Thế giới giao thông

Kinh tế khó khăn, Đức muốn tư nhân làm cơ sở hạ tầng

26/02/2015, 18:00

Giới chức Đức đang cân nhắc cho phép tư nhân đồng tài trợ xây dựng các công trình hạ tầng.

101

Các con số thống kê đều cho thấy tỷ lệ đầu tư của nhà đầu tư Đức vào hệ thống cơ sở hạ tầng rất thấp

Tư nhân hóa vì thiếu hụt đầu tư?

Tờ Welt am Sonntag vừa trích dẫn báo cáo của một hội đồng chuyên gia cho biết, Bộ Kinh tế và Năng lượng đang có kế hoạch thành lập các loại quỹ huy động tài chính từ các đối tác tư nhân để triển khai những dự án xây dựng công cộng. Theo đó, các công ty bảo hiểm, tổ chức đầu tư và người dân bình thường đều được phép tham gia.

Hội đồng này dự định đề xuất thành lập một hiệp hội Cơ sở hạ tầng giao thông để huy động nguồn tiền từ tư nhân đầu tư cho xây dựng đường giao thông. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với những kế hoạch đang đề xuất của Bộ Giao thông Đức.

Bộ trưởng Giao thông Alexander Dobrindt cho biết: “Chúng ta cần một tổ chức nhà nước có thể thu hút, tận dụng nguồn tài chính từ tư nhân cho các công trình công cộng. Các đối tác kiểu như vậy sẽ tạo ra hiệu quả kinh tế lớn hơn. Ở đây, tôi đang đề cập đến những dự án có mức đầu tư xấp xỉ 15 triệu euro (17 triệu USD)”.

Các chuyên gia kinh tế hàng đầu trước đó cũng cảnh báo nền kinh tế Đức đang phải trải qua một thời kì khó khăn vì thiếu hụt đầu tư. Đồng thời, kêu gọi Thủ tướng Angela Merkel phải có giải pháp để giải quyết sự thiếu hụt này càng sớm càng tốt. Công ty bảo hiểm Allianz cũng bày tỏ ý định sẽ đầu tư hơn 570 triệu euro vào các quỹ dành cho những dự án phát triển cơ sở hạ tầng trong nước.

Cuối năm 2014, khoảng 30 quỹ đầu tư dạng đóng (AIF) đã được thành lập, 9 trong số đó nhắm tới các tổ chức tư nhân, nhà đầu tư cá nhân. Trên thực tế, ở những quốc gia có nền kinh tế ổn định như Đức, mức đầu tư cho giao thông thông thường thấp; Chính vì vậy nhà đầu tư tư nhân cũng không mặn mà với những dự án kiểu này vì lợi nhuận không cao.

Mặt khác, xu hướng tư nhân hóa giao thông công cộng và các công trình công ích ở Đức vẫn chưa thực sự phổ biến nên cơ hội tham gia các dự án kiểu này gần như không có. Matthias Reicherter - Giám đốc phụ trách mảng cơ sở hạ tầng tại Golding Capita nói: “Hãy nhìn vào những cơ hội đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở Đức một cách kĩ càng, chúng ta sẽ sớm nhận ra rằng cơ hội đầu tư kiểu này ở nước Đức quá thấp, thấp hơn nhiều so với ở nước Anh, nơi mà tư nhân hóa cơ sở hạ tầng phổ biến hơn”.

Chưa hấp dẫn

Stephan Kloess - Giám đốc Công ty tư vấn bất động sản KloessRealEstate cũng chỉ ra rằng, theo thống kê của OECD, nhu cầu tài chính đầu tư cơ sở hạ tầng toàn cầu sẽ vào khoảng 50.000.000.000 tỷ USD vào năm 2030: “Đây là con số mà không một quốc gia nào có thể chi trả được, kể cả ở những nước có tỷ lệ lãi suất thấp. Tuy nhiên, nhà đầu tư Đức có thể vẫn quan tâm đến việc đầu tư vào thị trường trong nước nơi họ hiểu quá rõ các yếu tố chính trị, luật pháp. Mặc dù vậy, khó khăn cho thu hút đầu tư ở đây còn do vướng mắc về khái niệm. Thật không may là cơ sở hạ tầng chưa được coi như một tài sản ở Đức. Người Đức vẫn nhìn nó như một khoản đầu tư thay thế có tính cạnh tranh cao hơn so với các hình thức đầu tư vào lĩnh vực khác cùng phân khúc”.

Các con số thống kê đều cho thấy tỷ lệ đầu tư của nhà đầu tư Đức vào hệ thống cơ sở hạ tầng rất thấp. Trong hai năm 2011 và 2012, các nhà đầu tư đã rút gần như tất cả tiền ra khỏi các dự án hạ tầng và rót vào bất động sản. Năm 2013, nguồn vốn đầu tư chỉ đạt 2,4 tỷ euro, trong khi đó các dự án năng lượng lại thu hút được hơn 10,3 tỷ euro.

Trước đó, Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Sigmar Gabriel cũng đã họp với một nhóm các công ty bảo hiểm nhằm phát triển mô hình đầu tư vào cơ sở hạ tầng thuận lợi. Còn ông Stephan Kloess cũng khẳng định, lợi nhuận lớn sẽ có nếu đầu tư vào lĩnh vực này; tuy nhiên ông không cho rằng đây là bước nhảy vọt: “Các tổ chức đầu tư muốn tăng gấp đôi số tiền bỏ vào các dự án phát triển hạ tầng nhưng mức đầu tư hiện tại vẫn còn rất thấp, chỉ đạt khoảng 1%”.

Thực tế là các nhà đầu tư đều nhận thức được rằng đầu tư vào hạ tầng cơ sở Đức không bao giờ khiến họ mất tiền. Nếu nhìn trong trung hạn, lợi nhuận của họ sẽ ổn định. Nếu nhìn trong dài hạn, khoản đầu tư kiểu này hoàn toàn phù hợp với chiến lược của họ. Điều đáng lo nhất chỉ là quá trình tư nhân hóa cơ sở hạ tầng của Đức sẽ diễn tiến với tốc độ rất chậm. Đây cũng là cảnh báo được nhiều chuyên gia tư vấn kinh tế đề cập đến. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.