Bên lề

Không dung dưỡng cái ác trên sân cỏ

08/03/2017, 15:33

Những ngày qua, thông tin khiến người hâm mộ bóng đá Việt Nam buồn nhất chính là tiền vệ Trần Anh Khoa...

bao-anh-noi-ve-v-league

V-League đang diễn ra gay cấn. Ảnh minh họa

Không buồn sao được khi Anh Khoa mới chập chững lên chơi chuyên nghiệp gần hai mùa giải và được đánh giá là một trong những tài năng triển vọng của đội bóng sông Hàn. Càng buồn hơn, việc Anh Khoa phải nói lời từ giã sự nghiệp là hậu quả do một cầu thủ khác gây ra. Ngày 13/9/2015, cái ngày Anh Khoa đón nhận cú vào bóng bằng gầm giày cả hai chân của Quế Ngọc Hải chắc chắn sẽ hằn sâu trong tâm trí tiền vệ xứ Quảng.

Khoa nói anh đã quên mọi chuyện và tha thứ cho Ngọc Hải, nhưng người viết cảm thấy câu chuyện buồn này cần phải nhắc lại. Nhắc để các cầu thủ biết giữ gìn “nồi cơm” cho nhau như lời nhắn nhủ của Khoa trong ngày quyết định treo giày. Ngoài ra, nhắc để thấy ở V-League còn tồn tại cái ác. Khiến một giấc mơ vụt tắt khi vừa hé sáng rõ ràng là ác.

Bóng đá là môn thể thao đối kháng, không thể tránh va chạm nhưng va chạm không có nghĩa là triệt hạ đối phương. Vì bản chất của bóng đá vốn fair-play. Bóng đá thậm chí còn được tôn vinh như công cụ kết nối thế giới. Như vậy, bóng đá khó lòng dung dưỡng cho cái ác dù ở mức độ manh mún. Nhiều người chỉ trích thậm tệ cầu thủ người Nghệ An, nhưng nếu nhìn cách Hải nhiều lần bật khóc sau thất bại, không thể nói trung vệ này ác.

Thực ra, ranh giới giữa thiện - ác trong cuộc sống vốn mong manh, trong bóng đá cũng vậy. Vào bóng quyết liệt nhưng chỉ cần thiếu kiềm chế và hiểu biết sẽ lập tức trở thành bạo lực. V-League từ lâu vẫn bị coi là sàn đấu võ, bởi mùa nào cũng chứng kiến những pha phạm lỗi ghê rợn. Tình trạng này xuất phát từ việc giáo dục, uốn nắn lỏng lẻo của các CLB đối với cầu thủ.

Trước khi trở thành cầu thủ giỏi, bạn phải là một người tốt. Đó là triết lý đào tạo cầu thủ trẻ ở những nền bóng đá phát triển. Tại Việt Nam, đại đa số các CLB chỉ chú trọng tới việc uốn nắn những kỹ năng trên sân bóng. Cũng chính bởi vậy, không chỉ có “đặc sản” bạo lực, V-League còn chứng kiến nhiều sự cố bi hài liên quan đến nhận thức của cầu thủ, vụ việc Long An “đình công” ở vòng 6 V-League là minh chứng rõ ràng nhất.

Đã bắt được bệnh, toa thuốc cũng không khó nhìn ra, nhưng làm sao để các đội bóng thay đổi tư duy làm bóng đá vốn tồn tại lâu nay là điều chẳng dễ dàng. Thế nên, bạo lực, nghiêm trọng hơn là cái ác vẫn luôn tiềm ẩn trong đời sống bóng đá Việt Nam.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.