Thời sự

Kinh tế tăng trưởng đột phá, cao nhất 10 năm qua

15/05/2018, 06:24

Sang quý I/2018, tốc độ tăng GDP ước đạt 7,38%, cao nhất trong các quý I của 10 năm trở lại đây.

6

Tăng trưởng chủ yếu dựa vào khai thác dầu khí, than, kiều hối và đóng góp của đầu tư nước ngoài (Trong ảnh: Khai thác than tại Cẩm Phả, Quảng Ninh) - Ảnh: Tạ Tôn

Sang quý I/2018, tốc độ tăng GDP ước đạt 7,38%, cao nhất trong các quý I của 10 năm trở lại đây. Đó là con số được nêu trong Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, được cho ý kiến tại phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14/5.

Tính bền vững chưa cao

Theo nhận định của Chính phủ, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay dự báo sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với một số khó khăn, nhất là trong điều hành tỷ giá và lãi suất, áp lực lạm phát, việc giảm thuế, dỡ bỏ thuế nhập khẩu… Kiên định thực hiện các mục tiêu, giải pháp đã đề ra, Chính phủ nhấn mạnh quan điểm tuyệt đối không hài lòng với những thành công ban đầu, duy trì nỗ lực chung của toàn hệ thống.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, các trụ cột tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, cần được đánh giá cụ thể hơn. Cùng với đó, mô hình tăng trưởng cũng chưa chuyển đổi rõ nét, tăng trưởng chủ yếu dựa vào khai thác dầu khí, than, kiều hối và đóng góp của đầu tư nước ngoài.

Môi trường kinh doanh có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn rào cản, tình trạng “giấy phép con, cháu” còn khá nhiều; số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng, số doanh nghiệp làm ăn hiệu quả còn thấp. Đáng chú ý, dẫu kinh tế quý I/2018 với sự bứt phá về GDP tăng 7,38% đem lại kỳ vọng lớn, nhưng cũng tạo áp lực không nhỏ về tăng trưởng GDP trong 3 quý còn lại. Cùng với đó, việc cơ cấu lại NSNN và nợ công vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thu NSNN không còn nhiều dư địa tăng.

Đồng tình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, GDP quý I/2018 tăng 7,38% nhưng cũng tạo áp lực không nhỏ về tăng trưởng GDP trong những tháng còn lại. Bên cạnh đó, các trụ cột kinh tế phát triển chưa bền vững, mô hình tăng trưởng chưa chuyển biến rõ rệt.

Đồng tình với nhiều nội dung trong báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá Chính phủ phản ứng khá nhanh và kịp thời những vấn đề nóng và bức xúc với thái độ rõ ràng, nghiêm túc và có phương án xử lý cụ thể. Đề cập vấn đề “nói và làm”, theo bà Nga, có giai đoạn Thủ tướng, Phó Thủ tướng kết luận tại các địa phương và các ngành nhưng không biết sau đó làm như thế nào. Nhưng ở khóa này, Thủ tướng thành lập Tổ công tác đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện đã phát huy hiệu quả, tức đã kết luận là phải kiểm tra xem thực hiện đến đâu. Ngoài ra, thủ tục hành chính cũng được cắt giảm nhiều.

Đồng ý cho bà Phan Thị Mỹ Thanh thôi nhiệm vụ ĐBQH

Cùng ngày, Ủy ban TVQH xem xét quy trình bãi nhiệm ĐBQH đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, 10 ngày trước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận được đơn của bà Thanh xin thôi làm nhiệm vụ ĐBQH vì lý do sức khỏe không ổn định và đang bị kỷ luật về mặt Đảng. Đảng đoàn Quốc hội đã có văn bản báo cáo Ban Bí thư. Sau khi cân nhắc nhiều mặt, Ban Bí thư chấp nhận đơn xin thôi làm ĐBQH khóa XIV của bà Thanh.

Căn cứ vào văn bản của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai và Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, Ủy ban TVQH đã có Nghị quyết cho bà Phan Thị Mỹ Thanh thôi làm nhiệm vụ ĐBQH kể từ ngày 14/5.

Cũng tại phiên họp này, Ủy ban TVQH đã nghe Ban Công tác đại biểu báo cáo về việc thực hiện theo quy định của pháp luật đối với ông Đinh La Thăng, ĐBQH khóa XIV tỉnh Thanh Hóa và ông Nguyễn Quốc Khánh, ĐBQH khóa XIV tỉnh Quảng Nam.

Theo đề nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết số 456/NQ-UBTVQH14 và Nghị quyết số 457/NQ-UBTVQH14 về việc khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét và tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của ĐBQH đối với ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Quốc Khánh để các cơ quan bảo vệ pháp luật tiến hành thủ tục tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 22/1, TAND TP Hà Nội đã tuyên án sơ thẩm đối với ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Quốc Khánh. Ngoài ra, ngày 29/3, tại Bản án sơ thẩm số 110/2018/HS-ST, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt ông Thăng trong vụ án PVN góp vốn 800 tỷ đồng vào OceanBank. Sau đó, hai ông đã có đơn kháng cáo lên TAND cấp cao, TAND Tối cao tại Hà Nội đang xét xử theo trình tự giám đốc thẩm.

Căn cứ theo quy định tại Khoản 2, Điều 355, Bộ luật Tố tụng hình sự: “Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án” và theo Khoản 2, Điều 39, Luật Tổ chức Quốc hội: “ĐBQH bị kết tội bằng bản án, quyết định của tòa án thì đương nhiên mất quyền ĐBQH kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật” thì ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Quốc Khánh đương nhiên mất quyền ĐBQH kể từ ngày HĐXX phúc thẩm tuyên có tội.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.