Quản lý

Kiến trúc sư phong trào lái xe an toàn

01/08/2016, 13:22

Nhắc đến những lãnh đạo gạo cội của Công đoàn GTVT VN, không thể không kể đến Chủ tịch Nguyễn Thục...

9

Ông Nguyễn Thục, Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam 1987 - 1993

Nhắc đến những lãnh đạo gạo cội của Công đoàn GTVT VN, các lớp cán bộ công đoàn thuở ấy không thể quên Chủ tịch Nguyễn Thục, người đã gắn bó, dày công phát triển Công đoàn GTVT trong những năm đầu đất nước đổi mới đầy thử thách.

Hơn 40 năm tâm huyết với ngành GTVT

Ông Nguyễn Thục sinh năm 1930 tại Hòn Gai (Quảng Ninh). Khi đất nước loạn lạc bởi chiến tranh, ông sớm tham gia các phong trào học sinh, thanh niên, công nhân. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Giao thông ngành Cầu đường, năm 1950 ông công tác tại Viện Thiết kế GTVT (nay là Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT - TEDI). Năm 1981, ông được điều động về công tác tại cơ quan Công đoàn GTVT Việt Nam, phụ trách công tác tuyên giáo, sau làm Trưởng ban và từ năm 1987 làm Chủ tịch Công đoàn ngành đến khi nghỉ hưu.

Ghi nhận công lao, đóng góp của ông Nguyễn Thục, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng, hai Huân chương Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Huân chương Lao động hạng Nhì và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Những năm tháng làm cán bộ công đoàn chuyên trách, gắn bó với Công đoàn GTVT VN, ông đặc biệt coi trọng và tạo ra nhiều phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả. Mọi người nhớ nhất ở ông chính là tác giả, là kiến trúc sư, người trực tiếp chỉ đạo phong trào thi đua lái xe an toàn, giải phóng hàng nhanh tại Cảng Hải Phòng để kịp thời vận chuyển lương thực, thực phẩm thời khốn khó và vật tư, thiết bị phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt là phục vụ xây dựng các công trình trọng điểm như: Thủy điện Hòa Bình, Nhiệt điện Ninh Bình, cầu Thăng Long, Chương Dương, sửa chữa QL1, đường sắt Thống Nhất

Ông cũng là người đề xuất cùng các ngành Xây dựng, Nông nghiệp tổ chức liên kết thi đua phục vụ và phát triển nông thôn, đặc biệt là giao thông nông thôn “điện, đường, trường, trạm”. Từ sáng kiến trên, Công đoàn ngành đã đề xuất Tổng liên đoàn Lao động VN tổ chức mô hình liên kết thi đua của “Cụm, Khối” các công đoàn ngành T.Ư và Liên đoàn Lao động địa phương trong cả nước.

Từ việc sát sao chỉ đạo phong trào lái xe an toàn và các phong trào thi đua đảm bảo giao thông, ông đã đề xuất cùng Ban thường vụ phối hợp với Bộ GTVT, các Bộ Xây dựng, Bộ LĐ,TB&XH và Tổng liên đoàn Lao động VN khảo sát trình Chính phủ ban hành nghị định bổ sung bệnh nghề nghiệp thứ 8 là bệnh sạm da cho công nhân duy tu đường bộ thường xuyên tiếp xúc với nhựa đường.

10

Tiếp nối phong trào lái xe an toàn,  Công đoàn ngành GTVT hàng năm đều tổ chức Hội thi lái xe an toàn (Trong ảnh: Một thí sinh thi tay lái hạng C- xe tải trong Hội thi năm 2014) - Ảnh: Khánh Linh

Dám nghĩ, dám làm

Giai đoạn 1987 - 1993, khi ông Nguyễn Thục được Ban chấp hành bầu làm Thư ký (Chủ tịch) Công đoàn ngành GTVT là những năm đầu thực hiện đường lối đổi mới của Đảng với biết bao khó khăn, bỡ ngỡ, lúng túng. Công đoàn GTVT VN đứng trước thách thức làm sao vẫn khẳng định, nêu cao được vai trò của tổ chức công đoàn, thực sự là thủ lĩnh của người lao động, nhưng đồng thời đồng hành, góp sức đưa toàn ngành GTVT thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị. Trước những khó khăn, thử thách ấy, ông Thục cùng tập thể Ban thường vụ dày công suy nghĩ, định hướng, quyết liệt chỉ đạo các hoạt động công đoàn trong toàn ngành và để lại nhiều ấn tượng cho các thế hệ cán bộ công đoàn kế tiếp.

Ông chủ động khởi xướng, trực tiếp chỉ đạo đổi mới hoạt động công đoàn với 3 chương trình công tác lớn: Chương trình việc làm đời sống với phong trào chống thất nghiệp, giảm nghèo, tham gia cùng lãnh đạo Bộ GTVT về cải cách hành chính, cải cách điều lệ xí nghiệp quốc doanh; Chương trình tuyên truyền giáo dục gắn với phong trào thi đua yêu nước, xây dựng đội ngũ CNLĐ không ngừng lớn mạnh; Chương trình đổi mới hoạt động công đoàn, phát triển đoàn viên, công đoàn ngoài quốc doanh, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh. Ba chương trình công tác trên được Tổng liên đoàn Lao động VN đánh giá năng động, sáng tạo, thiết thực và được duy trì liên tục ba nhiệm kỳ 15 năm.

Trong công việc, ông như hình mẫu “miệng nói tay làm”, nêu gương cho cán bộ các cấp. Ông thực sự là người lãnh đạo bản lĩnh, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tận tâm với công việc. Ông Thục chia sẻ, cán bộ công đoàn là cán bộ của Đảng, phải cẩn trọng, tỉ mỉ, sáng tạo, phải chuẩn mực từ lời nói, chữ viết, việc làm.

Ngoài đời, ông sống rất giản dị, chân tình. Tiếp xúc làm việc với ông, chúng tôi học được nhiều điều mà trên hết ở ông là người anh cả, người thủ trưởng, thủ lĩnh, đồng nghiệp có tâm có đức, không mảy may vụ lợi cá nhân. Sau khi ông nghỉ, thi thoảng tôi đến thăm, ông vui lắm vì được anh em đến thăm, cho biết thông tin hoạt động của ngành, của công đoàn.

Nhiều năm qua, sáng sáng trên khu vực phố Tông Đản, Ngô Quyền (Hà Nội) và xung quanh hồ Hoàn Kiếm người ta hay gặp đôi vợ chồng già tuổi ngoại bát tuần sánh vai bách bộ. Đó là vợ chồng ông Thục, bà Yến. Sau hơn 40 năm công tác, cống hiến tận tâm cho ngành GTVT, ông Nguyễn Thục nghỉ hưu tại gian nhà tập thể khiêm tốn tầng 4 ở phố Tông Đản và tham gia các công tác xã hội. Ông làm Trưởng ban Liên lạc cán bộ hưu trí Công đoàn GTVT gần 20 năm. Vài năm gần đây, vì tuổi cao sức yếu ông nghỉ, chỉ ở nhà vui vầy cùng người bạn đời là cán bộ hưu trí của Bộ Cơ khí luyện kim và con cháu.

Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Công đoàn GTVT Việt Nam

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.