Pháp luật

Kids Plaza: Trượt patin náo loạn "không có gì nguy hiểm"!

30/09/2016, 08:54
image

Phía Kids Plaza trả lời Báo Giao thông về việc các nữ nhân viên trượt patin gây náo loạn đường phố Hà Nội.

bầu1

Các nữ nhân viên của Kids Plaza trượt patin gây náo loạn đường phố Hà Nội.

Báo Giao thông đã có bài phản ánh về hành vi tham gia giao thông phản cảm, gây nguy cơ tai nạn giao thông trên tuyến phố Xã Đàn, Hà Nội hôm 29/9 của các nữ nhân viên thuộc Hệ thống Siêu thị Mẹ và Bé Kids Plaza. Những nữ nhân viên này thực hiện màn quảng bá, giới thiệu hình ảnh bằng hình thức đeo bụng bầu giả và trượt patin gây náo loạn giao thông tại đây.

Cùng ngày, chúng tôi đã có cuộc làm việc với đại diện của Hệ thống Siêu thị Mẹ và Bé Kids Plaza để làm rõ hơn một số nội dung xoay quanh hành động gây nguy cơ tai nạn giao thông.

Khi được hỏi vì sao lại có ý tưởng quảng cáo phản cảm như vậy, bà Nguyễn Thị Hường, Trưởng phòng Truyền thông Hệ thống Siêu thị Mẹ và Bé Kids Plaza, cho biết: Ý tưởng này bắt nguồn từ việc cuộc sống có khá nhiều bà mẹ vì nhiều lý do phải bỏ đi đứa con của mình, trong đó có việc không sinh được con đúng giới tính như mong muốn. Qua hình thức quảng cáo này muốn gửi tới thông điệp không lựa chọn giới tính thai nhi, trai hay gái đều có quyền làm người.

Bà Hường cho rằng thông điệp này rất nhân văn, nhưng cách thể hiện lại chưa đúng và phủ nhận việc các nhân viên liên tục trượt patin trên đường. Theo đó, bà Hường khẳng định các nhân viên đều được xe máy chở đi và chỉ trượt những đoạn rất ngắn ở một số tuyến đường trong Hà Nội để thu hút mọi người. Ngoài ra, bà Hường cũng quả quyết rằng, những nhân viên trong đoạn video là người chuyên nghiệp, nên việc trượt patin giữa nút giao thông đông đúc trên là "không có gì nguy hiểm đến tính mạng con người!?".

PV tiếp tục đặt câu hỏi, trước khi tổ chức hình thức quảng bá hình ảnh bằng cách trượt patin ngoài đường nguy hiểm như thế này, phía Kids Plaza đã tính đến phương án rủi ro về sức khỏe, tính mạng con người, đã mua bảo hiểm cho những nhân viên trực tiếp tham gia và xin phép cơ quan chức năng Hà Nội hay chưa?

Bà Hường cho hay, do Kids Plaza ủy quyền cho một đơn vị khác thực hiện chiến dịch quảng bá này nên cũng không nắm được chuyện đơn vị đó đã mua bảo hiểm và xin phép cơ quan chức năng hay chưa? Còn về vấn đề tính toán rủi ro sức khỏe, tính mạng của các nhân viên thì: "Chính vì tính toán được những vấn đề đó, nên chúng tôi đã thuê toàn những người chuyên nghiệp, biết trượt patin nên sẽ không có những tình xuống xấu xảy ra!".

Về hình ảnh một nữ nhân viên trượt patin bị trượt ngã và suýt gây tai nạn cho người đi xe máy trên nút giao Xã Đàn, Hà Nội như trong đoạn video clip, bà Nguyễn Thị Hường cho rằng đó là do nữ nhân viên cố tình "lộn nhào một chút", để làm "điệu"... thu hút người đi đường, không phải là bị trượt ngã!? 

Cuối cùng, bà Hường phân trần: "Không biết chuyện trượt patin như trên là phạm luật" đồng thời khẳng định nếu chiến dịch quảng bá hình ảnh này vi phạm mà bị các cơ quan chức năng xử phạt thì phía Kids Plaza sẵn sàng nộp phạt đồng thời sẽ rút kinh nghiệm lần sau thực hiện phương án khác an toàn, chuẩn mực hơn.

Câu chuyện về việc các doanh nghiệp có hành vi quảng cáo phản cảm có nội dung trái với truyền thống lịch sử, văn hoá, thuần phong, mỹ tục Việt Nam và vi phạm Luật giao thông đường bộ đã không còn là chuyện hiếm.

Trước đó, ngày 12/8, Sở VH -TT Hà Nội ra quyết định xử phạt hành chính Công ty cổ phần Thế giới di động 6 triệu đồng vì đưa người mẫu vào lồng kính đặt trên xe ô tô bán tải có gắn logo của Thế giới di động diễu trên phố Hà Nội để quảng cáo cho một mẫu điện thoại mới ra mắt. Hình ảnh và video quảng cáo này nhanh chóng được chia sẻ và nhận được nhiều ý kiến tranh luận trái chiều của cộng đồng mạng vì gây phản cảm và vi phạm luật giao thông nghiêm trọng.

Tiếp đó vào ngày 6/5 Sở VH - TT Hà Nội ra quyết định xử phạt công ty Trần Anh 40 triệu đồng vì quảng cáo trái thuần phong mỹ tục khi cho nhiều nữ PG mặc bikini quảng cáo để mời khách, gây phản cảm về văn hóa, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục.

Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông.

Điều 11. Xử phạt các hành vi vi phạm khác về quy tắc giao thông đường bộ

1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

b) Đá bóng, đá cầu, chơi cầu lông hoặc các hoạt động thể thao khác trái phép trên đường bộ; sử dụng bàn trượt, patin, các thiết bị tương tự trên phần đường xe chạy.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.