Hạ tầng

Kho dữ liệu lớn từ điện thoại di động giúp quản lý giao thông

19/01/2019, 11:23

Hàng triệu thuê bao điện thoại di động và ứng dụng được xem là nguồn tài nguyên hỗ trợ quản lý, quy hoạch giao thông

img
Tín hiệu điện thoại và việc sử dụng ứng dụng trên điện thoại biểu thị vị trí, sự di chuyển của phương tiện

Nguồn dữ liệu lớn

Theo TS. Nguyễn Quang Tuấn, Phó viện KH&CN GTVT, điện thoại di động đang trở nên phổ biến, đa số là điện thoại thế hệ thông minh được định vị toàn cầu. Mỗi chiếc điện thoại di động gắn liền với cá nhân, biểu thị vị trí, dịch chuyển của mọi người, vì vậy là nguồn thông tin giá trị để phục vụ quản lý, trong đó có giao thông.

"Không chỉ là dữ liệu định vị, nguồn tín hiệu từ điện thoại di động còn là kho dữ liệu lớn (mobile big data) hình thành từ các ứng dụng được sử dung qua điện thoại như cuộc gọi, tin nhắn, truy cập internet, ứng dụng trên điện thoại. Việt Nam hiện có khoảng 163 triệu số thuê bao điện thoại di động, trong đó 72% điện thoại thông minh, TS Tuấn nói và cho rằng, nguồn dữ liệu thông tin này sau khi được mã hóa để bảo mật thông tin cá nhân chính là “nguyên liệu” đầu vào phong phú, hữu ích để phục vụ xây dựng các giải pháp trong quản lý, điều hành và quy hoạch giao thông.

Cũng theo TS Tuấn, trong lĩnh vực quy hoạch giao thông, kết quả phân tích dữ liệu từ mobile big data sẽ giúp các nhà hoạch định xác định được mật độ tập trung dân cư, thời gian tắc nghẽn, khu vực tắc nghẽn giao thông... để hỗ trợ đưa ra quyết định phân bổ cơ sở hạ tầng giao thông phù hợp, đáp ứng nhu cầu thực tế trong tương lai.

Từ kinh nghiệm thực tế của Nhật Bản, TS. Toshiaki Muroi, Viện nghiên cứu GTVT và du lịch Nhật Bản (JTTRI) cho biết, các phương pháp khảo sát, điều tra giao thông như: đếm số lượng phương tiện giao thông trên các tuyến đường, nút giao thông hay phát phiếu điều tra hành vi giao thông có chi phí quá lớn, thời gian kéo dài và nhất là độ chính xác thấp. Vì vậy, việc khảo sát lưu lượng giao thông từ sử dụng điện thoại di động giúp giải quyết được vấn đề trên.

“Chúng ta có thể ước tính được quy mô dân số ở từng khu vực căn cứ theo số lượng của điện thoại di động, xác định việc di chuyển của nhóm người theo địa điểm và thời gian”, ông Muroi cho biết.

Theo tính toán, dữ liệu mobile big data có thể được thu thập thông qua trạm thu phát sóng điện thoại di động (điện thoại chỉ cần ở chế độ bật) và qua dữ liệu của nhà mạng viễn thông về cuộc gọi của thuê bao (để thu phí), qua quy mô ùn tắc của các ứng dụng giao thông trên điện thoại (như đặt xe, gọi xe).

“Số lượng, tín hiệu phát ra từ điện thoại di động hình thành nên dữ liệu thông tin có thể khai thác để phục vụ quy hoạch, điều hành giao thông. Việc sử dụng dữ liệu thông qua các quy trình như bỏ danh tính thuê bao để trở thành thông tin vô danh, chọn lọc để tạo các dữ liệu thống kế theo nhóm như độ tuổi, khu vực...”, ông Muroi nói.

Phó giáo sư Yoshihide Sekimoto, Đại học Tokyo Nhật Bản cũng cho biết, công nghệ sử dụng, phân tích từ dữ liệu điện thoại di động đã được Nhật Bản khảo sát, thử nghiệm từ những năm 2011. Thời điểm đó, các nhà nghiên cứu đã dựa trên dòng di chuyển các phương tiện, cá nhân thông qua định vị GPS trên điện thoại di động, đưa ra được bản đồ số về tình hình lưu lượng, mật độ phương tiện di chuyển trong một khoảng thời gian, khu vực nhất định.

img
Tín hiệu từ điện thoại di động là nguồn dữ liệu lớn để phục vụ điều hành quản lý, quy hoạch giao thông

Ứng dụng gọi xe cũng là dữ liệu

Theo TS. Phạm Thái Bình, Đại học Công nghệ GTVT, một số nước đã ứng dụng công nghệ trên nên hoàn toàn khả thi khi áp dụng vào trong nước. “Có thể phân loại dữ liệu bao gồm thông tin cá nhân và không bao gồm thông tin cá nhân. Dữ liệu không bao gồm thông tin cá nhân, tức là chỉ có thông tin về điểm đi, đến là có thể sử dụng được để làm bài toán quy hoạch giao thông. Vấn đề là chính sách đối với việc sử dụng dữ liệu này ở Việt Nam đang hạn chế, đặc biệt là việc thu thập dữ liệu vì liên quan đến thông tin cá nhân của người dùng”, ông Bình nói và cho rằng, với bài toán quy hoạch giao thông, có thể sử dụng dữ liệu này để xây dựng mạng lưới giao thông công cộng thế nào, điều chỉnh hướng tuyến đi qua vị trí nào có mật độ tham gia giao thông cao và ngược lại.

Dữ liệu điện thoại di động qua định vị GPS là thời gian thực, nếu có hệ thống quản lý tốt và thu thập được tín hiệu này giúp cơ quan quản lý đưa ra cảnh báo giao thông, quản lý giao thông trên đường. Các ứng dụng đặt xe trên điện thoại như: Grab, Vietgo.. cũng có thể sử dụng dữ liệu thông qua người dùng bật GPS để đặt xe. Tuy nhiên, chỉ khi bật GPS mới thu thập được nên không thể hiện dự báo chung mà là một kênh tham khảo.

Ông Chu Quang Trung, Phó viện Chiến lược và phát triển GTVT cho biết, hiện đơn vị sử dụng phương pháp thu thập dữ liệu thông tin về giao thông theo phương pháp truyền thống như đếm xe, khảo sát bằng bảng câu hỏi với người dân… Vì vậy, công nghệ sử dụng dữ liệu từ điện thoại di động sẽ thu thập được dữ liệu thực về mật độ, số lượng đi lại trên bản đồ số. Từ dữ liệu lớn này, các thuật toán, công thức tính toán sẽ đưa ra được phân tích dự báo chính xác hơn so với phương pháp truyền thống. Nếu việc khai thác dữ liệu từ điện thoại di động để hỗ trợ, phục vụ công tác quản lý, quy hoạch GTVT Nam sẽ rất tốt,

Cũng theo ông Trung, hiểu đơn giản là khi điện thoại di động được bật lên, kết nối với các trạm thu phát sóng là đã hình thành dữ liệu, xác định được điểm đi, đến của phương tiện.

“Các ứng dụng gọi xe, đặt xe qua điện thoại di động hiện có cũng hình thành nên nguồn dữ liệu. Chẳng hạn từ thông tin thu thập được qua ứng dụng đặt xe Grab, qua nhà mạng sẽ tập hợp được thông tin để phân tích liên quan đến phương tiện, hành vi giao thông, phân loại theo nhóm, khu vực. Bên khai thác dữ liệu sẽ mua dữ liệu qua nhà mạng, nhưng bắt buộc phải có thuật toán để lược bỏ thông tin định danh và chỉ còn lại thông tin không định danh để phục vụ thống kê, phân tích”, ông Trung nói thêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.