Giao thông

Kỳ 4: Loại tối đa thủ tục rườm rà

15/12/2014, 07:08

Trong khi ngành Đường sắt đang nỗ lực cải cách, tạo thuận lợi cho khách hàng, dần lấy lại thương hiệu vốn bị "bào mòn" từ nhiều năm qua thì ngành Đường thủy cũng không kém cạnh...

Xếp dỡ hàng hóa tại ga Hà Nội Ảnh: Xuân Đoàn
Xếp dỡ hàng hóa tại ga Hà Nội

Đường sắt: Vé dễ mua, thủ tục hàng hóa cũng thuận

Chị Nguyễn Thị Bình (thuê trọ ở đường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội) rất vui vì vừa mua được tấm vé tàu về Thanh Hóa ăn Tết. Chị Bình thực hiện mua vé qua hệ thống bán vé điện tử vừa khai trương nên khá dễ dàng trong việc chọn lựa hành trình, loại chỗ phù hợp. “Tôi không phải trực tiếp ra ga cách chỗ trọ khoảng hơn chục cây số mà có thể ngồi nhà và truy cập vào website để mua vé tàu. Giao diện đơn giản và dễ dùng”, chị Bình chia sẻ.

“Chưa năm nào việc mua vé tàu lại dễ như năm nay”, ông Trần Ngọc Thành - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN (VNR) khẳng định, từ cuối tháng 11 khi hệ thống bán vé tàu điện tử được khai trương và đưa vào hoạt động đã tạo thuận lợi rất lớn cho hành khách mua vé tàu. Đến nay, dù còn hai tháng nữa mới đến Tết Âm lịch nhưng lượng vé tàu Tết đã bán được một nửa. Để tạo thuận lợi nhất cho hành khách, VNR đã ký với Ngân hàng VIB và Tổng công ty Bưu điện VN thực hiện dịch vụ thu hộ vé tàu.

Theo tính toán, trung bình một ngày bán được khoảng 12 nghìn vé tàu qua hệ thống bán vé điện tử này. Dù lượng truy cập rất lớn, có thời điểm lên đến 30 nghìn lượt nhưng cũng không bị nghẽn mạng. Tới đây, khi hệ thống hoàn thiện, sẽ cho phép in vé điện tử, khi đó, hành khách không phải ra ga lấy vé.  

176 thủ tục hàng không đã được rà soát

Theo Cục Hàng không VN, đơn vị này đã rà soát 176 thủ tục hành chính và đề xuất bãi bỏ 9 thủ tục, giảm thời gian giải quyết và thành phần hồ sơ của 109 thủ tục và gộp rất nhiều thủ tục hành chính có thành phần hồ sơ, trình tự giải quyết giống nhau. Nhiều thủ tục được bãi bỏ vì không thể hiện được hiệu quả quản lý, không khả thi hoặc vì luật hiện hành đã bãi bỏ thủ tục này.

T.B

Cùng với đó, nói đến cải cách thủ tục hành chính ở khâu khách vận, không thể không nhắc tới việc các nhà ga đã bỏ quy định mua vé đón tiễn. Thực tế mỗi vé đón tiễn chỉ một đến hai nghìn đồng nhưng lại gây nhiều phiền phức cho hành khách. Nhất là những khi khách đông, hành khách không có tiền mệnh giá nhỏ nên rất mất thời gian. Khi bỏ thủ tục này, hành khách có thể thoải mái hơn trong đón tiễn người thân ở sân ga.

Liên quan đến thủ tục hàng hóa, tại ga Giáp Bát, ông Trần Xuân Mạnh, Giám đốc CTCP Vận tải Xuyên Việt cho biết vừa mất chưa đầy 5 phút để hoàn tất thủ tục của mình. “Trước đây, cùng một chủ hàng thuê chở tàu chuyên tuyến nhưng mỗi toa xe đều phải viết một hóa đơn. Hóa đơn phải viết bằng tay có bốn liên nên rất mất thời gian. Nay thủ tục này đã được rút gọn chỉ còn phải viết một hóa đơn cho cả 17 toa là xong”, ông Mạnh nói. 

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Ngô Ngọc Sơn, Phó ga phụ trách hàng hóa ga Giáp Bát cho biết, trước đây có hàng đến ga rồi, anh hóa vận mới làm kế hoạch xe ra đón, rồi kế hoạch bốc xếp. Nhưng giờ, khách hàng chỉ cần điện thoại thông báo ngày giờ mang hàng đến ga, chủng loại hàng là chúng tôi đã lập kế hoạch xe và xếp dỡ nhanh chóng, thuận tiện. Ngoài ra, từ 6 bậc cước, ngành Đường sắt cũng giảm xuống còn hai bậc. Vì thế, việc tra cứu, định giá cước vận chuyển rất dễ dàng. Khách hàng cũng chủ động được mức cước phải trả. 

Đường thủy: Phân cấp mạnh mẽ cho địa phương

Đường thủy, trước đây vốn “nổi tiếng” vì sự trì trệ, nay đã đổi mới hoàn toàn. “Cải cách vì dân, vì doanh nghiệp” ở đường thủy thực sự là một cuộc cách mạng. 

Chiều 13/12, tại cảng Hà Nội, thuyền trưởng Trần Văn Khắc của tàu 400 tấn BN-0771 đang bốc dỡ xi măng chia sẻ, làm thủ tục cho tàu chưa bao giờ nhanh và thuận như bây giờ. “Dù tàu đến, đi vào giờ nào, chỉ cần điện thoại là cảng vụ viên đến tận nơi làm thủ tục cho tàu cập cảng, xuất cảng, chứ không phải lên tận trụ sở của cảng vụ để trình báo”, ông Khắc nói. 

Hơn nữa, theo ông Khắc, từ 1/1/2015, theo quy định mới là tàu thuyền khi vào các cảng, bến thủy trong cùng một vùng nước cảng biển để chuyển tải chỉ còn phải làm một lần thủ tục vào cảng, bỏ bớt việc phải nộp trình giấy phép rời cảng cuối cùng. 

Liên quan đến thủ tục của cảng bến thủy, ông Bùi Văn Huy, Phụ trách vận tải Công ty TNHH Bình Minh (Bắc Ninh) cho biết, đơn vị đang khảo sát để xin phép xây dựng cảng hoặc bến hàng hóa trên sông Đuống. 

“Từ năm 2015, việc xây dựng cảng được giảm rất nhiều thủ tục như bỏ bản sao giấy chứng nhận “sổ đỏ” của đất, xác nhận hoàn thành lắp đặt báo hiệu đường thủy, xác nhận hoàn thành thanh thải chướng ngại vật, bỏ xác nhận về cầu cảng không nằm trong hành lang bảo vệ luồng và vùng nước trước cảng chồng lấn với luồng”, ông Huy cho biết, từ năm sau thủ tục cấp và cấp lại giấy phép hoạt động bến thủy nội địa đều do Sở GTVT địa phương cấp, không còn phải đến tận cơ quan thuộc Cục Đường thủy nội địa VN như hiện nay nữa. 

Theo ông Nguyễn Hồng Tuyên, Phó trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Cục Đường thủy nội địa VN, Luật Giao thông Đường thủy nội địa sửa đổi, bổ sung sẽ có hiệu lực từ 1/1/2015. Và để hướng dẫn thực hiện, nội dung một số thông tư được Bộ GTVT ban hành và có hiệu lực từ tháng 1/2015 đã bỏ đi 10 thủ tục liên quan trong chấp thuận cho phương tiện thủy nội địa tham gia vận tải qua biên giới, gộp 16 thủ tục tương tự vào 8 thủ tục và đơn giản hóa về trình tự giải quyết, thành phần hồ sơ 44 thủ tục. Các thủ tục đều được quy định rõ ràng thời hạn giải quyết hoặc thông báo kết quả. 

Ông Vương Hữu Truyền, Giám đốc Sở GTVT Bắc Ninh cho rằng, việc giảm bớt những thủ tục trong quản lý cảng bến, phương tiện và nhất là sự phân cấp nhiều hơn cho địa phương thể hiện tư duy mới trong quản lý. 

Thiện Anh - Hồng Xiêm  

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.