Góc nhìn

Khám phá cuộc sống xa hoa ở Triều Tiên

31/01/2017, 14:08
image

Đất nước bí ẩn nhất thế giới này còn có một cuộc sống phong lưu không khác giới nhà giàu phương Tây.

Mot quan cafe tai Trieu Tiend

Thú thưởng thức cà phê của giới nhà giàu tại Triều Tiên nở rộ từ năm 2014.

Báo chí phương Tây phản ánh về Triều Tiên, thường là hình ảnh một đất nước đói nghèo, lụt lội hệ quả của nhiều thập kỷ nước này bị bao vây cấm vận kinh tế. Nhưng ít ai biết rằng, đất nước bí ẩn nhất thế giới này còn có một cuộc sống phong lưu không khác giới nhà giàu phương Tây.

Mua tủ lạnh để bày sách

Nghèo - thực tế phổ biến ở Triều Tiên bởi tại Thủ đô Bình Nhưỡng, lương của quan chức chưa đầy 100 USD/tháng. Song, nhiều năm trở lại đây, các thương gia mới nổi tại Triều Tiên bắt đầu hình thành một tầng lớp đại gia mới tại Thủ đô Bình Nhưỡng. Tầng lớp này được người Triều gọi là “donju” có thể hiểu là những “người làm ra tiền”.

Theo Washington Post, những người thuộc tầng lớp đại gia mới thường nắm giữ một vị trí trong Chính phủ - trong các Bộ hoặc quân đội và điều hành một doanh nghiệp Nhà nước ở nước ngoài hoặc thu hút đầu tư vào Triều Tiên. Mặt khác, họ kinh doanh đủ mọi thứ có thể từ tivi màn hình phẳng đến bất động sản nhưng thường hoạt động “chui”. Có tiền trong tay, tầng lớp “donju” cũng sắm tất cả đồ dùng gia đình tưởng chừng là bình thường ở các nước khác nhưng xa xỉ tại Triều Tiên như: Tivi, tủ lạnh cỡ lớn, mô tô, thậm chí là xe ô tô nhập khẩu (chủ yếu là Toyota, Honda)… Có điều, họ gặp phải vấn đề không có điện để dùng.

Trào lưu phẫu thuật thẩm mỹ vốn nở rộ tại Hàn Quốc cũng bắt đầu du nhập về Bình Nhưỡng nhưng mới dừng ở nhấn mí và làm mũi. Trong đó, phẫu thuật nhấn mí có giá 50-200 USD tùy vào tay nghề. 

Từ Thủ đô Bình Nhưỡng cho đến những thành phố nhỏ hơn, nguồn cung cấp điện thường không ổn định. Người có điều kiện chuyển sang dùng pin dự trữ hoặc máy phát điện loại nhỏ nhưng chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu. Các loại pin dự trữ điện chỉ đủ để chạy TV hoặc đầu đĩa còn những thiết bị ngốn điện như điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, không pin nào đáp ứng đủ.

Thế nhưng, ngạc nhiên là, rất nhiều người tại Triều Tiên vẫn mua tủ lạnh. Ông Andrei Lankov, trợ lý Giáo sư tại Đại học Kookmin, Seoul, người từng phát hành nhiều cuốn sách và bài báo về Triều Tiên và Bắc Á cho biết, ông thường xuyên lui tới nhiều địa điểm tại Triều Tiên và nhận thấy nhiều gia đình có tủ lạnh. Thế nhưng, các gia đình này thừa nhận không bao giờ bật tủ lạnh. Họ chi cả đống tiền để mua một thiết bị vô dụng như vậy vì với họ, đó là biểu tượng của sự giàu sang, phô trương thanh thế. Nhiều gia đình người quen của ông Andrei Lankov tại Triều Tiên mua tủ lạnh nhưng không có điện, đành dùng làm giá sách.

Những người giàu và quen biết hơn sẽ “cậy nhờ” chỉ huy quân đội hoặc quản lý mạng lưới điện địa phương và dùng cáp điện đưa điện từ mạng lưới điện ngầm hoặc căn cứ quân sự - nơi có dòng điện ổn định về nhà riêng để sử dụng. Ông Andrei biết một khu dân cư giàu có với hơn nửa hộ gia đình tại đây “đi đêm” với một giám đốc mạng lưới điện. Trong đó, mỗi gia đình trả khoảng 7 USD/tháng và được dùng điện thả ga. Nhờ đó, họ có thể dùng tủ lạnh và điều hòa.

Tập yoga, đi cà phê

Cong vien nuoc tai Trieu Tiend

Công viên nước tại Triều Tiên.

Mua nhà hay sắm đồ sa xỉ phẩm, người giàu Triều Tiên cũng rất biết cách tận hưởng cuộc sống không thua kém giới trung/thượng lưu tại Hàn Quốc hay phương Tây. Phóng viên Anna Fifield, Trưởng ban thường trú của Washington Post tại Tokyo, chuyên về mảng Nhật Bản và liên Triều từng có dịp tới Triều Tiên và tận mắt thấy phong cách sống của tầng lớp “làm ra tiền” tại quốc gia này. Cô có dịp gặp gỡ một nhân vật tên Kim, 33 tuổi giàu lên nhờ kinh doanh các dịch vụ giải trí, nâng cao đời sống cho các triệu phú. Anh từng xây dựng nhiều công viên giải trí, công viên nước, sân trượt băng, khu nghỉ dưỡng trượt băng.

Trong một lần rong ruổi, khám phá Triều Tiên, nhà báo Fifield bắt gặp các “cậu ấm, cô chiêu” của những gia đình giàu có (chiếm 1% tổng dân số Triều Tiên). Cũng như giới trẻ tại Hàn Quốc hay phương Tây, họ thích mặc thời trang Zara, H&M. Họ thường xuyên tập luyện, giữ dáng, nâng cao sức khỏe với gym, yoga… tại các trung tâm thể dục thể thao lớn. “Bình thường chúng tôi thường phải mặc quần áo kín đáo nhưng khi vào phòng tập gym, chúng tôi có thể thỏa sức ăn mặc, khoe dáng”- cô Lee Seo-hyeon, 24 tuổi, một thanh niên trong “nhóm 1%” tại Triều Tiên chia sẻ. Theo Lee, thời trang phòng tập của nữ giới Triều Tiên thường là quần legging, áo ngắn, bó sát, trong đó Elle là nhãn hiệu khá nổi tiếng, còn nam giới ưa chuộng các nhãn hiệu: Adidas, Nike. Họ thường mua các loại quần áo này khi sang Trung Quốc.

Đã mặc đẹp, người Triều Tiên có tiền cũng chú ý đến vấn đề ăn ngon. Họ rất chịu “bỏ tiền” thưởng thức những món ăn, hay mua nguyên liệu thực phẩm hiếm có, đắt đỏ nhập khẩu từ phương Tây. Bà Fifield ghi nhận một siêu thị tại Triều Tiên đầy ắp các sản phẩm nhập khẩu như bò Australia, cá hồi Nauy, ngũ cốc… và tất cả đều được bán với “giá trên trời”. Có lần, bà Fifield cùng hai phóng viên khác đến từ Washington Post ghé vào một nhà hàng phong cách Đức gần Tháp Juche. Tại đây phục vụ đầy đủ các món phương Tây như thịt bò nướng kèm khoai tây bỏ lò, giá 48 USD; cốt lết chiên giòn Wiener schnitzel của New Zealand khoảng 7 USD.

Tầng lớp donju cũng thường xuyên lui tới các cửa hàng sang trọng, quán cà phê để thưởng thức những món đồ uống có giá gần bằng 1 tháng lương của quan chức (phần lớn đồ uống có giá khoảng 4-8 USD. Còn một ly mocha đá có giá tới 9 USD, cao hơn giá đồ uống tương tự tại các quán cà phê hạng sang tại VN). Thú thưởng thức cà phê của giới có tiền tại Triều Tiên nở rộ từ năm 2014. “Giới donju, quan chức, lớp trẻ như sinh viên đại học thường vào quán cà phê để gặp gỡ để trông thật sang chảnh”, một nhân vật tên Choi chia sẻ.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.