70 năm truyền thống ngành GTVT

Kỳ 2: Thời khắc khủng khiếp nhất trong đời

30/01/2015, 16:05

"Chúng tôi thức trắng đêm, đốt thuốc lá liên tục. Ai nấy đều vừa phải trải qua những thời khắc khủng khiếp nhất".

161

Ông Phạm Hồng Sơn (thứ ba từ phải) trong một lần tháp tùng nguyên Bộ trưởng GTVT Đào Đình Bình (thứ bảy từ phải) và đoàn công tác của Bộ GTVT kiểm tra cầu Đắc Rông, Tây Nguyên

Thoát chết nhờ… nghiện thuốc lá

Khoảng 30 phút sau về đến Bệnh viện Đa khoa Kon Tum. Chúng tôi đưa những người bị thương vào cấp cứu. Tôi nói với các bác sỹ: “Cậu Bình bị thương rất nặng, đề nghị cho cấp cứu trước tiên”. Rồi Bình được đưa vào phòng để mổ ngay. Bác sỹ ái ngại: “Bị nặng thế này mà bệnh viện không có thuốc tốt để chữa trị đâu, muốn có thuốc phải mua ngoài đấy”.

Thế là anh em chúng tôi quyên góp tại chỗ, ai có gì góp nấy, tôi góp ngay chiếc đồng hồ Citizen đeo tay (chính hãng của Nhật, tài sản đáng giá nhất của tôi lúc bấy giờ). Chúng tôi kéo nhau ra ngoài tìm cửa hiệu bán thuốc Tây gõ cửa hỏi mua vì lúc đấy muộn rồi nên các cửa hiệu đều đã đóng cửa. Mua được thuốc về đưa ngay cho bác sỹ để cứu Bình.

Mặc dù rất thích T.H nhưng tôi dứt khoát “nghỉ chơi”, nhưng khi được cô ấy quan tâm tôi cũng cảm động. Lúc chia tay, tôi vẫn giữ thái độ bình thản.

Tuy vậy, trong lòng tôi vẫn cảm thấy bâng khuâng khó tả. Có lẽ đó là tâm trạng của những anh chàng độc thân khi có bạn gái đến thăm thì phải.

Tôi gặp chị Ưng, bác sỹ, chị của anh Chuông bạn thân của tôi. Chị hốt hoảng: “Sơn ơi, em bị thương thế nào đấy?”. Tôi bảo tôi có bị thương đâu, chỉ dính đầy máu của các anh em bị thương.

Thật buồn, 3h sáng hôm đó, chúng tôi nhận được thông tin từ các bác sỹ, Bình không qua được. Ngay trong đêm, chúng tôi đưa Bình xuống nhà xác, để cậu ấy nằm cạnh Hải. Giờ đây hai bạn lại ở bên nhau trong hoàn cảnh đau buồn khôn xiết.

Chúng tôi thức trắng đêm, đốt thuốc lá liên tục. Vừa trải qua những thời khắc khủng khiếp nhất của đời mỗi người nên ai cũng bơ phờ, không ai buồn ngủ cả. Chúng tôi thoát chết cũng nhờ… nghiện thuốc lá. Một lý do hết sức… lãng nhách. Nhưng đó lại là sự thật.

Chả là vì hết thuốc lá nên tôi mới bảo cậu Thuận ra khu kinh tế mới cách lán chúng tôi khoảng 2 km mua thuốc về hút. Thuận lái MTZ đi, bởi vậy khi quay trở về cậu ấy cứ thế chạy rất… vô tư vì tiếng máy MTZ nổ quá to át cả tiếng súng đạn của bọn Fulro. Có lẽ bọn chúng thấy xe cứ lao thẳng vào lán, đèn pha sáng rực không sợ súng đạn là “quân tiếp viện” nên bỏ chạy không tấn công lán chúng tôi nữa.

Tang thương lán trại công trường

Trời vừa sáng, công an tỉnh lên làm việc. Đầu tiên họ tiếp xúc với tôi để nghe tường thuật lại vụ việc. Họ tìm hiểu xem mình có mâu thuẫn gì với dân sở tại không? Có nghi ngờ ai không? Chưa chắc đã phải là Fulro tấn công chúng tôi…

Sau đó, công an đề nghị bệnh viện chứng tử và mổ pháp y, đồng thời yêu cầu tôi làm nhân chứng cho việc mổ tử thi. Thế là tôi lại phải xuống nhà xác đứng chứng kiến bác sỹ Súy (sau này là Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Kon Tum) mổ xẻ, kết luận về nguyên nhân cái chết của Hải và Bình.

Lúc này tử thi đã chuyển sang màu vàng như nghệ, lạnh ngắt và cứng đờ, tôi đứng đó mà không hề sợ hãi. Có thể vì họ là đồng đội của tôi. Hơn nữa sự việc diễn ra liên tục nên tôi cũng chưa kịp định thần mọi việc như bình thường chăng?

Tiếp đó, gần trưa công an xuống hiện trường và lần này họ cũng đề nghị tôi đi cùng để làm chứng. Trời ạ, người nhiệt tình, nhanh nhẹn thường hay “bị mời” làm chứng những việc không ai dám làm hay sao ấy. Tôi lên xe công an quay lại công trường.

Xuống đến nơi đã thấy có một tốp công an bảo vệ hiện trường từ lúc nào rồi. Bây giờ tôi mới nhìn thấy toàn cảnh rõ ràng cái lán tang thương của chúng tôi giữa ban ngày. Hai chiếc máy ủi nằm lặng câm dầu nhớt chảy lênh láng, vỏ đạn AK, AR15, M79 ngổn ngang rơi vãi xung quanh.

Lúc này, tôi mới biết tôi và nhiều người thoát chết trong gang tấc nhờ hai máy ủi kia hứng trọn những loạt đạn bắn thẳng về phía mình. Thảo nào khi đó tôi có nghe thấy tiếng nước chảy ào ào, hóa ra là tiếng chảy của dầu từ máy ủi tuôn ra do trúng đạn. Việc khôi phục tuyến đường 19 bis này sẽ cắt đứt hành lang chuyển quân của bọn Fulro nên chúng tấn công chúng tôi để ngăn chặn không cho triển khai.

Cảm xúc khó tả của anh chàng độc thân

Xong việc, tôi quay lại bệnh viện cùng anh chị em. Vì tất cả đều ở Pleiku nên chúng tôi xin chuyển viện đưa hai người bị thương về Bệnh viện Đa khoa tỉnh ở Pleiku. Mấy ngày sau, ngày 14/9/1985 là ngày đổi tiền, cứ 10 đồng đổi thành 1 đồng tiền mới. Tất cả chúng tôi đều hết sạch tiền vì đã quyên góp mua thuốc cứu thương nhẵn cả túi rồi.

Hàng ngày, tôi vào viện thăm và gặp gỡ gia đình của Minh – “chị nuôi công trường”. Gia đình cảm ơn tôi rối rít vì đã kịp thời băng bó và cứu cô ấy. Tôi bảo: “Có gì đâu ạ, việc làm bình thường mà ai ở vào vị trí như tôi lúc ấy cũng đều như vậy”. Rồi gia đình mời tôi lúc nào rảnh thì về thăm nhà cho biết, tôi đồng ý.

Nhắc lại việc này cũng xin nói thêm về công việc của các “chị nuôi công trường”. Họ còn rất trẻ, Lan 19 tuổi và Minh 17 tuổi, đều là con của gia đình kinh tế mới ở Gia Lu (nằm ở khoảng giữa Kon Tum và Pleiku), do anh em đơn vị thi công hợp đồng làm “chị nuôi”.

Tôi là giám sát A lên công trường công tác ở lại sinh hoạt ăn nghỉ chung với anh chị em trong lán, nhưng vì là khách nên thường được các chị nuôi quan tâm đặc biệt hơn. Đổi lại, các buổi tối, tôi hay kể chuyện phim, chuyện sách báo cho họ nghe.

Thời đó phần lớn các công trường cầu đường miền núi đều rất đói về mặt tinh thần, đói thông tin và đói cả văn hóa… nhưng vì công việc và cũng vì yêu nghề nữa nên mọi người đều chấp nhận và vượt qua. Tôi lại còn độc thân nên các cô ấy cũng có thiện cảm hơn, nhất là Lan. Tuy nhiên, tôi luôn giữ khoảng cách vì sợ “sa lầy” ở công trường thì chết!

Về Pleiku, buổi tối tôi nghỉ ở nhà vợ chồng cô Thủy, là em ruột tôi. Cũng có hôm Lan đến chơi, chúng tôi trò chuyện thân tình rồi ra về chia tay như những người bạn. Sau khi lành vết thương, một buổi tối Minh tìm đến nhà thăm tôi, ở lại ăn cơm và nói: “Tối nay em nghỉ lại ở đây nhé, vì bây giờ về Gia Lu thì xa quá, không có xe”.

Nhà thì của vợ chồng em gái, nhưng vì Thủy rất tôn trọng và quí anh trai nên nhiệt tình nhận lời ngay. Thế là tôi phải thu xếp cho cô ấy ngủ lại ở tầng trệt, còn tôi leo lên tầng ngủ… một mình. Lần đầu tiên trong đời một thanh niên trai tráng độc thân như thế này, sự việc khiến tôi bồn chồn không ngủ được. Có điều gì đó cứ thôi thúc tôi đi xuống nhà dưới, nhưng trong đầu tôi lúc đó chỉ nghĩ đến một người.

Buổi tối mà Minh ngủ lại, hình như dành cho tôi một sự quan tâm rất đặc biệt. Mặc dù Minh không nói ra nhưng tôi cảm nhận được tình cảm của một người thôn nữ tuổi 17 dành cho mình. Tuy nhiên, với bản tính nhút nhát và rất nghiêm túc, cái nghiêm túc của sự giáo dục của chế độ, của gia đình, của xã hội thế hệ chúng tôi, đã ngăn cản tôi, không cho tôi lợi dụng lòng tốt và tình cảm của bạn gái khi mà mình chưa xác định nghiêm túc về trách nhiệm, về tương lai. Và, người mà tôi nghĩ đến lúc đó chính là T.H. Tất cả những điều đó đã giữ chặt tôi nằm thao thức cho đến khi trời sáng. Tôi tiễn Minh ra về, cô ấy trầm tư không nói năng gì, có vẻ buồn nhưng biết làm sao được.

Những ngày các bạn nằm viện trị thương, tôi thường xuyên có mặt ở đó, nhiều bạn bè tưởng tôi bị thương nên vào thăm. Trong số đó có T.H, cô ấy đi cùng cậu Vinh làm cùng cơ quan vào thăm tôi. Đây chính là người mà lúc nằm dưới làn đạn của Fulro chờ đợi thần chết đưa đi tôi có nghĩ đến. Thời gian này tôi đang rất giận cô ấy vì đã có những lời nói và nhận xét không được hay về tôi.

Còn nữa...

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.