Thế giới giao thông

Khi đại gia Trung Quốc “săn” máy bay cũ

19/04/2017, 13:15

Giới đại gia Trung Quốc không còn “phóng tay” mua máy bay tư nhân mới mà chuyển sang mua cũ và tân trang.

11

Ngành kinh doanh máy bay tư nhân Trung Quốc đang gặp “cơn gió lạnh”

Sụt giảm xuống mức thấp kỷ lục

Từ 30 năm trước, các doanh nhân, đại gia Trung Quốc bắt đầu mua máy bay tư nhân. Trung Quốc đại lục là thị trường máy bay tư nhân lớn thứ 2 thế giới, sau Mỹ (đang có 12.000 chiếc) và chứng kiến tốc độ tăng trưởng thường niên lên tới 49% trước năm 2012.

Tuy nhiên, sau năm 2012, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thực hiện chính sách “đả hổ, diệt ruồi, săn cáo” chống tham nhũng một cách quyết liệt khiến một bộ phận giới chức sẵn tiền không dám phô trương.

Ngoài ra, do kinh tế chậm phát triển, các nhà kinh doanh bắt đầu thực dụng hơn, chuyển hướng sang mua máy bay cũ, giá rẻ và tân trang lại. Do đó, xu hướng phát triển ngành máy bay tư nhân ngày một chậm, doanh số bán hàng không tăng. Tại triển lãm hàng không Thượng Hải, các nhà sản xuất máy bay không có thông báo về các đơn đặt hàng máy bay tư nhân mới. Thay vào đó, họ nói về các dịch vụ hậu mãi của mình.

Công ty Asian Sky Group ước tính, số lượng máy bay tư nhân trên khắp Trung Quốc đại lục sẽ chỉ tăng 1% trong năm nay (tương đương 5 máy bay mới được giao) - mức thấp kỷ lục. Nếu như năm 2007 số máy bay tư nhân tại Trung Quốc là 67, thì năm 2015 tăng vọt lên 466 chiếc; Còn nay, con số này chỉ khoảng 480 chiếc. “Toàn thị trường máy bay tư nhân Trung Quốc đang trải qua cơn gió lạnh”, Chủ tịch Công ty Embraer chi nhánh Trung Quốc, ông Guan Dongyuan nói.

Chuyển hướng tập trung vào máy bay cũ

Tại triển lãm hàng không Thượng Hải vừa qua, các đại lý bán máy bay tiết lộ, doanh số bán máy bay cũ của họ chiếm hơn 1 nửa tổng số máy bay tư nhân bán cho giới doanh nhân giàu có tại Trung Quốc. Con số này tăng cao so với mức 1/3 của 2 năm trước.

Chủ tịch Công ty môi giới máy bay tư nhân Jetcraft Asia, ông David Dixon cho biết: “Bạn có thể mua một chiếc Gulfstream 550 mới với giá khoảng 50 triệu USD nhưng nay với 30 triệu USD, bạn cũng có thể mua một chiếc máy bay cũ hiệu suất tương đương. Khoản chênh lệch 20 triệu USD là con số khá lớn”. Trên một thị trường như vậy, việc kinh doanh máy bay mới trở nên khó khăn trong khi kinh doanh máy bay cũ sẽ bớt rủi ro, nhiều đại lý chia sẻ.

Bà Jackie Wu, Chủ tịch Công ty môi giới, cho thuê máy bay JetSolution Aviation Group đánh giá: “Hiện nay, mua lại máy bay cũ là phương án được lựa chọn nhiều nhất”, bà Wu nhận định.

Vẫn nuôi hy vọng

Dù dự đoán tình hình kinh doanh máy bay tư nhân mới sẽ khó khăn nhưng Giám đốc điều hành (CEO) các tập đoàn sản xuất máy bay loại này vẫn hy vọng vì Chính phủ Trung Quốc đang khuyến khích phát triển ngành hàng không.

Năm ngoái, chính quyền Bắc Kinh tuyên bố sẽ xây thêm 500 sân bay, đặc biệt là sân bay dành cho máy bay tư nhân tính đến năm 2020 và sẽ mở thêm không phận cho tư nhân sử dụng. Ông Bjorn Naf, CEO Công ty quản lý máy bay Metrojet, có trụ sở tại Hong Kong nhận định: “Đó là cam kết rất tốt nhưng vẫn cần thời gian và cần chúng ta kiên nhẫn…Thị trường sẽ nóng trở lại”, ông Naf nói.

Phó chủ tịch Công ty quản lý máy bay tư nhân Deer Jet (sở hữu 90 chiếc), ông Fang Xinyu cho biết, bất cứ ngành nghề nào đều có những giai đoạn “đi xuống”. Nhưng trong ngành này, “giá trị tổng thể mà máy bay tư nhân mang lại về mặt hiệu quả thời gian và tính riêng tư luôn hiện hữu. Đó là những thứ không ai có thể lấy đi”. Do đó, triển vọng phát triển của ngành này vẫn sáng sủa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.