Chuyện dọc đường

Không về quê ngày Tết, thì sao?

25/01/2019, 07:49

Tôi đã từng thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ với bạn bè, đồng nghiệp của mình, câu hỏi rất đơn giản, anh/chị thích Tết hay không?

img
Xuân về, ngập tràn các quảng cáo Tết đoàn viên

Kết quả nhận được tương đối bất ngờ, số người chán Tết, ghét Tết, sợ Tết chiếm tới gần 2/3.

Tại sao lại sợ Tết, là bởi những áp lực rất lớn đến từ gia đình, họ mạc, cấp trên... Nếu không lo chu toàn được cái Tết với thịt gà, măng miến, mọc nhĩ, giò chả, bánh chưng, không có tiền mừng tuổi, biếu xén, không đi thăm nom, chúc Tết được ai đó, họ sẽ bị đánh giá, nhận xét là “không tình cảm”, không biết quan tâm…

Hoặc đơn giản hơn, nếu Tết đến nhà ai mà không ngồi xuống mâm, uống vài chén rượu (dù không biết uống rượu và rất sợ món ăn mà ai đó gắp cho) thì sẽ khiến gia chủ đen đủi cả năm.

Cứ như vậy, từ trước Tết đến trong Tết, cái áp lực đó cứ lớn dần khiến nhiều người mất ăn mất ngủ, stress vì Tết.

Tôi cho rằng, để xã hội phải nháo nhào chạy theo Tết, bị Tết cuốn đi bất tận, hết năm này sang năm khác một phần do cách chúng ta truyền thông.

img
Xuân về, ngập tràn các quảng cáo Tết đoàn viên
img
Xuân về, ngập tràn các quảng cáo Tết đoàn viên

Từ bao năm qua, khi bạn giở một trang báo Tết hay mở một chương trình truyền hình và đôi khi cả trong sách giáo khoa, Tết đang được truyền thông khắc họa quá sâu sắc về sự linh thiêng, đến mức sến sẩm rằng, nếu Tết không về sẽ mất đi không khí ấm cúng, sum vầy, đoàn viên, sẽ không được hưởng không khí thiêng liêng bên gia đình, bên nồi bánh chưng nghi ngút khói…

Tôi tự hỏi, nếu Tết không về thì sao? Chẳng lẽ, vì lý do công việc hoặc nói thẳng ra, không về quê vì đã chán Tết, bố mẹ, ông bà, cụ kỵ và cả họ lại quay lưng, trách cứ, giận dỗi con cháu hay sao?

Tại sao lại bất công như vậy nếu như hàng tuần, hàng tháng (khi chưa Tết), con cháu vẫn hỏi thăm, vẫn chăm sóc, vẫn hiếu thuận với cha mẹ, ông bà. Chẳng lẽ chỉ vì mấy ngày Tết không về thì lại thành bất hiếu?

Việc truyền thông về Tết như bấy lâu chúng ta vẫn làm vô hình trung tạo ra những áp lực, những hệ quả không mong muốn cho xã hội.

Hãy nhìn vào tình trạng giao thông, tàu xe ngày Tết. Khi ai cũng sốt ruột, ai cũng mong ngóng phải về quê để kịp đoàn tụ trước Giao thừa sẽ khiến tâm lý của đám đông cực kỳ nóng vội, việc lái xe sẽ rất nguy hiểm.

Tôi vẫn tự hỏi, nếu về sau Giao thừa, sau ngày mùng một Tết thì sao? Sẽ chẳng sao, tôi tin là như vậy, mùa xuân vẫn ở đó, Tết vẫn ở đó, linh hồn những người thân đã khuất cũng sẽ vẫn ở đó và sẽ chẳng ai trách cứ nếu chúng ta không về kịp. Tại sao cứ nhất thiết phải tự ép chạy đua với thời gian, với Tết để từ đó đối mặt với nguy hiểm trên đường.

Những ngày trước Tết, Ủy ban ATGT Quốc gia luôn phải phát đi những thông điệp về việc đảm bảo ATGT trên hầu khắp các tỉnh, thành. Nhưng đây lại là dịp tai nạn luôn tăng cao, thậm chí rất cao. Nhiều gia đình tưởng như sẽ được gặp mặt đủ đầy thì lại thành ra tang thương, đau đớn.

Ngoài tai nạn, chúng ta cũng phải đối mặt với tình trạng bia rượu tràn cung mây khi xuân về. Bia rượu quá độ rồi đánh nhau, đâm chém nhau. Đã có những năm, số người bị thương, thiệt mạng do hành hung lẫn nhau dịp Tết tương đương với số người bị tai nạn.

Nếu cứ tiếp tục ngồi kể lể, tôi cam đoan sẽ còn chỉ ra được rất nhiều mặt trái của Tết mà bất kỳ ai cũng có thể nhận ra. Nhiều mặt trái như vậy, lẽ ra chúng ta cần thay đổi hướng truyền thông để người dân cảm thấy nhẹ nhàng hơn với Tết. Nhưng cái điệp khúc không về thì không có Tết, mất Tết luôn được nhắc đi, nhắc lại mấy chục năm qua.

Đồng ý, chúng ta không thể bỏ được Tết bởi đó là truyền thống, là văn hóa. Nhưng dù có là truyền thống thì những cách nghĩ, nếp nghĩ, những quan điểm lạc hậu về Tết không còn phù hợp sẽ cần thay đổi để xã hội tốt hơn.

Tết, cần phải từng bước được nhận diện, đó chỉ là dịp để người dân vui chơi, nghỉ ngơi. Nếu không kịp về với gia đình được đúng dịp Tết thì cũng chẳng sao. Bây giờ là một thời đại khác, nếu ở xa thì có thể tự truyền hình trực tiếp để mọi người cùng thấy mặt nhau.

Điều quan trọng nhất của một gia đình, của một dòng họ và rộng ra cả xã hội đó là sự hòa thuận, thương yêu và chia sẻ với nhau trong bất kỳ khoảng thời gian nào chứ không nhất thiết phải thể hiện trong dịp Tết.

Xin được nhắc lại, Tết đơn giản chỉ là dịp nghỉ dài để mỗi người hạnh phúc theo cách riêng của mình.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.