Vận tải

Khó xử phạt xe quá tải vào cảng biển, vì sao?

18/08/2016, 09:00

Để kiểm soát được tình trạng chở hàng quá tải ở các cảng biển, những năm qua, Bộ GTVT đã có nhiều giải pháp...

12

Bốc xếp hàng tại cảng Hải Phòng

Đặc biệt, Nghị định 46 có hiệu lực từ ngày 1/8 được coi là “bảo bối” để xử lý xe quá tải.

Đã có “bảo bối” phạt trong cảng

Theo ông Đặng Văn Ba, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa, qua kiểm tra đột xuất ngày 5/8 tại cảng Đại Dương, lực lượng của cảng vụ phát hiện một xe đầu kéo BKS 35N-7960, rơ-moóc BKS 35R-006.34 xếp hàng quá tải trên 10%. “Chúng tôi kiên quyết lập biên bản xử lý theo quy định tại Nghị định 46 đối với tất cả các trường hợp xếp hàng quá tải”, ông Ba nói.

Ông Phạm Huy Toàn, Phó phòng Vận tải - Dịch vụ hàng hải, Cục Hàng hải VN, cho biết, các cảng vụ hàng hải đã đẩy mạnh kiểm soát tải trọng tại các cảng biển. Tuy nhiên, phải đến ngày 1/8, việc kiểm soát và xử phạt các xe xếp hàng quá tải tại cảng mới được thực hiện triệt để nhờ quy định tại Nghị định 46. Qua hơn chục ngày thực hiện, các doanh nghiệp vận tải và cảng biển thực hiện khá nghiêm túc. Các cảng vụ chỉ phát hiện một vụ cố tình vi phạm tại cảng Đại Dương.

Kiến nghị đình chỉ cảng vi phạm

Mặc dù các đơn vị cảng biển đã vào cuộc xử lý xe quá tải, tuy nhiên theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông việc xử phạt xe quá tải tại cảng vẫn gặp nhiều khó khăn. Mới đây nhất, qua điều tra, PV đã phát hiện nhiều xe chở hàng quá tải vào cảng Đại Dương, Thanh Hóa mà không bị xử lý. Lý giải về điều này, ông Ba cho rằng, Cảng vụ Hàng hải không có thẩm quyền xử phạt phương tiện giao thông đường bộ vào cảng mà chỉ có thể chuyển hồ sơ vi phạm cho Thanh tra Sở GTVT Thanh Hóa để xử lý theo quy định. Hơn nữa, do nhân lực mỏng lại phải trải dài trên 7 điểm nên rất khó phát hiện vi phạm.

Theo ông Bùi Thiên Thu, Phó cục trưởng Cục Hàng hải VN, những khó khăn, bất cập trong công tác xử lý xe quá tải tại các cảng sẽ được xem xét để đưa vào Nghị định 93 sửa đổi sắp tới về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa.

Một khó khăn nữa theo ông Ba là lực lượng của cảng vụ không có cân kiểm soát tải trọng, chỉ có thể dựa vào trích xuất dữ liệu từ cân của cảng. Nếu như yêu cầu trích xuất thường xuyên để kiểm tra sẽ bị coi là nhũng nhiễu doanh nghiệp. “Bộ GTVT cần mạnh tay hơn nữa đối với các cảng cố tình vi phạm. Các cảng vi phạm phải bị đình chỉ hoạt động từ 1 - 3 tháng. Có như vậy mới ràng buộc trách nhiệm của các cảng trong kiểm soát tải trọng đường bộ”, ông Ba nói.

Còn theo ông Phạm Huy Toàn, khó khăn hiện nay là cách hiểu và thực hiện kiểm soát tải trọng giữa Thanh tra Sở GTVT với Cảng vụ hàng hải tại cảng biển chưa thống nhất, dẫn đến có sự chênh lệch khối lượng so với khối lượng ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định ATKT&BVMT của phương tiện. Thực tế, các Cảng vụ hàng hải hướng dẫn cảng thực hiện kiểm soát phương tiện ra - vào bốc dỡ hàng hóa tuân thủ theo quy định tại Thông tư số 35/2013 của Bộ GTVT và căn cứ vào dữ liệu ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định ATKT&BVMT của phương tiện để cho phép bốc xếp hàng hóa lên phương tiện. Trong khi đó Thanh tra Sở GTVT hướng dẫn áp dụng cân theo Thông tư số 46/2015 của Bộ GTVT.

Ông Toàn kiến nghị cần có quy trình mẫu trong kiểm soát xử lý xe quá tải vào cảng. Bởi, thực tế hiện nay chưa có sự thống nhất về cách thức kiểm tra của từng cảng, nên hiệu quả không cao.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.