Bạn cần biết

Kiến nghị lùi thời điểm áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới

22/08/2017, 14:31

Nhiều địa phương đề xuất nên lùi lại chương trình giáo dục phổ thông mới do chưa chuẩn bị kịp.

chuong-trinh-giao-duc-moi

Ảnh minh họa

Tại hội nghị tổng kết năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019, ngày 21/8, nhiều địa phương đề xuất nên lùi lại chương trình giáo dục phổ thông mới do chưa chuẩn bị kịp về điều kiện nhân lực và cơ sở vật chất.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng khá bài bản và có lộ trình. Tuy nhiên, “nút thắt” khiến việc áp dụng tại địa phương ngay trong năm học 2018-2019 chính là cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Hiện tại, nhiều nơi vẫn chưa thể đáp ứng tốt nhất các điều kiện này cho chương trình mới. “Ở Nghệ An, cơ sở vật chất nhiều vùng miền núi, vùng cao còn khó khăn, đội ngũ giáo viên cũng chưa đủ chuẩn và còn rất nhiều hạn chế. Chính vì vậy, tôi đề nghị nên lùi thời gian áp dụng để địa phương chuẩn bị cho hiệu quả hơn”, bà Chi nói.

Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang cũng cho rằng, việc áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới có rất nhiều nội dung quan trọng. “Nói là đổi mới toàn diện từ chương trình cho tới sách giáo khoa nên điều kiện cũng phải đồng bộ, tương xứng. Nếu năm 2018 bắt đầu áp dụng, chúng ta sẽ chỉ còn 1 năm, trong 1 năm liệu có đảm bảo được điều kiện này không?”, bà Giang đặt câu hỏi và kiến nghị Bộ GD&ĐT nên triển khai từng nội dung chứ không nên triển khai đồng loạt cùng một lúc, địa phương sẽ không thể kham nổi.

Trong khi đó, đại diện Sở GD ĐT tỉnh Nam Định cho rằng, Bộ GD ĐT cần công bố điều kiện tối thiểu của các địa phương khi bắt đầu áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới. Nếu địa phương nào còn quá nhiều khó khăn, không đủ điều kiện để áp dụng ngay thì nên cho lùi lại. Vị này cũng đánh giá, hiện chất lượng giáo dục phổ thông vẫn… chấp nhận được, chưa đến mức cấp bách để phải đổi mới ngay.

Trước những kiến nghị trên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, sẽ chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, tập trung vào công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới. Bên cạnh đó, Bộ sẽ đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục; đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục và các chương trình đào tạo; đề ra các giải pháp về Hội đồng trường đi vào hoạt động hiệu quả và thực chất hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.