Thời sự

Không thể chống tham nhũng nếu chỉ xử một vài vụ việc

21/12/2018, 06:33

Đó là một thực tế được nêu ra trong buổi Tọa đàm về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) tại Việt Nam...

7

Ông Nguyễn Văn Kim, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) phát biểu tại buổi tọa đàm

Khó truy nguồn gốc tài sản quan chức

Ông Nguyễn Văn Kim, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) nhận định, trong công cuộc đấu tranh PCTN, ngoài phát hiện, xử lý thì việc quan trọng hơn cả là tìm ra nguyên nhân, gốc rễ. Thay vì xử lý từng cá nhân liên quan, cần tìm lỗ hổng về cơ chế chính sách để có điều chỉnh vĩ mô, chứ theo đuổi từng vụ việc chỉ đáp ứng yêu cầu trước mắt, vì vi phạm có ở mọi nơi.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) thông tin thêm, hiện nay, Chính phủ đang xây dựng văn bản chỉ thị tăng cường giải pháp chống tham nhũng vặt, trong đó nhấn mạnh tăng cường tiếp nhận, giải quyết tin báo qua đường dây nóng, làm sao tiếp nhận kịp thời tin báo của người dân, DN về sự nhũng nhiễu của người có chức vụ quyền hạn.

Ngay trong việc xử lý cán bộ, theo ông Kim, cốt lõi phải dựa vào thước đo là quy định của pháp luật để xác định cán bộ có phạm tội hay không, từ đó xử lý theo luật. Nhắc đến Luật PCTN sửa đổi vừa được thông qua, ông Kim đề cập đến quy định về xử lý tài sản không giải trình rõ nguồn gốc và bày tỏ sự nuối tiếc vì cho đến phút chót, vấn đề này chưa được như mong muốn.

Ông cũng cho biết thực tế hiện nay, số người giàu trong xã hội được chia làm nhiều đối tượng. Bên cạnh những người làm DN, những người dân nỗ lực phấn đấu, số còn lại là quan chức. Và nguồn gốc giàu cũng xuất phát từ nhiều hoạt động khác nhau, có hoạt động minh bạch, nhưng cũng có nhiều quan chức “giàu nhanh không rõ lý do”. Dù thông tin phản ánh về khối tài sản của các quan chức này không ít, nhưng để chứng minh được khối tài sản này của họ lại không dễ.

Bên cạnh đó, tài sản của công dân cũng chưa được quản lý hiệu quả nên những giao dịch, dịch chuyển liên quan tài sản, những bất minh trong hoạt động kinh tế, dân sự đều chưa xử lý được. Nguyên nhân thứ hai, do nền kinh tế sử dụng tiền mặt vẫn đang chiếm tỷ lệ rất lớn. Dòng tiền giao dịch trong xã hội chủ yếu là tiền mặt nên khó kiểm soát. “Dù có Luật Chống rửa tiền nhưng để khẳng định đâu là tiền sạch, đâu là tiền có vấn đề rất khó”, ông Kim chia sẻ.

Kê khai tài sản rồi “cất đi”, PCTN sẽ thất bại

Ông Cung Phi Hùng, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Thanh tra Chính phủ) cho rằng, phải thẳng thắn nhìn vào giải pháp PCTN của Việt Nam hiện nay. Tham nhũng không thuyên giảm mà có phần gia tăng, minh chứng là thời gian qua rất nhiều vụ án lớn xảy ra. Trước hết là về kê khai tài sản, chúng ta quy định cán bộ hàng năm vẫn kê khai nhưng kê khai xong lại gửi Vụ Tổ chức cán bộ ở cơ quan đó rồi “cất đi”, có chăng cũng chỉ công khai ở cơ quan đơn vị và hầu như không ai đọc. “Việc kê khai và không kiểm soát được thì PCTN đã thất bại”, ông Hùng nói.

Ông cũng đặt ra nhiều câu hỏi dành cho cố vấn khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương về PCTN Francesco Checchi để so sánh các giải pháp PCTN của Việt Nam và các nước khác.

Giải đáp một số vấn đề này, ông Francesco Checchi cũng thừa nhận kê khai, kiểm soát tài sản là vấn đề rất rộng và khó. Đánh giá cơ chế kê khai tài sản của Việt Nam khá tốt, nhưng ông Checchi cho rằng, kê khai tài sản hiện nay chưa có phân tích về xung đột lợi ích, chưa có báo cáo về những khả năng có thể xảy ra xung đột lợi ích. Đặc biệt, kê khai tài sản mới chỉ tập trung vào thu nhập, nên có thể bổ sung một số yếu tố cần thiết khác.

Về bảo vệ những người cung cấp thông tin tố cáo tham nhũng, theo ông Checchi, vấn đề này không chỉ có ở Việt Nam mà các quốc gia khác đều như vậy, đặc biệt tố cáo tham nhũng ở nơi làm việc đều lo ngại bị trù úm. Vì thế, cần có quy định của các cơ quan, tổ chức để giúp mọi người tự tin hơn khi tố cáo về tham nhũng, hối lộ. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.