Chất lượng sống

Khóc cạn nước mắt bất lực nhìn cả gia sản bị lũ cuốn trôi

13/10/2017, 20:12

Mưa lũ đi qua ở Thanh Hóa đã làm ít nhất 19 người thương vong, tài sản, nhà cửa bị lũ cuốn trôi.

22471313_1650897508268022_806930665_n

Chị Nguyễn Thị Giang khóc ròng vì áo cá đến kỳ thu hoạch bỗng trôi theo nước lũ

Những ngày qua, người dân Thanh Hóa đang hứng chịu những ngày tồi tệ nhất trong lịch sử 10 năm qua. Đã có ít nhất 14 người chết, 5 người mất tích và hơn 17 nghìn ngôi nhà bị ngập sâu trong nước, hàng nghìn hecta hoa màu bị hư hỏng, ngập úng, hàng chục nghìn hộ dân phải sơ tán.

Ngày 13/10, tuy thời tiết đã ngớt hại mưa nhưng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn đang còn nhiều vùng chìm sâu trong nước lũ. Ở một số nơi sau khi cơn lũ tràn qua, người dân đang gồng mình khắc phục những thiệt hại mà trận lũ để lại.

4

Nước lũ đã làm nhiều ngôi nhà ở huyện Yên Định, Thanh Hóa bị ngập lụt

Đã 2 ngày qua, chị Nguyễn Thị Giang (thôn 2, Xã Yên Giang, huyện Yên Định, Thanh Hóa) khóc cạn nước mắt vì đàn cá vất vả nuôi trồng suốt 2 năm qua đã bị dòng nước lũ cuốn trôi.

Nhìn dòng nước lũ trắng xóa bờ ao, chị Giang nghẹn ngào kể: “Nước sông Hép dâng cao đột ngột khiến gia đình không kịp trở tay. Hơn 3ha ao cá sắp đến vụ thu hoạch bị ngập trắng, cá theo dòng nước ra ngoài hết rồi. Mất trắng hết rồi, giờ thì biết lấy gì mà trả nợ đây”.

“Năm 2015, mong muốn thoát khỏi cảnh nghèo, gia đình cố gắng vay mượn rồi cầm cố cả sổ đỏ được 700 triệu đồng để đầu tư đào ao thả cá. Hai năm qua hai gia đình cố gắng chăm lo cho đàn cá mong rằng một vụ bội thu, cuối năm nay là thu hoạch, ai ngờ cơn lũ vừa rồi cuốn trôi hết rồi”. Chị Giang nói trong tiếng khóc.

Nhìn vợ suy sụp trước mất mát lớn, khiến anh Phạm Trọng Quang (chồng chị Giang) càng thêm xót xa. Suốt hai năm qua anh không quản ngày mưa hay nắng, lam lũ, chăm chỉ làm việc để kiếm tiền trả số nợ ngân hàng mà gia đình đã vay để lập nghiệp. Giờ đây, số nợ ngân hàng còn chưa trả hết, lại cộng thêm khoản tiền lãi mỗi tháng khiến anh sụp đổ.

“Đây là lần đầu tiên tôi làm trang trại. Cả nhà trông chờ vào vụ cá này để trả bớt công nợ. Dự định Tết này sẽ thu hoạch nhưng nay coi như mất trắng. Thật sự tôi chưa bao giờ chứng kiến trận mưa nào lớn như những ngày vừa qua. Nước lên có nơi sâu khoảng 4m, ngoài 3ha ao cá, thì gần 100 lợn thịt cũng bị dòng nước cuốn trôi”. Anh Quang nghẹn ngào.

22365662_235625456966254_1819893565317944981_n

Đàn lợn gần 6.000 con bị chết do mưa lũ

Cách nhà gia đình chị Giang không xa, ông Lê Quốc Tuấn (người dân thị trấn Nông Trường Thống Nhất) cũng đang lao đao. Hơn 30 chục con lợn sắp xuất chuồng bị chết do nước lũ tràn về. “Nước lũ trên sông Hép lên đột ngột quá, chưa bao giờ tôi thấy nước lũ dâng cao mà nhanh như vừa qua. Nước lũ về tràn vào nhà dân, lo thu dọn đồ đưa được lên cao thì không kịp đưa đàn lợn vào nơi trú ngụ”. Ông Tuấn than thở.

Đáng kể hơn, hơn 6.000 con lợn các loại của trang trại thuộc công ty Thái Dương liên kết với Trại giam số 5 (tại thị trấn Nông Trường Thống Nhất, huyện Yên Định) bị dòng nước lũ trên sông Hép nhấn chìm. Ước tính thiệt hại hàng chục tỉ đồng.

Theo báo cáo nhanh từ UBND huyện Yên Định, tính đến 11h ngày 13/10, đã có tổng số 177.530 gia súc gia cầm bị chết (trong đó: Dê 10 con, lợn 5.005 con; gia cầm 172.515 con). Hàng nghìn ha hoa màu bị thiệt hại và nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng nặng.

Nghiêm trọng hơn, 100m đê sông Hép tại xã Yên Giang, huyện Yên Định, làm cho 05 thôn (thôn 4,5,6,7,8) bị ngập, tổng số hộ dân bị ảnh hưởng cần phải di dời khẩn cấp là 601 hộ với 2.450 nhân khẩu (trong đó có 370 người già và trẻ em). Hiện đang được huy động nhân lực, vật tư để xử lý sự cố và hỗ trợ di dời dân.

Đến chiều ngày 13/10, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn đang khẩn trương khắc phục sự cố sau những ngày mưa lũ.

Truyền hình giao thông:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.