Chính trị

Không dùng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu

08/06/2017, 06:35

Các ĐBQH nhất trí quy định bổ sung nguyên tắc không sử dụng ngân sách Nhà nước xử lý nợ xấu.

7

ĐB Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT VietinBank phát biểu thảo luận

Thảo luận dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sáng 7/6, nhiều ĐBQH thống nhất quan điểm nợ xấu đang gia tăng nhanh nên cần cơ chế tháo gỡ để xử lý dứt điểm “cục máu đông” này. Đồng thời, nhất trí quy định bổ sung nguyên tắc không sử dụng ngân sách Nhà nước xử lý nợ xấu.

ĐB Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) cho rằng, việc thu hồi tài sản bảo đảm trong xử lý nợ xấu rất khó khăn. Việc thi hành án dân sự còn có nhiều trường hợp bị thu hồi tài sản quay ra tấn công lại lực lượng thi hành án. Từ thực tế đó, dự thảo Nghị quyết cần quy định rõ, tổ chức tín dụng khi thu hồi tài sản đảm bảo sẽ tự làm hay được thuê lực lượng khác thu hồi.

Trong khi đó, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) nhấn mạnh, xử lý tài sản đảm bảo cần hài hòa lợi ích giữa một bên là tổ chức tín dụng, một bên là người có tài sản bị thu giữ. Nếu quy định thời gian thu giữ “10 ngày sau khi có thông báo” như dự thảo Nghị định nêu, bà Mai cho rằng quá ngắn, vì thế cần kéo dài thời gian này.

ĐB Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) đề nghị bổ sung vào dự thảo nguyên tắc không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ làm rõ trách nhiệm những tổ chức cá nhân có vi phạm trong xử lý nợ xấu. Đồng tình rằng mua bán nợ xấu cần theo giá thị trường nhưng vị ĐB này nhấn mạnh tiêu chí phải công khai, minh bạch.

Cho rằng còn nhiều cơ chế gợi mở, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) kiến nghị dự thảo Nghị quyết cần quy định chặt chẽ, tránh đưa ra cơ chế quá mở khiến người dân lầm tưởng Quốc hội tạo ra cơ chế độc quyền, đặc quyền cho các tổ chức tín dụng.

Giơ biển xin tranh luận, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) nói muốn “hiến kế” hướng xử lý nợ xấu nhanh nhất. Bà đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần sớm có báo cáo chi tiết địa chỉ tổ chức, cá nhân đang gây ra nợ xấu, để trên cơ sở đó Quốc hội sẽ xem xét, xử lý. “Tổ chức cá nhân nào có nợ xấu do thiên tai, bão lũ thì Quốc hội xem xét xóa nợ. Nhưng nợ do tham nhũng thì phải truy tận gốc, tận ngọn. Thậm chí, những ai gây nguy hiểm cho xã hội, làm thất thoát tài sản Nhà nước thì phải xử lý hình sự”, bà Khánh nói.

Từ năm 2011 - 2016, theo thống kê của Bộ Công an, các cơ quan điều tra của Bộ Công an, không bao gồm công an các địa phương, đã phát hiện và khởi tố điều tra 95 vụ án kinh tế xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng và đã khởi tố bị can khoảng gần 200 cán bộ ngân hàng. Riêng AgriBank, từ năm 2013 đến nay, đã xử lý trách nhiệm 352 cán bộ. Đặc biệt, trong giai đoạn tái cơ cấu vừa qua đã khởi tố điều tra 65 vụ án tại ngân hàng này, xử lý hình sự 122 cán bộ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.