảm sát tại Bắc Giang do Lê Văn Luyện thực hiện và vụ bắt "bầu" Kiên.

Ông Vĩnh là trưởng ban chỉ đạo chuyên án điều tra vụ thảm sát do Lê Văn Luyện gây ra. Ông cũng chính là trưởng ban chuyên án vụ bắt giữ "bầu" Kiên.

Ông Phan Văn Vĩnh thôi giữ chức tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát từ tháng 4-2017 để nghỉ theo chế độ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.