Bạn cần biết

Khổ sở vì ngứa ngáy, tróc vẩy

24/10/2017, 07:49

Mặc dù bệnh vẩy nến không chết người nhưng lại gây mất thẩm mỹ khiến người bệnh tự ti, ảnh hưởng nặng nề...

18

Một bệnh nhân vẩy nến đang được điều trị tại BV Da liễu T.Ư

Mặc dù bệnh vẩy nến không chết người nhưng lại gây mất thẩm mỹ khiến người bệnh tự ti, ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý và chất lượng cuộc sống. Không ít bệnh nhân gặp biến chứng khi tự ý điều trị bằng các loại thuốc không rõ nguồn gốc.

Thèm được mặc áo cộc, quần soóc

Anh Nguyễn Thanh Minh (Thạch Thất, Hà Nội - bệnh nhân điều trị tại BV Da liễu T.Ư) cho biết: “Sau đợt điều trị bằng phác đồ tia sáng UVB dải hẹp tại đây, bệnh vẩy nến đã có chuyển biến tích cực. Lần này về chắc mặc được áo cộc tay”. Theo lời anh Minh, căn bệnh này đã theo anh gần 14 năm nay. Trước đây, có đôi lần đi thăm khám ở tuyến dưới, anh được bác sĩ kê đơn thuốc bôi, nhưng chỉ đỡ đôi chút. Các lớp da vẩy trắng bong tróc khắp người, có những thời điểm vẩy da rơi trắng sàn nhà. Không những vậy, căn bệnh còn gây ngứa ngáy, vô cùng khó chịu. Anh Minh chia sẻ, nhiều khi nhìn vào cơ thể mình còn thấy “sợ” nói gì người khác. Chính vì vậy, hiếm khi anh Minh tham gia các hoạt động cộng đồng hay đi thăm hỏi, lễ, Tết. Mỗi khi ra khỏi nhà, anh lại “quần chùng, áo dài” để che bớt đi những vùng da phát bệnh vẩy nến. “Từ khi phát bệnh, việc được mặc áo cộc, quần soóc đi bơi, đi biển mà không bị ai dòm ngó, kinh sợ là ước mơ của tôi đấy”, anh Minh tâm sự.

Tương tự là trường hợp ông Phạm Văn Hùng (Hà Đông, Hà Nội) bị bệnh đã 10 năm. Trong suốt thời gian đó, ông cũng rất mặc cảm, không dám đi đâu. Những vết lở loét, bong tróc hành hạ ông Hùng đến khốn khổ, nhất là vào mùa đông. Sau này, bệnh đỡ hơn nhưng ông Hùng cũng không dám đi đến nhà ai chơi, hay đi ăn cỗ ở nơi có đông người. Ông Hùng buồn bã: “Dù đây không phải bệnh lây, mà tôi cũng luôn lưu ý ăn mặc kín đáo nhưng nhiều người vẫn tỏ ý sợ căn bệnh của tôi".

Vẩy nến có nhiều thể khác nhau nhưng thường gặp là: Vẩy nến thông thường (mảng da đỏ, tróc vảy), vẩy nến mủ, viêm khớp vẩy nến, vẩy nến đỏ da toàn thân. Vẩy nến hiện được xem là bệnh viêm hệ thống, gây tác động lên nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Vì thế, người bệnh vẩy nến có nguy cơ mắc bệnh khớp, bệnh lý tiêu hóa, mắt, thận, xơ vữa động mạch...

Ông Trần Hồng Trường (Minh Khai, Hà Nội) hiện đang là Chủ tịch Chi hội Vẩy nến Việt Nam, là một người đã vật lộn với bệnh vẩy nến gần 30 năm. Ông kể, từ lúc phát bệnh, mọi công việc của ông cũng bắt đầu trục trặc, không còn thuận lợi như trước nữa. “Căn bệnh vẩy nến toàn thân nhìn sợ lắm, bị kỳ thị, chê bai. Có lẽ vì thế mà nhiều người “chết” trong sự kỳ thị của mọi người”, ông Trường nói. Từ khi mắc bệnh, ông tự tìm hiểu các biện pháp chữa bệnh cho mình và chia sẻ cho những người cùng cảnh ngộ. Từ chỗ mặc cảm, tự ti, ông Trường đã tự tin có thể mặc áo cộc tay, không thấy xấu hổ vì làn da xấu xí của mình. “Mọi người cần nhìn nhận đúng về căn bệnh không lây này, tránh sự kỳ thị với những người không may mắc căn bệnh vẩy nến”, ông Trường nhắn nhủ.

Trao đổi với Báo Giao thông, PGS. TS. Lê Hữu Doanh, Phó giám đốc BV Da liễu T.Ư chia sẻ: “Ở Việt Nam tuy chưa có số liệu điều tra chính xác nhưng có khoảng 1,5-2% dân số mắc bệnh này”. Vẩy nến là bệnh viêm da mãn tính, hay tái phát, biểu hiện bệnh là đỏ da, tróc vảy một số vùng da tì đè nhiều (đầu gối, cùi chỏ, da đầu, nếp mông, lưng) hoặc toàn thân. Vẩy nến còn làm tổn thương móng tay, chân, làm cho móng xù xì, tăng sừng, đổi màu nhìn rất xấu. Đặc biệt sẽ có 10-30% người mắc vẩy nến diễn tiến sang viêm khớp vẩy nến (đau, sưng, cứng các khớp). Bệnh vẩy nến gặp ở cả nam, nữ và ở mọi độ tuổi. Bệnh khởi phát do có sự tương tác giữa yếu tố di truyền và một số yếu tố bên ngoài, gây rối loạn hệ thống miễn dịch.

Biến chứng vì tự ý dùng thuốc

Nhập viện trong tình trạng nặng, suy thận, buộc phải điều trị tích cực chỉ sau vài thìa thuốc nam chữa bệnh vẩy nến, may mắn anh Trần Công Long (Hà Nội) thoát cửa tử. Theo lời kể của anh Long, quá mệt mỏi theo đuổi điều trị gần 20 năm mà bệnh vẫn tái phát, được bạn bè giới thiệu thuốc nam “lành” lại chữa khỏi hẳn nên anh thử. Nhưng được vài ngày, bệnh vẩy nến biến chứng nặng, chảy mủ toàn thân, da mặt và da bàn tay, bàn chân bong tróc như bóng bì. Hiện, dù thoát khỏi nguy kịch nhưng anh Long vẫn vừa điều trị vẩy nến vừa phải chạy thận nhân tạo mỗi tuần 3 lần.

BS. Doanh cho biết: “Đây không phải trường hợp hiếm gặp. Rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh vẩy nến chỉ đến viện khi chịu hậu quả nặng nề bởi các bài thuốc chữa bệnh trôi nổi bên ngoài”. Thậm chí, có bệnh nhân đang điều trị ổn định tại viện bỗng bỏ thuốc, chuyển sang chữa bên ngoài, khi trở lại thì đã sang thể nặng, mụn mủ toàn thân, biến chứng sưng nhức các khớp.

Theo khuyến cáo của BS. Doanh, cùng với những loại thuốc uống gây biến chứng như kể trên, nhiều bệnh nhân cũng gặp vấn đề với các loại thuốc bôi trôi nổi bên ngoài. Nhiều người xuất hiện rạn da, xuất huyết da làm biến chứng bệnh lý ngoài da nặng nề hơn… là do trong loại thuốc bôi có chứa thành phần corticoid.

BS. Doanh lưu ý, người bệnh phải xác định sống chung với căn bệnh vẩy nến, tuy nhiên hoàn toàn có thể khống chế được bệnh nếu điều trị duy trì theo đúng phác đồ. Bệnh rất dễ tái phát bởi các yếu tố khách quan. Do vậy, bệnh nhân cần lưu ý tránh yếu tố gây tái phát, nhất là stress. Với bệnh nhân vẩy nến, yếu tố tâm lý, tinh thần cực kỳ quan trọng. Nếu không kiểm soát được cảm xúc, công việc hoặc gia đình có nhiều áp lực, căng thẳng, mâu thuẫn... sẽ tạo điều kiện cho bệnh bùng phát rất kinh khủng. Tiếp đến là nhiễm trùng, bệnh nhân cũng cần kiểm soát thường xuyên. Bởi, bất cứ một ổ nhiễm trùng nào trên cơ thể (ở da hay hầu - họng...) cũng làm bệnh nặng thêm…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.