Thị trường

Kinh tế Việt Nam ra sao năm 2017?

01/01/2017, 06:13

Báo Giao thông cùng các chuyên gia điểm lại nền kinh tế 2016, nhận định triển vọng kinh tế 2017.

17

Sản phẩm dệt may là một trong những mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam năm vừa qua - Ảnh: Tạ Tôn

Bên cạnh một số điểm nghẽn, kinh tế Việt Nam năm 2016 có một số điểm sáng, như lạm phát thấp, nông nghiệp, tiêu dùng tăng khá, đặc biệt là xuất siêu khoảng 3 tỷ USD. Báo Giao thông cùng các chuyên gia điểm lại nền kinh tế 2016, nhận định triển vọng kinh tế 2017.

18

 

PGS.TS. Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương:

Xu hướng khởi nghiệp lên ngôi

Sang năm 2017, xu thế toàn cầu hóa đang được nhận định chững lại kết hợp với Brexit (Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu EU), với không thông qua cải cách hiến pháp của Ý, thế giới có xu hướng quay lại bảo hộ. Tình hình thế giới và kinh tế thế giới đứng trước những bất định. Giá vàng biến động liên tục không dự báo được. Nếu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không được thông qua sẽ tác động tới những nước nhập khẩu vốn. Cụ thể, luồng vốn không vận hành vào nền kinh tế như mong muốn, thậm chí có xu hướng giảm. Hệ lụy là các nguồn đầu tư đón trước sẽ bị rút đi. Mặt khác, đồng USD tăng giá, kết hợp với khoảng thiếu hụt nguồn vốn đầu tư, tạo ra một cú sốc nhỏ về tỷ giá và tạo tâm lý ngắn hạn về thu gom ngoại tệ, mặc dù không lớn.

Đối với Việt Nam, năm 2017 sẽ là giai đoạn của điều chỉnh, đổi mới nền kinh tế thông qua quá trình tái cơ cấu lại nền kinh tế, cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới mô hình tăng trưởng. Dự báo môi trường kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Tuy nhiên, bội chi NSNN và nợ công tiếp tục là rào cản cho tăng trưởng. Mặc dù nguồn vốn nước ngoài suy giảm nhưng giải ngân vốn đầu tư phát triển sẽ được thúc đẩy hơn, nguồn vốn FDI dự báo ổn định và thực chất hơn. Xu hướng mua bán và sáp nhập doanh nghiệp sẽ phát triển mạnh, tuy nhiên, tiềm ẩn nguy cơ vốn ngoại chèn ép, thôn tính vốn nội. Doanh nghiệp được khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi phát triển, xu hướng khởi nghiệp (start up) sẽ lên ngôi.

19

 

TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế:

Động lực tăng trưởng vẫn là công nghiệp chế tác, FDI

Kinh tế đang có nhiều điểm nghẽn nhưng cũng đang có những tia sáng. Chúng ta có thể có khác biệt nhưng kinh tế thế giới đang có chung 3 đặc điểm. Đó là phục hồi rất khó khăn trong khi thương mại hàng hóa giảm. Rủi ro và bất định trong địa chính trị gia tăng. Tư tưởng chống rủi ro thương mại tăng lên.

Tuy nhiên, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và sự phát triển ngành dịch vụ đang được đánh giá tốt. Trong ASEAN, đánh giá về thương mại dịch vụ đang thấp. Về vĩ mô, khó khăn và lòng tin chưa cao đang là những tồn tại. Động lực cho tăng trưởng của Việt Nam gần đây và trong năm tới vẫn sẽ là công nghiệp chế tác, khối FDI, xây dựng và một số lĩnh vực dịch vụ.

Năm tới, nông nghiệp sẽ có thể cải thiện. Động lực cho ngành xây dựng cũng sẽ gặp những khó khăn. Dự báo bất động sản gần đây cho thấy 2017 sẽ chưa vào giai đoạn bong bóng. Về dịch vụ, liệu Việt Nam có thu hút được nhiều khách du lịch nước ngoài không vẫn là câu hỏi. Đầu tư trong năm tới có thể sẽ không được nhiều như năm nay. Tín dụng ODA khoảng 12 - 13%.

Xuất khẩu đã đặt mục tiêu thận trọng hơn, tiêu dùng vẫn là điểm sáng, trong thống kê, Việt Nam vẫn là một trong số những người lạc quan trong khu vực châu Á.

Tuy nhiên, tất cả vẫn là những dự báo để thấy chúng ta vẫn có cơ hội nhưng thực sự khó khăn, cần khéo léo và quyết liệt trong cải cách.

20

 

Ông Nguyễn Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước:

Quan trọng nhất là ổn định kinh tế vĩ mô

Chúng ta nên nhìn vào những thành tựu kinh tế 2016 để có niềm tin đối với năm 2017. Cụ thể, năm 2016, dù tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu đều ra, song nhìn lại cơ cấu tăng trưởng sẽ thấy khu vực dịch vụ và công nghiệp chế biến chế tạo, vốn là 2 động cơ chính của nền kinh tế có mức tăng cao hơn hẳn so với 2015. Chỉ số giá tiêu dùng CPI cũng đã tiến sát mục tiêu 5% của Chính phủ.

Chỉ số quản trị mua hàng PMI tăng trưởng mạnh nhất trong vòng một năm rưỡi trở lại đây nhờ đơn đặt hàng tăng mạnh, sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng đều tăng trưởng tốt. Thu hút đầu tư nước ngoài tăng trưởng tốt cả về đăng ký cấp mới và giải ngân.

Trong năm 2016, việc điều chỉnh chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước với tỷ giá trung tâm đã thành công khi tỷ giá các tháng trong năm hầu như ổn định; dấu hiệu đầu cơ ngoại tệ giảm đi nhiều. Mặt khác, việc tăng dự trữ ngoại hối lên cao, có tác dụng lớn trong việc giảm chi phí đi vay trên thị trường quốc tế.

Trong năm 2017, dự báo của các tổ chức thế giới đều cho rằng kinh tế thế giới sẽ phục hồi. Tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam tốt. Những biến động bất lợi cho nông nghiệp và khai khoáng sẽ không nghiêm trọng như năm 2016 và tăng trưởng kinh tế nước ta có thể sẽ không ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, những bất định cũng khá cao, trong đó có những bất ổn về xu hướng bảo hộ, điển hình như đồng NDT... Trong chính sách điều hành sắp tới, chúng tôi dự kiến mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng đề ra 6,7% và mục tiêu quan trọng nhất là ổn định kinh tế vĩ mô.

21

 

Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính:

Không có TPP, chúng ta vẫn còn “kiềng 4 chân”

Nhìn chung kinh tế năm 2017 vẫn được kỳ vọng tăng trưởng, khi chúng ta có dấu hiệu chuyển dịch cơ cấu sang lĩnh vực sản xuất công nghiệp, dịch vụ tạo giá trị gia tăng lớn.

Nhiều người nói rằng việc không thông qua TPP sẽ ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam, luồng vốn FDI vào nước ta sẽ giảm... Tuy nhiên, tôi lại không nghĩ như vậy. Từ trước tới nay, chúng ta chưa hề có TPP song vẫn tăng trưởng đều đó thôi. Không có TPP, chúng ta vẫn có Hiệp định thương mại Việt-Mỹ; Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - Nhật Bản; Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu hay Việt Nam - Liên minh châu Âu. Với chiếc kiềng 4 chân như vậy, chúng ta không nên dành quá nhiều thời gian để bàn về vận mệnh của TPP. Thay vào đó, doanh nghiệp cần nhìn năm 2017 với những thách thức khó khăn hơn, tính cạnh tranh quyết liệt hơn, vấn đề là lựa chọn quy mô nào để phát triển cho phù hợp.

22

 

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia:

Đường cong tăng trưởng đang đi lên

Theo tính toán, tăng trưởng trong giai đoạn 2015-2016, nền kinh tế Việt Nam đạt đỉnh vào quý II/2015, chạm đáy vào quý II/2016. Còn nửa cuối năm 2016 là giai đoạn đầu của chu kỳ tăng trưởng trở lại. Dự báo dài hạn, từ 2015-2023, phân tích cho thấy dù tốc độ không cao lắm nhưng nhìn chung đường cong tăng trưởng đi lên.

Chúng tôi dự báo trong năm 2017, lãi suất có thể tăng nhưng không cao lắm, từ 1% hoặc nhiều nhất là 2%, tùy thuộc vào sự điều hành của Ngân hàng Trung ương. Theo đó, áp lực tăng lãi suất đến từ 4 yếu tố. Một là, từ lạm phát và tăng lương cơ bản. Hai là, từ việc FED nâng lãi suất đồng USD, dự kiến sẽ nâng 3 lần trong năm 2017. Ba là, lãi suất liên ngân hàng đang nhích lên và có xu hướng vượt qua đáy. Bốn là, lợi suất trái phiếu Chính phủ đang có thiên hướng đi lên.

Ngoài ra, tình hình kinh tế cũng đang có một số áp lực khiến tỷ giá hối đoái có xu hướng tăng. Cụ thể, đó là khả năng thâm hụt thương mại trong năm tới có thể tăng lên rất nhiều, dự báo khoảng 4-5 tỷ USD. Bên cạnh đó là sự tăng giá của đồng USD và việc Trung Quốc điều chỉnh tới 2 lần tỷ giá hối đoái. Từ đây, chúng tôi dự báo tỷ giá hối đoái có thể tăng một vài phần trăm trong năm 2017.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.