Xã hội

Không để dân đơn độc chống cát tặc

06/04/2017, 16:10

Các bến bãi tập kết, kinh doanh, trung chuyển vật liệu xây dựng trên địa bàn TP hầu hết hoạt động tự phát.

12

Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trực tiếp đi khảo sát thực tế hoạt độngkhai thác cát tại huyện Đan Phượng, Hà Nội

Chiều 5/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cùng lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã trực tiếp đi khảo sát thực tế hoạt động khai thác, tập kết cát, sỏi tại 2 cơ sở trên địa bàn huyện Đan Phượng và huyện Phúc Thọ (Hà Nội).

Khó truy cứu trách nhiệm hình sự

Báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm về khai thác cát trái phép tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết, từ 16/11/2015-15/11/2016, Công an TP đã kiểm tra, xử lý 217 vụ, 248 đối tượng và 4 tổ chức; Tạm giữ 246 phương tiện tàu thuyền các loại, 2 máy xúc, tịch thu 5 tàu thuyền. Đáng lưu ý, công an đã xử phạt VPHC hơn 4,4 tỷ đồng.

Liên quan đến các giải pháp Hà Nội đưa ra để xử lý tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cần thực hiện tốt, đặc biệt là việc tổ chức đấu giá các vị trí quy hoạch để khai thác cát, xây dựng bến tạm giữ phương tiện vi phạm, quy hoạch lại các vị trí bến bãi. Cùng với đó, cần có sự giám sát của người dân và có chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Trong 4 tháng đầu năm 2017, Công an TP đã kiểm tra xử lý 85 vụ, 124 đối tượng; tạm giữ 72 phương tiện tàu thuyền các loại; tịch thu 1 thuyền, xử phạt vi phạm hành chính 34 vụ với số tiền hơn 1 tỷ đồng; 36 vụ đang chờ xử lý.

Một số khó khăn trong việc kiểm tra, xử lý được ông Hùng nêu lên là do các tàu thuyền di chuyển từ địa bàn này sang địa bàn khác khi lực lượng chức năng kiểm tra; Việc tạm giữ phương tiện vi phạm gặp khó do nơi để phương tiện quá xa nơi kiểm tra, xử lý; việc tịch thu phương tiện khó thực hiện do các phương tiện này là nơi cư trú của gia đình đối tượng.

Đặc biệt, rất khó truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi khai thác cát trái phép, vì dù Bộ luật Hình sự đã quy định tội phạm vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nhưng chưa có thông tư hướng dẫn như thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng nên không có căn cứ để xử lý. Vì vậy, trong 1 năm qua, TP mới khởi tố hình sự một vụ việc.

Dân tay không, làm sao chống cát tặc?

Đó là băn khoăn của ông Nguyễn Thiện Nhân khi đề cập đến việc cát tặc hoành hành nhưng cơ quan chức năng không xử lý được, đồng thời dẫn chứng về câu chuyện tại một tỉnh Đồng bằng sông Hồng, khi có cát tặc nhưng cơ quan chức năng không xử lý, người dân phải tự tổ chức thành nhóm, thành đội tự vệ ngăn chặn, chiến đấu với cát tặc: “Như thế Mặt trận thấy rất buồn. Mặt trận là cơ quan gần dân nên phải vào cuộc chứ không để dân đơn độc chống cát tặc. Dân thì không thể không làm, vì họ mất đất, bị ảnh hưởng ngày đêm, nhưng dân tay không thì làm sao chống cát tặc”.

Theo Thiếu tướng Đinh Văn Toản, Phó giám đốc Công an TP Hà Nội, do nhu cầu và lợi nhuận thu được từ hoạt động khai thác cát, sỏi rất lớn nên các hoạt động khai thác trái phép, sai phép diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, xử lý. Theo ông Toản, trên địa bàn hiện có 226 bến bãi, trong đó 87 bến bãi có cơ sở pháp lý về đất đai, 151 bến bãi không được phép hoặc cấp phép sai thẩm quyền... Qua kiểm tra, các bến bãi tập kết, kinh doanh, trung chuyển vật liệu xây dựng trên địa bàn TP hầu hết đều hoạt động tự phát, không nằm trong quy hoạch của thành phố; không có cam hết hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường, một số bãi chứa đều chất tải cao quá mức quy định...

Về tình hình hoạt động khai thác cát trái phép, qua công tác điều tra, Công an xác định trên địa bàn thành phố có 82 tụ điểm hoạt động khai thác cát diễn ra phức tạp, tập trung chủ yếu tại Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng...

Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN Trần Văn Thọ cho biết, trên địa bàn TP hiện còn 6 dự án nạo vét. Ngày 14/3, cũng đã cho tạm dừng, đến khi nào lắp đặt, kết nối thiết bị giám sát xong thì mới được tiếp tục. Cục đã xây dựng quy chế phối hợp cùng quản lý các dự án nạo vét tận thu và các mỏ cát. Theo đó, để được chấp thuận thì các phương tiện phải có đăng kiểm, người điều khiển có chứng chỉ, chuyên môn, khi nạo vét phải treo biển để phân biệt phương tiện trong hay ngoài dự án. Ông Thọ cũng cho biết, Thông tư 69 quy định trình tự, thủ tục cấp phép các hoạt động khai thác tận thu sẽ được sửa theo hướng đấu thầu công khai các vị trí bến bãi, tập trung phối hợp trong quản lý giám sát hoạt động của doanh nghiệp. “Mục đích cao hơn là cho xây dựng nghị định quản lý về lĩnh vực này, quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, tránh chồng chéo và tạo ra kẽ hở”, ông Thọ nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.