Chính trị

Kỳ họp thứ hai, QH khóa XIV: Đổi mới thảo luận và chất vấn

20/10/2016, 07:12
image

Tại kỳ họp này các phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được lựa chọn theo từng nhóm vấn đề...

7

Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời phỏng vấn báo chí

Tại kỳ họp này các phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được lựa chọn theo từng nhóm vấn đề, trên cơ sở các nhóm vấn đề đó sẽ chọn ra 4 thành viên Chính phủ trả lời chất vấn, các Bộ trưởng, trưởng ngành khác cũng sẽ có mặt để trả lời bổ sung các vấn đề liên quan khi cần thiết.

Ghi phiếu chọn thành viên Chính phủ trả lời chất vấn

Trao đổi với Báo Giao thông về dự kiến chương trình nội dung kỳ họp, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, kỳ họp lần này kéo dài trong 26 ngày, dự kiến bế mạc vào ngày 23/11.

Ngoài các nội dung về công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội cũng dành khoảng 10 ngày làm việc để xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ, MTTQ Việt Nam, TAND Tối cao, VKSND Tối cao và quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước…

"Trọng tâm của kỳ họp này là tập trung vào nội dung xây dựng luật. Một tinh thần đã được quán triệt rất rõ đến cho từng ĐBQH là phải làm sao xây dựng luật chặt chẽ, kỹ lưỡng, chắc chắn. Nếu vấn đề trong các dự án luật được đem ra bàn mà chưa chắc chắn, còn nhiều ý kiến khác nhau thì mạnh dạn để lại, tới khi nào đủ điều kiện mới biểu quyết thông qua, tránh trường hợp thông qua luật rồi lại phải sửa đổi, bổ sung."

ĐB Trương Minh Hoàng
Phó chủ nhiệm Ủy ban KH-CN&MT

Theo thông lệ tại các kỳ họp trước, lần này Quốc hội cũng dành ra 2,5 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, hoạt động chất vấn vào kỳ họp cuối năm sẽ chọn ra những nhóm vấn đề mà cử tri bức xúc, quan tâm nhất để xin ý kiến các ĐBQH. Trên cơ sở các nhóm vấn đề mà ĐBQH đã chọn sẽ lựa chọn các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn. Các ĐBQH sẽ tiến hành việc này bằng hình thức ghi phiếu để quyết định xem sẽ chọn nhóm vấn đề nào, chọn thành viên Chính phủ nào.

Tổng thư ký Quốc hội cũng cho biết, tại phiên chất vấn, ngoài Thủ tướng và 4 Bộ trưởng, trưởng ngành tham gia trả lời chất vấn thì các thành viên Chính phủ khác cũng sẽ có mặt, vì đa số các thành viên Chính phủ đều là ĐBQH.

Trước đó có ý kiến đề xuất cho rằng tại phiên họp Quốc hội, nên tập trung chất vấn Thủ tướng thay vì các Bộ trưởng, còn các Bộ trưởng nên để phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn, như thế sẽ rõ hơn vấn đề trách nhiệm, không phải “lòng vòng” qua các Bộ trưởng mà chỉ cần câu trả lời của người đứng đầu Chính phủ. Tuy nhiên, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, thực hiện theo phương án đó là không đúng quy tắc, bởi chất vấn là quyền của ĐBQH, ĐBQH có thể chất vấn bất cứ ai, kể cả Chủ tịch Quốc hội. Hơn nữa, các Bộ trưởng, trưởng ngành là người sâu sát và nắm rõ vấn đề hơn nên chất vấn sẽ hiệu quả hơn. Thủ tướng có trách nhiệm riêng của người đứng đầu Chính phủ, không thể làm thay các thành viên Chính phủ. Tại các kỳ họp cuối năm, bao giờ Quốc hội cũng dành thời gian để Thủ tướng trả lời chất vấn.

>>> Xem thêm video:

Tăng tối đa thời gian tranh luận

Nói về điểm đổi mới trong hoạt động chất vấn, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, kỳ họp này sẽ cố gắng tạo điều kiện tối đa cho các ĐBQH có thể thực hiện quyền chất vấn của mình đối với các thành viên Chính phủ. Nếu hết thời gian trên hội trường vẫn có thể tạo điều kiện cho ĐBQH chất vấn hết, sau đó các thành viên Chính phủ trả lời bằng văn bản. Ngoài ra, cũng đang xây dựng quy chế về tổ chức hoạt động giám sát, chất vấn để Thường vụ Quốc hội thông qua. Có quy chế này, công tác giám sát hiệu quả của việc chất vấn sẽ được thực hiện tốt hơn.

Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội nói chung, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cũng nhấn mạnh sẽ tạo điều kiện để các ĐBQH có thể tranh luận tối đa trên hội trường. Đáng lưu ý, sau khi nghe Chính phủ trình bày các báo cáo, có thể mời Bộ trưởng, trưởng ngành liên quan trực tiếp đến những vấn đề trong báo cáo lên tranh luận với các ĐBQH để làm rõ hơn vấn đề.

Với các dự án luật được trình Quốc hội xem xét, thông qua, ông Phúc nhấn mạnh, quan điểm Quốc hội sẽ xem xét một cách chặt chẽ, nếu luật trình ra Quốc hội rồi mà không đủ điều kiện, không đảm bảo chất lượng thì Quốc hội kiên quyết sẽ trả về.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.