Chính trị

Khai mạc kỳ họp thứ 9: Xem xét-quyết định nhiều nội dung quan trọng

20/05/2015, 05:39

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội (QH) khóa XIII khai mạc sáng nay (20/5) sẽ xem xét, thông qua 11 dự án luật.

31
Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu trong buổi họp báo chiều 19/5
Ảnh: Hoài Thu

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội (QH) khóa XIII khai mạc sáng nay (20/5) sẽ xem xét, thông qua 11 dự án luật và một nghị quyết; cho ý kiến đối với 15 dự án luật cũng như quyết định nhiều nội dung quan trọng khác.

Ngày 19/5, Văn phòng QH đã tổ chức buổi họp báo thông tin về nội dung chương trình của Kỳ họp thứ 9, QH khóa XIII.

Nghe báo cáo về tình hình oan sai

Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Sĩ Dũng cho biết, Kỳ họp thứ 9, QH khóa XIII chính thức khai mạc hôm nay (20/5) tại Nhà Quốc hội (Ba Đình, Hà Nội). Theo dự kiến chương trình, QH sẽ làm việc trong thời gian hơn một tháng (từ 20/5 đến 25/6).

Xem xét bãi miễn tư cách ĐBQH của bà Châu Thị Thu Nga

Trả lời câu hỏi của PV về mức độ vi phạm của ĐBQH Châu Thị Thu Nga - người bị cơ quan CSĐT bắt tạm giam tối 7/1 về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sự việc của bà Châu Thị Thu Nga là một điều rất đáng tiếc, nhất là trong bối cảnh QH tăng cường đại biểu nữ. Bà Nga là một trong hai nữ ĐBQH tự ứng cử. Hiện bà Nga đã bị tạm đình chỉ hoạt động và cơ quan điều tra chưa có kết luận chính thức. Ủy ban Thường vụ QH cũng đã tiến hành tạm đình chỉ nhiệm vụ, quyền hạn của bà Nga. “Đại biểu Nga không còn uy tín trước cử tri nữa, vừa rồi MTTQ Hà Nội và Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đã có văn bản đề nghị QH xem xét việc bãi miễn tư cách đại biểu của bà Nga nên tại kỳ họp này QH sẽ tiếp thu văn bản, đảm bảo đúng quy trình, xem xét việc bãi miễn tư cách đối với đại biểu này theo đúng quy định của pháp luật”, ông Phúc cho biết.

Theo ông Nguyễn Sĩ Dũng, trong công tác xây dựng pháp luật, tại kỳ họp lần này, QH sẽ xem xét, thông qua 11 dự án luật và một nghị quyết, trong đó có Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Mặt trận Tổ quốc… Đồng thời, QH cũng thảo luận và cho ý kiến đối với 15 dự án luật như Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật Tạm giam, tạm giữ, Luật Ban hành văn bản pháp luật…

Về công tác giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, QH sẽ thảo luận, cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước năm 2014; Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8. Đặc biệt, QH sẽ nghe báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ QH về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và bồi thường thiệt hại cho người bị oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật; Nghe báo cáo về Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014…

Các nghị quyết được QH thảo luận, xem xét, thông qua gồm: Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2016; Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án TAND Tối cao về việc bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao; Nghị quyết về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2013. Đặc biệt, kỳ họp này QH sẽ dành thời gian thảo luận, xem xét, thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không (CHK) quốc tế Long Thành.

Ông Dũng cho biết thêm, ngoài những nội dung trên, kỳ họp còn thảo luận, góp ý về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; xem xét việc bãi nhiệm tư cách ĐBQH đối với bà Châu Thị Thu Nga - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội.

T.Ư đánh giá cao dự án CHK quốc tế Long Thành

Trả lời câu hỏi của báo giới xung quanh chủ trương xây dựng CHK quốc tế Long Thành - nội dung sẽ được QH cho ý kiến tại kỳ họp lần này, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, chủ trương đầu tư CHK quốc tế Long Thành đã được đưa ra bàn ở Hội nghị lần thứ 4 và 11 BCH T.Ư Đảng, điều đó cho thấy T.Ư rất quan tâm và đánh giá cao dự án này. “Đối với chủ trương xây dựng CHK quốc tế Long Thành, T.Ư cũng rất thận trọng. Việc đem dự án này bàn tại các Hội nghị của T.Ư như vậy là để đánh giá đúng và đảm bảo tính hiệu quả của dự án. Vấn đề bây giờ là T.Ư rất muốn các ĐBQH cho ý kiến, bàn bạc thêm về tổng mức đầu tư, hiệu quả đầu tư, mục đích trung chuyển, phương án huy động vốn, phân kỳ đầu tư, về diện tích sử dụng đất cho dự án… làm sao để dự án đạt được hiệu quả cao nhất”.

Về Điều 60 Luật BHXH (hưởng BHXH một lần) chưa có hiệu lực đã gặp phản ứng của một số công nhân, theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chính phủ chưa có văn bản chính thức đề nghị sửa đổi luật. Chính vì thế, việc có sửa đổi Điều 60 hay không sẽ phụ thuộc vào việc sau khi QH cho ý kiến. “Quan điểm của tôi là điều luật nào mới cũng phải cần quá trình bàn bạc, trao đổi ý kiến. Công nhân tham gia bảo hiểm 1 năm mà rút ra thì không có ý nghĩa gì, trong khi ta đang khuyến khích bảo hiểm toàn dân để khi về hưu người dân có đồng lương cơ bản đảm bảo tuổi già. Đó là điều chúng ta cần tuyên truyền. Sau khi tuyên truyền mà thấy rằng cần phải có một hình thức khác thì sẽ xem xét bổ sung, sửa đổi điều luật này”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Trước thực tế trong Kỳ họp thứ 8 vừa qua, tại các phiên thông qua Luật mà có tới hơn 100 ĐBQH vắng mặt, ông Phúc lý giải: “Ở nước ngoài, ĐBQH của họ chỉ là đại biểu chuyên trách, còn ở nước ta có đại biểu vừa kiêm nhiệm vừa chuyên trách, mà theo quy định, đại biểu kiêm nhiệm thực hiện 30% nhiệm vụ của ĐBQH, 70% nhiệm vụ của họ ở các địa phương. Chính vì thế, không thể trách các đại biểu được. Thông thường, trong phiên họp đầu năm vắng rất ít, chỉ có phiên cuối năm, khi công việc của các ĐBQH ở địa phương cũng nhiều nên số người vắng lớn hơn. Tuy nhiên, trách nhiệm của các ĐBQH rất cao, tuy vắng lúc nọ lúc kia nhưng vẫn có sự tham gia rất tích cực, không có mặt ở hội trường thì vẫn cho ý kiến ở đoàn, mà ý kiến của các đại biểu ở các đoàn thường rất hay, rất phong phú…”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.