Hỏi - Đáp

Khó xử lý hình sự người đăng ảnh “siêu xe gầm giường”

09/02/2017, 08:57

Luật sư cho rằng khó xử lý hình sự người tung ảnh dàn "siêu xe biển xanh" nằm gầm giường.

xe-do-choi-gan-bien-xanh-1610

Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội về những "xe ô tô đồ chơi" gắn biển xanh.

Hai ngày qua, trên các diễn đàn mạng xôn xao trước những hình ảnh về dàn siêu xe gắn biển xanh của Cần Thơ như: 65A - 000.09, 65A-001.13, 65A - 111.33 và 65A- 000.54. Thậm chí, không ít tờ báo đã đăng thông tin cùng hình ảnh và cho rằng đây là dàn xe gắn biển số giả. Tuy nhiên, đây thực chất chỉ là hình ảnh xe đồ chơi bằng nhựa, được đặt dưới... gầm ghế. 

Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Giám đốc hãng Luật Giải Phóng), sau quá trình xác minh, lực lượng chức năng khẳng định, hình ảnh mà người đăng tải lên mạng xã hội về những “siêu xe gắn biển xanh” là giả mạo, có thể được thực hiện qua công nghệ photoshop chỉnh sửa. Điều này cho thấy, mục đích của người đăng tải các hình ảnh này là không rõ ràng và có ý muốn bôi nhọ, tạo phản ứng xấu trong dư luận về xe công và việc sử dụng biển số xanh cho xe công vụ của các cơ quan Nhà nước.

Việc đăng tải thông tin không trung thực, biết rõ là giả mạo đã vi phạm quy định về điều cấm trong việc cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin số, điều này được quy định tại Điều 12, Luật Công nghệ thông tin năm 2006. Như vậy, cần điều tra làm rõ ai là người đã đứng đằng sau việc tung những hình ảnh này lên. Mục đích có phải để xuyên tạc, kích động hay không cũng cần được làm rõ.

Về nguyên tắc, những hành vi đăng thông tin sai lệch trên các phương tiện thông tin, truyền thông nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, xúc phạm uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân... có thể bị xử lý theo quy định tại Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, mức phạt từ 10.000.000 - 20.000.000 đồng.

Trong quy định của Điều 288, Bộ luật Hình sự 2015 cũng có quy định về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 - 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Vấn đề ở chỗ là người tung hình ảnh chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng để xem xét về xử lý hình sự, cũng không rõ nhắm vào đối tượng cụ thể nào để xác định được nhằm dụng ý xuyên tạc, bôi nhọ cá nhân, tổ chức nào. Bởi vậy nên việc xử lý hình sự khó khả thi.

“Tuy nhiên xác định chính xác đối tượng, mục đích, công cụ thực hiện hành vi và cho thấy tính giả mạo, xuyên tạc của hành vi thì hoàn toàn có thể xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 174. Tuy nhiên, chỉ xử lý được nếu có căn cứ xác định mục đích của hành vi tung ảnh này lên nhằm bôi nhọ, xúc phạm uy tín của một tổ chức, cá nhân nào đó. Thế nhưng, chứng minh điều này là rất khó, nên rất khó xử phạt", luật sư Kiều Hưng khẳng định.

Trong một diễn biến khác, trao đổi với Báo Giao thông chiều 8/2, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin & Truyền thông) cho biết, cục đã có văn bản yêu cầu các báo đăng thông tin về “dàn siêu xe gắn biển xanh giả” có báo cáo giải trình, để từ đó làm căn cứ xem xét, xử lý. Cũng liên quan đến vấn đề này, một lãnh đạo của cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí nhận định, việc đưa thông tin đưa lên mặt báo mà không đảm bảo tính chính xác thì cần phải cải chính và xin lỗi, sau đó sẽ xem xét mức độ vi phạm để có căn cứ xử lý phù hợp. Theo vị lãnh đạo này, trước khi đăng tải thông tin, báo chí cần thẩm định, kiểm chứng kỹ nguồn tin để tránh sai sót chứ không thể đăng tải tùy tiện.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.