Thời sự

Không để tòa cấp trên phải hủy án vi phạm giao thông

10/12/2018, 06:30

Để không còn tình trạng tòa cấp dưới xử sai, cấp trên phải xử lại, TAND Tối cao sẽ triển khai nhiều giải pháp...

1

Hiện trường vụ tài xế container suýt chẹt chết Thượng úy CSGT Hà Tĩnh (ảnh lớn); Tài xế container Phan Thành Hưng lao xe vào chiến sĩ CSGT đã bị xử tội "giết người" thay vì xử theo tội “chống người thi hành công vụ” như trước đây (ảnh nhỏ) - Ảnh: Sỹ Hòa

Ủy ban ATGT Quốc gia vừa ký hợp tác với TAND Tối cao về việc truyền thông đảm bảo trật tự ATGT thông qua các bản án. TAND Tối cao cũng vừa công bố án lệ vụ tài xế xe container đâm Thượng úy CSGT tại Hà Tĩnh tội "giết người", thay vì tội "chống người thi hành công vụ" như trước đây. Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó chánh án TAND Tối cao trả lời phỏng vấn Báo Giao thông xung quanh việc xét xử những vụ án vi phạm giao thông.

Có những quy định chưa bắt kịp thực tế cuộc sống

Thời gian qua, dư luận đặc biệt quan tâm tới bản án của TAND tỉnh Thái Nguyên xét xử vụ xe container đâm Innova đi lùi trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Sau đó, TAND cấp cao Hà Nội phải hủy 2 bản án của TAND tỉnh này điều tra lại. Để không lặp lại những vụ việc tương tự, ngành Tòa án cần phải làm gì, thưa bà?

Để không còn tình trạng Tòa cấp dưới xử sai, cấp trên phải hủy xử lại, TAND Tối cao sẽ triển khai nhiều giải pháp đảm bảo xét xử chính xác, đúng pháp luật, đảm bảo công bằng như: Tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật. Hiện, mỗi tháng, TAND Tối cao đều tập huấn trực tuyến trong cả nước với 800 điểm cầu trong hệ thống Tòa án cả nước. Qua công tác xét xử, ngành Tòa án tổng kết, đúc rút thành những bài học hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong cả nước.

Những quy định pháp luật ở trên giấy, trong khi thực tế cuộc sống lại rất đa dạng, phong phú, nảy sinh nhiều cái mới. Nếu căn cứ vào pháp luật sơ cứng sẽ không có bản án đúng. Vì vậy, điều quan trọng là thẩm phán cần có nhiều kiến thức xã hội để bổ trợ cho quy định pháp luật. Bên cạnh đó, hàng năm, mỗi thẩm phán phải có 1-2 phiên tòa rút kinh nghiệm với sự góp ý của đồng nghiệp để nâng cao kỹ năng xét xử cũng như trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Qua công tác xét xử, ngành Tòa án phát hiện những quy định pháp luật không còn phù hợp hay “lỗ hổng” sẽ kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền khắc phục. Ví dụ, vụ xe container đâm Innova đi lùi trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đang có cách hiểu khác nhau về giữ khoảng cách an toàn giữa 2 xe. Tuy đã có quy định về giữ khoảng cách giữa các xe, nhưng lại chưa có quy định khoảng cách đó phải là 2 xe chạy cùng chiều nên việc xét xử có thể có điểm chưa chính xác.

Vậy theo bà, đâu là khó khăn khi xét xử các vụ án liên quan đến TNGT?

Khó khăn nhất trong xét xử các vụ án TNGT là phụ thuộc nhiều vào chứng cứ và việc giám định. Nếu chứng cứ, giám định và kết luận điều tra chuẩn xác sẽ giúp cho công tác xét xử chính xác hơn. Pháp luật của chúng ta dù đã dần được hoàn thiện, nhưng so với sự phát triển và hiện đại hóa của phương tiện giao thông, những hành vi vi phạm có sự thay đổi nên có những quy định của pháp luật chưa bắt kịp với thực tế cuộc sống.

2

Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó chánh án TAND Tối cao

Xe to có phải đền xe nhỏ?

Có thực tế hiện nay sau khi xảy ra TNGT, gần như mặc nhiên là lỗi thuộc về xe lớn và xe lớn phải đền cho xe nhỏ, ví dụ người đi ô tô phải đền cho xe máy, xe đạp. Quan điểm của bà về vấn đề này?

Khi xác định kết tội, truy trách nhiệm vi phạm không phụ thuộc vào xe to hay nhỏ mà được căn cứ vào vi phạm quy định nào về ATGT. Thẩm phán căn cứ vào vi phạm và quy định pháp luật nào đã bị xâm phạm để xác định vi phạm. Trong quy định pháp luật không có quy định xe to phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Mấu chốt là hành vi của người tham gia giao thông có vi phạm pháp luật hay không; thiệt hại xảy ra có từ hành vi vi phạm và lỗi dẫn đến thiệt hại không, khi đó sẽ phải chịu trách nhiệm. Tùy theo mức độ vi phạm cơ quan có thẩm quyền xử lý có thể là hình sự, hành chính hay dân sự. Nếu ô tô đi đúng đường, chẳng may va chạm với người đi bộ đi sai luật, người đi ô tô không có lỗi.

Hiện, có nhiều vụ TNGT xảy ra hai bên thường tự thỏa thuận. Bà có nhận xét gì về việc làm này?

Ở góc độ dân sự, hai bên có thể thỏa thuận với nhau khi xảy ra TNGT. Thế nhưng, khi vi phạm ATGT tới mức độ phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì không thể thỏa thuận được. Khi đó, Tòa án sẽ xử về tội hình sự. Khi chủ phương tiện vi phạm ATGT, lái xe đâm chết người, không thể không truy tố để xét xử. Người lái xe khi đó không thể thỏa thuận để thoát tội kể cả có sự đồng thuận của người bị hại bãi nại cho chủ phương tiện vi phạm gây tai nạn.

Thời gian qua, ngành Tòa án đã xét xử nhiều vụ án TNGT, gần đây nhất TAND Tối cao đã ban hành một án lệ. Trước đây, những hành vi lái xe tông xe thẳng vào CSGT, Tòa thường xử với tội danh "Chống người thi hành công vụ", với án lệ gần đây, TAND Tối cao xử với tội "Giết người".

Tới đây, những vụ tương tự sẽ xử tội "Giết người" với khung hình phạt nghiêm khắc hơn. TAND Tối cao sẽ tiếp tục nghiên cứu có những án lệ vi phạm ATGT và sẽ lồng ghép với công tác tuyên truyền. Những bản án có hiệu lực của Tòa án các cấp sẽ được công khai trên phương tiện truyền thông.

Tuyên truyền ATGT thông qua bản án

Bà có thể cho biết vai trò của Tòa án trong xét xử các vụ TNGT sau khi TAND Tối cao và Ủy ban ATGT Quốc gia ký kết chương trình phối hợp thông tin tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT?

Sau khi chương trình được ký kết, TAND Tối cao sẽ có kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó sẽ chỉ đạo TAND các cấp từ Tòa cấp cao đến cấp tỉnh, huyện.

Qua công tác xét xử các vụ TNGT, Tòa các cấp phải lồng ghép tuyên truyền phổ biến pháp luật cho các đương sự. Sau khi xét xử phải công bố những bản án đã có hiệu lực về vi phạm trật tự ATGT trên các phương tiện truyền thông để mọi người qua tiếp cận những bản án như vậy sẽ rút ra những bài học cho bản thân khi tham gia giao thông. Đồng thời, cũng là bài học cho người khác phải nghiêm chỉnh chấp hành ATGT và phải có giải pháp phòng ngừa, nếu chẳng may gây ra tai nạn phải ứng xử thế nào, nếu trốn chạy bỏ mặc người bị tai nạn hậu quả phải gánh chịu sẽ nặng nề hơn.

Kết quả xét xử những vụ án TNGT được đúc kết lại để tuyên truyền sẽ giúp người dân nâng cao ý thức khi tham gia giao thông. Khi TNGT giảm, chắc chắn việc của Tòa án cũng sẽ ít đi, giảm được áp lực quá tải đối với hệ thống TAND hiện nay. TAND Tối cao cũng sẽ tập huấn những kỹ năng, kiến thức về những vụ việc TNGT làm sao để qua xét xử sẽ nghiêm trị những hành vi vi phạm ATGT, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân TNGT cũng như gia đình họ. Điều quan trọng qua đó giúp tuyên truyền cho người dân thấy, với một hành vi vi phạm như thế sẽ phải chịu hậu quả pháp lý thế nào, đối diện với bồi thường thiệt hại, phải đối diện với tù tội ra sao. Việc tổ chức thi hành bản án đã có hiệu lực liên quan đến nhiều Bộ, ngành nên TAND Tối cao sẽ tăng cường phối hợp để chương trình phối hợp có sức lan tỏa trong cộng đồng.

Cảm ơn bà!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.