Thời sự

Khẩn cấp chống quá tải sân bay

30/12/2016, 06:14
image

Theo Phó Thủ tướng, hiện nhiều sân bay lớn đều đang trong tình trạng quá tải, đặc biệt là sân bay Tân Sơn Nhất.

1

Công suất thiết kế của sân bay Tân Sơn Nhất là 25 triệu khách/năm, nhưng hiện nay đã đạt 32 triệu khách - Ảnh: Lê Quân

Đó là một trong những nội dung được Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nêu ra tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng qua (29/12). Theo Phó Thủ tướng, hiện nhiều sân bay lớn đều đang trong tình trạng quá tải, đặc biệt là sân bay Tân Sơn Nhất.

Nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp

Kết luận Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng 29/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liệt kê 30 nhiệm vụ đồng thời yêu cầu các bộ ngành, địa phương quyết liệt thực hiện trong năm tới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thành tựu đạt được trong năm qua là rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, năm 2017 dự báo vẫn còn rất nhiều khó khăn nên cần phải tạo sự chuyển động của cả hệ thống, đặc biệt là chính quyền cơ sở. Thủ tướng lưu ý lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải vượt qua tư duy nhiệm kỳ, lợi ích cục bộ của bộ, ngành, địa phương, rà soát loại bỏ những quy định bất cập, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp, đẩy mạnh tái cơ cấu, đẩy mạnh cơ chế khoán, công khai ngân sách. Đặc biệt là tiết kiệm từng đồng tiền thuế của dân, chống xa hoa, lãng phí, phô trương hình thức, kiên quyết chống lợi ích nhóm…

Người đứng đầu Chính phủ quán triệt tinh thần quyết liệt, từ các Bộ trưởng đến lãnh đạo địa phương phải làm đến nơi, đến chốn, không để thất thoát, tham nhũng tiếp tục xảy ra. Kiên quyết xử lý doanh nghiệp, dự án thua lỗ nghìn tỷ không thể phục hồi, bởi nếu để kéo dài thì thiệt hại càng lớn, thất thoát càng lớn. Thủ tướng yêu cầu công khai, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, kể cả người tham mưu, không thể để chuyện người đứng đầu sai mà không bị xử lý. Đồng thời, phải tăng cường phân cấp, giao quyền cho các địa phương làm, thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế và xóa bỏ cơ chế xin - cho.

“Chúng ta có nhiều cơ chế nhưng quyết tâm chính trị chưa cao nên chưa đạt kết quả. Nếu cơ sở chưa quyết liệt thì khoảng cách giữa lời nói và hành động vẫn còn xa. Vừa rồi ở Quảng Ninh, qua việc kiểm tra đột xuất phát hiện hai cán bộ tiếp dân ngồi ngủ đã đuổi việc luôn”, Thủ tướng dẫn chứng và lưu ý các bộ ngành, địa phương phải tập trung nâng cao đời sống vật chất của người dân, không để mất lòng tin của người dân, bởi “có dân là có tất cả, mất dân là mất tất cả”.

Xem thêm video:

2

Sau Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 - Ảnh: TTXVN

Chấn chỉnh xây chung cư cao tầng trong nội đô

Đề cập công tác chấn chỉnh lại quy hoạch đô thị, Thủ tướng một lần nữa bày tỏ thái độ không hài lòng về việc có quá nhiều chung cư cao tầng mọc lên ở nội đô các thành phố lớn, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng, cùng nhiều vấn đề khác về cấp thoát nước, vệ sinh môi trường…

Về vấn đề giao thông, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tập trung nguồn lực Nhà nước cho dự án phát triển các dự án hạ tầng trọng điểm, các dự án như sân bay quốc tế Long Thành với tinh thần xã hội hóa, đầu tư PPP, còn vốn Nhà nước chỉ là vốn mồi nhằm thu hút đầu tư. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện đầu tư phải lắng nghe ý kiến người dân.

Thủ tướng yêu cầu tất cả các địa phương, đặc biệt là TP.HCM và Hà Nội cần nghiêm túc rà soát lại, chấn chỉnh kịp thời trước khi quá muộn. “Không thể vì lợi ích trước mắt, thậm chí lợi ích nhóm mà quên lợi ích chung của cả cộng đồng và hậu quả về sau này. Nếu không sớm khắc phục thì sau này ngân sách Nhà nước đổ vào bao nhiêu cũng không thể đủ để giải phóng mặt bằng, chống ùn tắc giao thông được. Nếu không cấm xây dựng chung cư cao tầng trong nội đô thì hàng loạt dự án đô thị ven đô sẽ không tiếp tục được, bị bỏ hoang. Không có lý thuyết quy hoạch nào mà lại cho phép xây dựng chung cư 50 tầng với mấy nghìn căn hộ trong nội đô cả”, Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết, đã yêu cầu Hà Nội báo cáo việc này lên Chính phủ nhưng đến nay Hà Nội vẫn chưa có báo cáo.

“Mảnh đất nào trống chúng ta cũng cấp phép cho xây chung cư cao tầng hết thì Hà Nội sẽ ra sao? Thực trạng này là do chính chúng ta gây ra và hệ lụy của nó đang hiện hữu”, Thủ tướng cảnh báo.

Chuẩn bị dự án cao tốc Bắc - Nam, đường sắt tốc độ cao trình Quốc hội

Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đưa ra khi đề cập đến vấn đề rất quan trọng của đất nước, đó là hạ tầng giao thông. Trước hết, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ GTVT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát lại quy hoạch các cảng hàng không. Theo quy hoạch các cảng hàng không của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, chúng ta có 28 cảng hàng không với lưu lượng đến năm 2020 khoảng 70 triệu khách nhưng hiện đều đã quá tải. “Năm 2016, dự kiến khoảng 87 triệu khách, năm 2017 dự kiến tăng 10-15%, như vậy đa số đều quá tải, kể cả sân bay nhỏ ở các địa phương, đặc biệt là sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải rất nặng. Theo quy hoạch thiết kế là 25 triệu khách/năm nhưng đến nay đã đạt 32 triệu khách rồi”, Phó Thủ tướng dẫn chứng và đề nghị Bộ GTVT rà soát lại tổng thể quy hoạch cho phù hợp.

Đặc biệt, Bộ GTVT phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng và UBND TP.HCM sớm hoàn thành đề án quy hoạch tổng thể mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất để báo cáo Thủ tướng, sau đó có lộ trình thực hiện các dự án cụ thể nhằm nâng công suất của sân bay này lên khoảng 40-50 triệu khách/năm. “Muốn vậy phải tăng chỗ đỗ, tăng đường dẫn, đường lăn và tăng thêm hai ga hành khách, tăng cường quản lý không lưu cho tốt. Những việc này đa số dùng vốn ngoài Nhà nước chứ không dùng vốn ngân sách”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT sớm hoàn thành dự án khả thi sân bay Long Thành cùng các dự án thành phần để báo cáo Quốc hội vào năm 2019; Khẩn trương hoàn thành đề án đường cao tốc Bắc - Nam, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ ba của Quốc hội khóa XIV vào tháng 5/2017. Đồng thời, chủ động các dự án để khi Quốc hội thông qua, có thể thực hiện luôn, bởi nếu không đến năm 2020 sẽ không đạt được mục tiêu kết nối các tuyến trên tuyến cao tốc Bắc - Nam; Xây dựng cơ chế đặc thù để đầu tư xây dựng các tuyến đường cao tốc.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, Bộ GTVT cần tập trung báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để đến năm 2018 có thể báo cáo Quốc hội, chuẩn bị năm 2022 có thể thực hiện một số đoạn ưu tiên như tuyến Hà Nội - Vinh, TP HCM - Khánh Hòa...

Về lĩnh vực đường sắt, Phó Thủ tướng đề nghị rà soát kỹ các dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt hiện có để nâng tốc độ chạy tàu lên như Nghị quyết của BCH T.Ư Đảng và chiến lược phát triển của đường sắt Việt Nam. Trong đó, phải tập trung giải quyết các nút thắt. “Việc này phải làm từ nay đến năm 2030, cùng với đường sắt tốc độ cao, chúng ta vẫn cần tuyến đường sắt hiện có để vận chuyển hàng hóa và hành khách. Vốn đầu tư cho việc này cần khoảng 1,7 tỷ USD. Việc cân đối rất khó khăn nên kiến nghị Thủ tướng cho rà soát lại, đề nghị giai đoạn tới có thể giảm bớt vốn đầu tư của các công trình trọng điểm khác, vì nếu đầu tư lặt vặt rất tốn kém mà lại không hiệu quả”, Phó Thủ tướng cho biết.

Thu ngân sách vượt 70.000 tỷ đồng

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, đến thời điểm này, thu ngân sách Nhà nước đã đạt 100,7%, trong đó, ngân sách địa phương vượt thu 15%, tương đương 40.000 tỷ đồng, dự kiến còn ít ngày nữa của năm 2016, mức vượt thu sẽ khoảng 70.000 tỷ đồng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định đây là con số đạt được rất ấn tượng vì ít ngày trước, việc thu ngân sách T.Ư năm nay tưởng như không thể hoàn thành chỉ tiêu. Thủ tướng cũng lưu ý ngành Tài chính cần có những tính toán chặt chẽ về tiền bạc, đặc biệt với các vấn đề liên quan đến ngân sách.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.