Điều tra

Kỳ án thủ phạm biệt tăm, phụ xe ra tù vẫn kêu oan

21/04/2019, 06:04

Ước muốn duy nhất của anh Hương làm sao từ giờ đến khi nhắm mắt xuôi tay có thể giải được nỗi oan để không còn mang tiếng là một tên tội phạm.

img
Anh Hương mong muốn trước khi nhắm mắt xuôi tay được minh oan và để mọi người không nghĩ mình là một tên tội phạm

Tới nay, khi đã ra trại được gần chục năm nhưng chưa khi nào anh Phạm Văn Hương (SN 1970, trú tổ 3, thị trấn Tiền Hải, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) nguôi ngoai về nỗi oan khuất đang mang.

Theo đơn kêu cứu được anh Hương gửi tới Báo Giao thông, anh Hương ví mình như “Nguyễn Thanh Chấn phiên bản 2” bởi hung thủ thực sự của vụ án vẫn đang biệt tích. Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án gồm các bản kết luận điều tra, cáo trạng và đặc biệt là 6 bản án cả sơ thẩm và phúc thẩm, PV nhận thấy nội dung kêu oan của anh Hương là có cơ sở.

Oan gia vì cả nể?

Câu chuyện bắt đầu từ chiều 15/3/2004, khi đang chơi bên nhà bố vợ thuộc xã Tây Giang, huyện Tiền Hải thì bất ngờ 2 người đàn ông đến tìm anh Hương. Trong hai người này, có một người cùng làng tên Tú. Anh Tú giới thiệu người đi cùng là Bùi Văn Tuận, người xã Tây Ninh, huyện Tiền Hải. Tuận nói với anh Hương rằng, rạng sáng 16/3/2004 có đưa một đoàn gồm 24 người cùng thôn đi lễ đầu năm. Lộ trình từ Thái Bình vào Thừa Thiên - Huế. Tuận nói không quen chạy tuyến Bắc - Nam nên rất cần một người thông thạo đi cùng hỗ trợ.

Anh Hương cho biết, dù Tuận ra sức nài nỉ nhưng lúc này anh đã từ chối khéo. Tối cùng ngày, một lần nữa Tuận lại cùng Tú đến nài nỉ. Cả nể, anh Hương đã miễn cưỡng nhận lời đi cùng để hỗ trợ cho Tuận. Sau đó hai bên hẹn nhau đúng 12h đêm Tuận sẽ đánh xe tới đón anh Hương để lên đường.

Đúng hẹn, Tuận đến đón anh Hương. Lên xe, anh Hương ngồi ở hàng ghế giữa xe, còn Tuận lái xe khởi hành theo lộ trình đã định trước. Khi xe chạy qua địa phận TP Thanh Hóa, anh Hương nói với Tuận: “Đường từ đây vào Vinh là đoạn đường dễ đi nên anh cứ chạy, tôi chợp mắt một lát cho đỡ mệt”. Kể từ khi đó, anh Hương ngủ và không biết gì về các diễn biến tiếp theo.

Đến khoảng 3h30, chiếc xe khách do Tuận điều khiển đã gây ra vụ tai nạn tại địa bàn xã Quảng Trung, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Vụ tai nạn khiến 5 người chết. Do đang ngủ ở hàng ghế sau nên anh Hương may mắn chỉ bị gãy chân phải và ngất lịm đi. Tới khi tỉnh lại, anh Hương mới biết mình đang nằm trong bệnh viện.

Ngày 19/3/2004, khi vẫn đang phải nằm điều trị tại bệnh viện, cán bộ điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã tới làm việc và lấy lời khai của anh Hương. Anh Hương đã khai báo, trình bày đầy đủ những tình tiết liên quan tới vụ tai nạn mà mình biết được. Sau buổi làm việc, anh Hương bất ngờ nhận được một giấy triệu tập của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa. Dù vẫn đang trong quá trình điều trị thương tích nhưng anh Hương vẫn cố gắng thu xếp. Tuy nhiên, tại buổi làm việc này, cán bộ điều tra thông báo CQĐT đã khởi tố vụ án, đồng thời xác định anh Hương chính là lái xe gây ra vụ tai nạn nên khởi tố bị can. Cuối buổi làm việc, cơ quan điều tra đã thực hiện ngay lệnh bắt tạm giam đối với anh Hương.

img
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc của anh Hương

Hai lần hủy án vì buộc tội chỉ dựa vào lời khai mâu thuẫn

Sau gần 8 tháng, ngày 6/11/2004, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đã ban hành bản kết luận điều tra, kết luận anh Hương chính là người điều khiển ô tô BKS 14L-1837 gây ra vụ tai nạn. Ngày 17/11/2004, VKSND tỉnh Thanh Hóa ban hành cáo trạng truy tố anh Hương. Gần hai tháng sau đó, ngày 10/1/2005, TAND tỉnh Thanh Hóa đã mở phiên tòa sơ thẩm, tuyên phạt anh Hương 9 năm tù giam.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, trong vụ án này, Bùi Văn Tuận không bị khởi tố bị can là bởi theo xác định của CQĐT thì người trực tiếp lái xe gây ra vụ tai nạn là anh Hương chứ không phải Tuận. Theo quy định thì việc truy nã chỉ được thực hiện khi đã có quyết định khởi tố bị can, đồng thời xác định bị can đó hiện đang bỏ trốn. “Tuy nhiên, sau khi xảy ra vụ án, Tuận và anh Hương có những lời khai mâu thuẫn nhau, do đó cả anh Hương và Tuận đều là nghi can. Việc không áp dụng bất cứ biện pháp ngăn chặn nào đối với Tuận, sau đó để Tuận bỏ trốn là một điều hết sức bất thường”, luật sư nói.

PV Báo Giao thông đã liên hệ làm việc với Cơ quan CSĐT để tìm hiểu việc vì sao thời điểm xảy ra vụ án, CQĐT không triệu tập Bùi Văn Tuận để đối chất, không tiến hành thực nghiệm điều tra theo yêu cầu của anh Hương, không giám định vết vân tay trên vô lăng... Tuy nhiên, đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Theo luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), người trợ giúp pháp lý cho anh Hương, điều đáng chú ý là tài liệu mà TAND tỉnh Thanh Hóa đánh giá là chứng cứ để kết tội anh chỉ gồm lời khai của những người đi cùng chuyến xe (cũng được coi là người làm chứng), lời khai những người dân địa phương nơi xảy ra vụ tai nạn và đặc biệt là lời khai của Bùi Văn Tuận (chủ xe, cũng là nghi can số 1 trong vụ án, người đã cùng vợ con trốn khỏi địa phương ngay khi đó) chứ không dựa trên bất cứ tài liệu nào khác cần phải có trong một vụ án về TNGT như: Biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản thực nghiệm hiện trường, biên bản xem xét dấu vết vân tay trên vô lăng, giám định pháp y về thương tích, biên bản đối chất...

Sau khi bị TAND tỉnh Thanh Hóa kết án và tuyên phạt 9 năm tù, anh Hương đã làm đơn kháng cáo kêu oan. Ngày 28/4/2005, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án, hủy bản án sơ thẩm, yêu cầu điều tra lại, đồng thời khẳng định có căn cứ khẳng định người lái xe ô tô vào đến địa phận tỉnh Thanh Hóa chính là Bùi Văn Tuận.

Trong lần điều tra lại lần này, CQĐT Công an tỉnh Thanh Hóa tiếp tục không tiến hành cho anh Hương đối chất với Bùi Văn Tuận bởi trước đó Tuận đã cùng vợ con bỏ trốn; không tiến hành xem xét dấu vân tay trên vô lăng lái như nhiều lần anh Hương yêu cầu; không tiến hành thực nghiệm điều tra để xác định tư thế văng của người lái xe khi xảy ra tai nạn.

Theo luật sư Cường, CQĐT chỉ thực hiện yêu cầu của Tòa án cấp phúc thẩm một cách chiếu lệ, cho xong, dường như không thực tâm muốn tìm ra sự thật khách quan của vụ án. Ngày 26/7/2005, TAND tỉnh Thanh Hóa đã mở phiên tòa sơ thẩm lần 2, tuyên anh Hương 11 năm tù, thay vì 9 năm như bản án đầu tiên. Tài liệu mà HĐXX đánh giá là chứng cứ buộc tội anh Hương vẫn chỉ là lời khai của những người đi cùng chuyến xe hôm xảy ra tai nạn, trong khi những lời khai này lại đầy mâu thuẫn.

Sau đó, anh Hương tiếp tục kháng cáo. Ngày 17/1/2006, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội một lần nữa mở phiên phúc thẩm. Những tài liệu được tòa án cấp sơ thẩm đánh giá là chứng cứ buộc tội anh Hương một lần nữa đã bị HĐXX cấp phúc thẩm bác bỏ, đồng thời nhấn mạnh cần thiết phải triệu tập được Bùi Văn Tuận để tiến hành đối chất. HĐXX tiếp tục quyết định hủy bản án sơ thẩm lần 2, yêu cầu điều tra lại. Tuy nhiên, một lần nữa CQĐT, VKSND tỉnh Thanh Hóa không tiến hành triệu tập Bùi Văn Tuận để thực hiện việc đối chất; Không tiến hành thực nghiệm điều tra theo yêu cầu nêu trong bản án phúc thẩm lần 2.

Ngày 5/10/2006, TAND tỉnh Thanh Hóa đã mở phiên toà xét xử sơ thẩm lần thứ 3, tiếp tục kết luận anh Hương là người điều khiển xe gây tai nạn, xử phạt anh Hương 10 năm tù. Tuy nhiên, điều bất ngờ hơn, Tòa án cấp phúc thẩm tại phiên tòa phúc thẩm lần 3 lại không bảo vệ tới cùng quan điểm của mình thể hiện trong 2 bản án phúc thẩm trước đó. Trong lần xét xử phúc thẩm lần 3, HĐXX đã đồng thuận với quan điểm của TAND cấp sơ thẩm, tuy nhiên sửa một phần bản án, tuyên anh Hương 9 năm tù.

Ra tù và những năm tháng miệt mài kêu oan

Dù hoàn toàn không đồng ý với nội dung của bản án nhưng theo quy định của pháp luật, bản án phúc thẩm được ban hành sẽ có hiệu lực pháp luật ngay. Do vậy, dù không đồng ý với nội dung bản án thì anh Hương vẫn phải chấp hành phán quyết.

Theo quy định của pháp luật, anh Hương chỉ có một con đường duy nhất đó là gửi đơn khiếu nại tới Chánh án TAND Tối cao hoặc Viện trưởng VKSND Tối cao đề nghị những người này kháng nghị bản án phúc thẩm và đề nghị giám đốc thẩm lại vụ án. Tuy vậy, dù cho đơn khiếu nại có được chấp thuận thì trong quá trình cơ quan có thẩm quyền giải quyết đơn khiếu nại, anh Hương vẫn phải chấp hành bản án sơ thẩm đã được tuyên.

3 năm tạm giam dài đằng đẵng, chấp hành hình phạt tù theo bản án thêm được 3 năm nữa là 6 năm, do lao động, cải tạo tốt nên năm 2010, anh Hương đã được ra tù trước thời hạn.

Chia sẻ với PV, anh Hương cho biết, vào trại giam, chân phải của anh từ sau vụ tai nạn không được điều trị đã bị hoại tử. Dù được mọi người rất thương cảm và động viên nhưng nỗi uất hận về việc bị kết án oan vẫn luôn thường trực trong anh. Có những lúc uất hận mà không thể làm gì được, anh mang suy nghĩ cố gắng chấp hành tốt để sớm ra trại và đi tìm Bùi Văn Tuận để trả thù. Tiêu cực hơn, có những lúc anh toan tìm tới cái chết để quyên sinh, nhưng nghĩ đến người mẹ già mà mình chưa kịp báo hiếu, nghĩ tới người vợ quê lam lũ, tần tảo chịu bao vất vả cực nhọc thay mình nuôi con anh mới dần bình tâm trở lại để tiếp tục sống.

Trong khi chồng phải đi chấp hành án và không có điều kiện kêu oan, vợ anh Hương - chị Phạm Thị Thủy một mặt vẫn phải lo kinh tế gia đình, chăm lo mẹ già và đứa con nhỏ, thêm vào đó dành dụm tiền để định kỳ đi thăm nuôi, tiếp tế cho chồng. Ngoài ra, chị cũng không quản ngại vất vả, tốn kém, vay mượn khắp nơi để có tiền lo kêu oan cho chồng.

Thời gian gần đây, anh Hương lại tiếp tục có những đơn thư gửi tới những cơ quan có thẩm quyền để kêu oan, những mong được các cơ quan này lưu tâm, từ đó có những hoạt động cụ thể để có thể minh oan cho anh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.