Thị trường

Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo truy thu thuế Unilever 575 tỷ đồng

10/01/2019, 14:11

Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính chỉ đạo vụ Unilever vì vượt thẩm quyền của Cục.

cuc-truong-cuc-thue-TPHCM-kien-nghi-ching-phu-bo-t

Cục trưởng cục Thuế TPHCM kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính chỉ đạo vụ Unilever vì vượt thẩm quyền của Cục

Tại Hội nghị Tổng kết nhiệm vụ công tác thuế năm 2018; nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác thuế năm 2019 ngày 10/1, ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng cục Thuế TP. HCM cho biết, năm 2018, cơ quan thuế thành phố đã ban hành 45.986 quyết định cưỡng chế thuế. Tuy nhiên, nợ thuế vẫn còn nhiều, theo ông Tâm, số nợ thuế đến cuối năm là 8.486 tỷ đồng.

Năm 2018, Cục thuế TP cũng đã truy thu được 4.915 tỷ đồng tiền thuế, trong đó cao điểm thu hồi là quý IV/2018. “Tính đến 31/12, số nợ đã thu chiếm 3,33% dự toán ngân sách giao”, ông tâm nói.

Liên quan tới nợ thuế, sau khi có chỉ đạo vụ việc truy thu thuế tại Sabeco, hiện TP vẫn còn vụ việc tại Unilever. Tại hội nghị, lãnh đạo thuế TP.HCM đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế có chỉ đạo vì ngoài thẩm quyền của Cục thuế này.

Trước đó, đầu ngày 7/12, Cục Thuế TP.HCM đã có công văn gửi Unilever thông báo kết luận của Kiểm toán Nhà nước kiến nghị truy thu thuế của doanh nghiệp này do đầu tư mở rộng giai đoạn 2009 - 2013. Số tiền truy thu lên đến hơn 575 tỷ đồng.

Cơ quan thuế yêu cầu Unilever nộp ngay số tiền trên vào tài khoản của Cục mở tại Kho bạc Nhà nước. Đơn vị này nhấn mạnh, nếu doanh nghiệp không chấp hành thì sẽ có những biện pháp cưỡng chế về thuế theo quy định của pháp luật.

Đến 12/12, cơ quan thuế tiếp tục gửi văn bản yêu cầu Unilever cung cấp thông tin về toàn khoản để thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp trích dẫn tiền từ tài khoản và phong toả tài khoản theo quy định.

Unilever sau đó đã gửi thư “kêu cứu” lên Thủ tướng. Doanh nghiệp này cho rằng hành động của phía thuế đặt họ vào tình thế khó khăn, ảnh hưởng lớn đến hoạt động và uy tín tại Việt Nam.

Unilever giải thích, vấn đề thuế thu nhập doanh nghiệp liên quan tới đầu tư mở rộng của Unilever đã được Chính phủ đề cập đến trong Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 6/10/2018. Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp báo cáo phương án giải quyết thoả đáng vướng mắc của doanh nghiệp do có sự khác nhau giữa Luật Đầu tư và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp giai đoạn trước năm 2014 theo đúng nguyên tắc không hồi tố các quy định pháp luật.

Unilever cũng cho biết, thực hiện Nghị quyết 124, công ty này đã chủ động giải trình Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính. Đồng thời, kiến nghị cơ quan thuế chưa thực hiện hay ra bất kỳ quyết định nào ảnh hưởng bất lợi cho doanh nghiệp trong thời gian Chính phủ xử lý vụ việc.

Doanh nghiệp này cho rằng vấn đề thuế thu nhập doanh nghiệp mà Unilever đang gặp phải là do có sự khác nhau giữa Luật Đầu tư và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp giai đoạn trước năm 2014 là vấn đề chung nhiều công ty đang kiến nghị Thủ tướng giải quyết, nhận được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và giới ngoại giao.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.