Vận tải

Không phạt lấn làn, buýt nhanh sẽ thành buýt thường

06/02/2017, 07:18
image

Việc e dè chưa phạt phương tiện lấn làn sẽ hãm đà tăng trưởng, biến buýt nhanh thành buýt thường.

3

Buýt nhanh BRT sẽ phát huy hiệu quả khi được đảm bảo chạy trên làn đường riêng

Khách đi buýt nhanh đông gấp 8 lần

7h30 sáng 3/2, có mặt trên xe buýt nhanh BRT BKS 29B-153.38, ghi nhận của PV Báo Giao thông, xe đã đầy ứ khách. Nhân viên phụ xe cho biết, khách đi buýt nhanh khá đông, nhất là vào giờ cao điểm. Từ đầu Kim Mã, chỉ đi đến nhà chờ thứ 2, thứ 3 như: Giảng Võ, Láng Hạ là xe đã kín khách. “Khách lên tại điểm đầu Kim Mã thường đông nhất, kế đó là các nhà chờ Giảng Võ, Vũ Ngọc Phan, Hoàng Đạo Thuý, Nguyễn Tuân và điểm cuối Yên Nghĩa”, nhân viên này nói.

Anh Bùi Văn Hải - một hành khách trên xe cho biết, từ ngày có buýt nhanh, anh không đi xe máy đi làm nữa. “Nhà ở Giang Văn Minh nhưng tôi đi làm tận trong La Khê (Hà Đông). Trước kia đi xe máy xa xôi, bụi bặm. Giờ có buýt nhanh đi rất thuận tiện. Giờ đang miễn phí, sau này mất tiền vé tôi vẫn đi. 7.000 đồng quá rẻ. Bây giờ đã tiện rồi nhưng đến mùa hè, khi mặt đường có lúc 40–50 độ C mà đi buýt nhanh mát rượi mới thấy sướng thế nào”, anh Hải nói thêm.

"Về lâu dài, muốn BRT thành công, chỉ riêng ngành Giao thông thôi chưa đủ, phải xác định giao thông chỉ giải quyết phần ngọn, còn phần gốc vẫn phải là đô thị. Nên chăng, thành phố chỉ cho đô thị phát triển ở mật độ cao hơn ở những khu vực xung quanh ga BRT, ga đường sắt đô thị. Ngược lại, những phần xa ga BRT, ga đường sắt thì quản lý xây dựng với mật độ dân số thấp hơn, như vậy mới tạo nguồn khách cho GTCC. Phải quản lý quy hoạch đô thị, lấy giao thông công cộng làm trung tâm”.

TS. Phan Lê Bình
chuyên gia JICA

Tỏ ra khá phấn khởi với hoạt động của buýt nhanh BRT trong tháng đầu tiên vận hành, ông Nguyễn Thuỷ, Giám đốc Xí nghiệp Xe buýt nhanh Hà Nội (TCT Vận tải Hà Nội – Transerco) cho biết, trong tháng đầu tiên, tuyến buýt Kim Mã – Yên Nghĩa đã thực hiện gần 9.400 lượt xe với tổng lượng khách vận chuyển đạt gần 376 nghìn lượt.

“Tuyến BRT đi vào hoạt động đã vận hành đúng phương án, đảm bảo chất lượng dịch vụ, an toàn, thu hút đông đảo hành khách sử dụng dịch vụ và bước đầu đã có hiệu quả”, ông Thuỷ nói và cho biết thêm, hành khách có những đánh giá tích cực, thiện cảm hơn với phương tiện công cộng. Ý thức người tham gia giao thông trên tuyến được cải thiện. Đa số các phương tiện đã chủ động không đi vào làn đường của tuyến BRT.

Trao đổi với Báo Giao thông, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải cho biết, chất lượng dịch vụ của buýt nhanh cao và có sự khác biệt rõ rệt so với xe buýt thường, thân thiện với người sử dụng nên thu hút được đa dạng đối tượng hành khách. “Sản lượng hành khách của tuyến BRT trong tháng đầu hoạt động khá cao và vẫn có xu hướng tăng. Đến nay, lượng hành khách sử dụng BRT/ngày cao gấp hơn 8 lần so với tuyến BN (Yên Nghĩa - Kim Mã) thử nghiệm theo lộ trình tuyến BRT trước đó”, ông Hải tiết lộ.

Cũng theo ông Hải, kết nối của tuyến BRT với mạng lưới xe buýt hiện có khá tốt, thuận lợi cho hành khách sử dụng phương tiện công cộng, gần như toàn bộ các tuyến đường ngang đều có xe buýt kết nối với tuyến BRT.

Xem thêm video:

Vẫn e dè chưa phạt lấn làn

Không phủ nhận hiệu quả của tuyến BRT đầu tiên này, song theo khảo sát của PV, không phải là không còn bất cập, đặc biệt là với các dịch vụ cung cấp cho người khuyết tật. Dù được quảng cáo thân thiện với người khuyết tật khi mặt sàn xe ngang bằng với nhà chờ… tuy nhiên tại không ít nhà chờ, người khuyết tật rất khó tiếp cận, thậm chí là không thể nếu không nhờ tới sự giúp đỡ của những hành khách khác. Thực tế, đến thời điểm này, hơn một tháng sau khi chính thức hoạt động, tại hầu hết các nhà chờ có cầu đi bộ, mặc dù chủ đầu tư đã thiết kế lối vào nhà chờ riêng cho người khuyết tật sau vạch trắng băng qua đường, song không tạo đường dốc nên hành khách đi xe lăn không thể tự mình lên nhà chờ.

Liên quan đến hoạt động của buýt nhanh, TS. Phan Lê Bình, chuyên gia JICA cho rằng, vấn đề quan trọng của buýt nhanh hiện nay chính là làn đường dành riêng. “Khi có phương tiện không được ưu tiên đi vào làn dành riêng, buýt nhanh sẽ khó đảm bảo được lịch trình, từ đó sẽ không đảm bảo được tính ưu việt của giao thông công cộng”, ông Bình nói và cho biết thêm, thời điểm này, việc lấn làn chưa tác động quá nhiều đến hoạt động của buýt nhanh, tuy nhiên, về lâu dài sẽ ảnh hưởng không tốt đến ý thức kỷ luật của người dân.

Cho rằng việc chính quyền chần chừ chưa xử phạt nghiêm tình trạng lấn làn là có phần e dè và hơi mang tính “thăm dò”, song theo ông Bình: “Khi quyết định lập làn dành riêng cho buýt nhanh, rất nhiều người hoài nghi về khả năng thành công, bởi giao thông quá hỗn loạn, quá nhiều phương tiện trộn làn nên trước khi triển khai không ai dám nói chắc. Tuy nhiên, khi dư luận có chuyển biến tính cực, ủng hộ nhiều hơn, cơ quan chức năng cần làm mạnh tay hơn. Nếu cứ mãi e ngại phản ứng trái chiều từ xã hội, không triệt để thực hiện làn dành riêng, buýt nhanh sẽ chẳng khác gì buýt thường”.

TS. Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết: “Muốn BRT hiệu quả hơn, cần triển khai một loạt giải pháp, trong đó, việc quy hoạch hướng tuyến và điểm đầu cuối, tổ chức giao thông hợp lý, tăng cường kiểm tra giám sát xử lý vi phạm trên làn BRT, ứng dụng các công nghệ tích hợp thẻ vé thông minh, ứng dụng giao thông thông minh để khai thác vận hành BRT, truyền thông, đặc biệt là việc tổ chức giao thông tiếp cận và trung chuyển giữa BRT với các phương thức vận tải khác”.

TS. Phan Lê Bình bổ sung, vấn đề quan trọng là sau khi xuống tuyến xe buýt BRT, hành khách sẽ chuyển đổi phương tiện thế nào. “Cơ quan chức năng có thể bố trí xe điện chạy miễn phí để đưa đón khách, kết nối tuyến buýt khác cho phù hợp và thêm hấp dẫn người dân”, ông Bình nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.