Thế giới giao thông

Không quân Mỹ “chảy máu” phi công vì lương thấp

20/05/2019, 07:47

Giữa bối cảnh hàng không thế giới phát triển như vũ bão kéo theo thiếu hụt phi công trầm trọng, Mỹ - một trong những thị trường hàng không...

img
Trong bối cảnh thiếu hụt phi công, Không lực Mỹ cũng gặp khó khăn (ảnh minh họa)

Giữa bối cảnh hàng không thế giới phát triển như vũ bão kéo theo thiếu hụt phi công trầm trọng, Mỹ - một trong những thị trường hàng không bận rộn nhất thế giới không thoát khỏi cảnh khan hiếm nhân sự bay. Các hãng hàng không thương mại dùng đủ chiêu bài săn phi công, kể cả lôi kéo phi công quân sự, đẩy Không lực Mỹ rơi vào cảnh khủng hoảng nhân sự.

Thiếu phi công kỷ lục

Tại Mỹ, theo Cục Hàng không Liên bang, nếu như năm 1987, Mỹ có khoảng 827.000 phi công thì trong hơn 3 thập kỷ qua, con số này giảm 30%.

Nguyên nhân chính là do rất nhiều phi công đồng loạt đến tuổi về hưu trong khi tỉ lệ phi công mới ra trường nhỏ giọt, không kịp lấp chỗ trống. Chưa kể, tốc độ phát triển hàng không tăng vùn vụt vì các hãng giá rẻ nở rộ. Từ năm 2007-2017, hàng không Mỹ tăng trưởng 15%, do đó tình trạng khan hiếm phi công ngày càng trầm trọng.

Hậu quả nhãn tiền là rất nhiều hãng phải cắt giảm số chuyến và tuyến bay. Mới đây nhất, đầu tháng 5 này, Hãng hàng không Via Airlines của Mỹ đã cắt giảm phần lớn số tuyến bay vì thiếu người lái.

Chẳng hạn, tuyến Austin-Birmingham bị cắt từ 4 chuyến/tuần xuống còn 2 chuyến/tuần. Dự kiến, tình trạng này còn kéo dài trong suốt mùa hè - thời điểm bùng nổ du lịch.

Trước đó, đầu năm nay, Hãng hàng không California Pacific phải tạm ngừng hoạt động vì thiếu phi công lành nghề. Trước nữa, hãng Great Lakes Airlines cũng dừng bay vì lý do tương tự.

Để lấp chỗ trống, các hãng hàng không thương mại ra sức hút nhân sự của Không lực Mỹ và đó chính là một trong những nguyên nhân chính đẩy lực lượng này tới bờ vực khủng hoảng.

Theo CNN, lực lượng Không quân Mỹ dự đoán, đến năm 2022, họ sẽ thiếu hụt 2.000 nhân sự điều khiển máy bay, với hơn một nửa là phi công lái chiến cơ - mức kỷ lục ở thời bình.

Nghiên cứu của cơ quan cố vấn chính sách phi lợi nhuận của Mỹ RAND Corporation (Research ANd Development) chỉ ra, trong khi các hãng hàng không thương mại lớn không ngừng tuyển dụng nhân viên từ năm 2012 thì trong cùng thời điểm, số lượng phi công của Không lực Mỹ lại giảm khoảng 23%.

img
Phi công quân sự (ảnh minh họa)

Giành giật khốc liệt với hàng không thương mại

Thiếu tướng William Gayler, Chỉ huy Trung tâm xuất sắc Hàng không Quân đội Mỹ cho biết: “Gần như toàn bộ các cơ quan quân đội của chúng tôi đã và đang chứng kiến rất nhiều phi công lành nghề nhảy việc sang các hãng hàng không thương mại”.

Theo ước tính của hãng sản xuất máy bay Boeing (Mỹ), số lượng hành khách chọn hàng không làm phương tiện di chuyển dự báo tăng từ 4,1 tỷ lượt người/năm lên 7,8 tỷ lượt vào năm 2036, do đó sẽ cần thêm 41.000 tàu bay. Để đáp ứng tốc độ tăng trưởng đó, thế giới cần 790.000 phi công mới.

Tại châu Á, dự báo lượng khách đặt chân lên máy bay sẽ tăng tới 4 tỷ lượt và các hãng cần phải mua thêm 15.000 tàu bay và tuyển 261.000 phi công mới. Còn với Việt Nam, ước tính, hàng không sẽ tăng trưởng 10% và dự kiến đến năm 2030 có 250 tàu bay.

Trước bối cảnh khan hiếm phi công, các hãng hàng không trong khu vực tại Mỹ ra sức tuyển nhân sự với những điều kiện béo bở như lương cao, thưởng hấp dẫn, hỗ trợ chi phí đào tạo.

Ví dụ, trong khi lương của phi công Delta Airlines là 225,984 USD/năm thì lương của phi công Không lực chỉ khoảng 107,931 USD.

Chưa kể, phi công quân sự không cần quá nhiều điều kiện để có thể điều khiển máy bay thương mại, chỉ cần ít nhất khoảng 90 ngày đào tạo bổ sung, theo hãng Reuters.

Việc đi hay ở là quyền của mỗi cá nhân nên dù là lực lượng quân đội, Không lực Mỹ cũng khó có thể giữ chân phi công nếu như điều kiện làm việc kém hấp dẫn hơn các hãng bay thương mại.

Do đó, lực lượng này dự định tăng lương và tiền thưởng cho phi công để ngăn chặn “chảy máu” nhân sự. Năm ngoái, Quân đội Mỹ bắt đầu đưa ra chính sách thưởng lên tới 35.000 USD đối với những phi công có kinh nghiệm.

Song, theo ông Gayler, việc tăng thưởng chỉ là giải pháp ngắn hạn. Ông cho rằng, nếu muốn giữ chân nhân sự cấp cao, lực lượng này cần phải tăng lương. Lương bay hàng tháng cho một phi công không lực mỹ là 840USD. Và “đây là thời điểm phải điều chỉnh”, ông Gayler nói.

Vị Thiếu tướng Mỹ đề xuất bổ sung thưởng cho các phi công thực hiện được tổng số dặm bay đáng kể. Ngoài ra, Không lực Mỹ còn đề nghị tăng trách nhiệm phục vụ lực lượng đối với phi công mới từ 6 lên 8 năm.

Dù số tiền tăng lương, thưởng mà Không quân Mỹ có thể phải chi ra để giữ chân nhân viên rất lớn nhưng vẫn thấp so với thiệt hại mà lực lượng này phải gánh chịu nếu mất phi công. Bởi họ đã phải chi rất nhiều tiền để đào tạo.

Nghiên cứu gần đây do RAND thực hiện cho thấy, chi phí đào tạo phi công F-16 là từ 5,6 triệu USD và 10,9 triệu cho phi công chiến cơ F-22.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.