Xã hội

Khi nào ứng viên ĐBQH bị xóa tên?

26/04/2016, 19:45

Sau khi công bố danh sách ứng cử ĐBQH, người khiếu nại, tố cáo có thể gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền.

11

Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng, Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc 

Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng, Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc đã cho biết như vậy khi trao đổi với Báo Giao thông xung quanh việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo đối với các ứng viên ứng của ĐBQH khoá XIV.

Thưa ông, các khiếu kiện liên quan đến ứng viên ĐBQH được xem xét, giải quyết trong giới hạn thời gian nào?

Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND quy định chậm nhất ngày 27/4 phải công bố danh sách chính thức các ứng viên ứng cử ĐBQH. Theo đó, ngay sau khi công bố danh sách chính thức của người ứng cử ĐBQH được phân bổ về các địa phương thì người khiếu nại, tố cáo có đơn tố cáo đối với các ứng cử viên bầu cử ĐBQH có thể gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền. Thời gian tiếp nhận, xem xét, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo từ 27/4-12/5 (trước thời hạn bầu cử 10 ngày).

Trong 10 ngày dừng xem xét đơn khiếu nại, tố cáo, nếu tiếp tục có đơn nào được gửi đến, Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ủy ban bầu cử ở tỉnh, Ủy ban bầu cử ở huyện, Ủy ban bầu cử ở xã chuyển toàn bộ hồ sơ về khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết đến Ủy ban thường vụ Quốc hội (đối với bầu cử ĐBQH) hoặc Thường trực HĐND ở cấp tương ứng (đối với bầu cử đại biểu HĐND) để tiếp tục xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Những khiếu kiện liên quan đến ứng viên ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND sẽ được gửi đến cơ quan nào, thưa ông?

Khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến người ứng cử ĐBQH, việc lập danh sách những người ứng cử ĐBQH được gửi đến Ban bầu cử ĐBQH, Ủy ban bầu cử ở tỉnh, Hội đồng Bầu cử Quốc gia. Trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đồng ý với kết quả giải quyết của Ban bầu cử, Ủy ban bầu cử thì có quyền khiếu nại đến Hội đồng Bầu cử Quốc gia. Quyết định của Hội đồng Bầu cử Quốc gia là quyết định cuối cùng.

Khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến người ứng cử đại biểu HĐND, việc lập danh sách những người ứng cử đại biểu HĐND ở cấp nào thì được gửi tới Ban bầu cử đại biểu HĐND ở cấp đó. Trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đồng ý với kết quả giải quyết của Ban bầu cử thì có quyền khiếu nại đến Ủy ban bầu cử ở cấp tương ứng. Quyết định của Ủy ban bầu cử là quyết định cuối cùng.

Ban bầu cử, Ủy ban bầu cử, Hội đồng Bầu cử Quốc gia phải ghi vào sổ và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị nhận được theo thẩm quyền.

Theo quy định, những khiếu kiện nào bắt buộc phải xem xét?

Những khiếu kiện có đầy đủ cơ sở liên quan đến các ứng viên ứng cử ĐBQH sẽ được xem xét, giải quyết. Theo quy định của luật, không xem xét, giải quyết đối với những đơn tố cáo nặc danh, không có họ, tên người tố cáo hoặc mạo danh người khác để tố cáo.

Việc xem xét, giải quyết và trả lời khiếu kiện có được công khai hay không?

Theo quy định, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo sẽ được thông báo cho người có khiếu nại, tố cáo.

Nếu khiếu kiện có cơ sở, ứng viên bị xử lý thế nào, thưa ông?

Trong trường hợp những khiếu nại, tố cáo đã rõ ràng, có đủ cơ sở kết luận người ứng cử không đáp ứng đủ tiêu chuẩn của ĐBQH, đại biểu HĐND thì Hội đồng Bầu cử Quốc gia (đối với bầu cử ĐBQH) hoặc Ủy ban bầu cử ở cấp tương ứng (đối với bầu cử đại biểu HĐND) quyết định xóa tên người đó trong danh sách chính thức những người ứng cử trước ngày bầu cử và thông báo cho cử tri biết.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.