Trong nước

Kỳ thủ Việt Nam, chơi cờ hái tiền tỉ thế nào?

17/02/2018, 08:00

Mới 8 tuổi, ngay sau chức vô địch, kỳ thủ Nguyễn Lê Cẩm Hiền đã có bước đại nhảy vọt về thu nhập.

101

Quang Liêm nhận trọn phần thưởng 13.000 USD cho người về đầu tại giải cờ vua quốc tế HDBank 2017 - Ảnh: Bạch Dương

Kể từ khi khởi nghiệp, nhà vô địch thế giới Lê Quang Liêm đã kiếm được cả chục tỷ đồng, cao điểm có năm 2 - 3 tỷ đồng. Nguyễn Lê Cẩm Hiền, một kỳ thủ mới chỉ 10 tuổi đã có sổ tiết kiệm nửa tỷ đồng. Tuy đây không phải là mặt bằng chung, song các kỳ thủ Việt ở cỡ tuyển thủ quốc gia cũng có thể sống ổn nhờ chính vào việc đánh cờ lĩnh thưởng.

Quang Liêm kiếm tiền kiểu nghiệp dư vẫn có 10 tỷ

Siêu kỳ thủ Lê Quang Liêm chưa bao giờ đấu cờ vì tiền, nhất là khi anh sinh ra trong một gia đình rất có điều kiện ở đất Sài thành. Tuy nhiên, với tài năng và sự thăng tiến ngoạn mục về chuyên môn của mình, anh lại dễ dàng kiếm được những khoản tiền thưởng “khủng” nhờ việc tranh tài tại các giải đỉnh cao quốc tế hay đấu thuê cho các CLB nước ngoài.  

Trong làng thể thao Việt, cờ vua là môn hiếm hoi áp dụng triệt để quy định rất “thoáng” của quốc tế cho phép các kỳ thủ chuyển nhượng dễ dàng, để vừa phát huy được tài năng, vừa có thêm thu nhập. Nhờ thế, một loạt tên tuổi của cờ vua Thừa Thiên - Huế như: Bảo Trâm, Như Ý, Kim Phụng thay vì chấp nhận mức thu nhập bèo bọt 2 - 3 triệu đồng/tháng, đã có thể tìm đến bến đỗ mới như: Bắc Giang, Hà Nội, Bình Dương để có mức thu nhập cao hơn cả chục lần.

Kể từ năm 2010, anh đã có tới 5 năm liên tiếp đều đặn nhận tiền tỷ. Trong đó, đỉnh cao như năm 2013 đại thắng, tiền thưởng của Liêm đã đạt mức 3 tỷ đồng. Thậm chí, tại giải cờ nhanh vô địch thế giới diễn ra trong đúng 4 ngày, chàng tuyển thủ con nhà giàu này đã nhận tới 1,3 tỷ đồng cho một ngôi vô địch cùng một vị trí thứ 4. Tính ra, chỉ trong đúng 5 năm, Liêm đã sở hữu trên 10 tỷ đồng, để gia nhập danh sách những tỷ phú hiếm hoi của làng thể thao Việt.

Tuy nhiên, nếu xét trên phương diện kiếm tiền, như lời của chuyên gia Đặng Tất Thắng, Liêm lại quá nghiệp dư. Anh chưa từng tập trung toàn bộ cho nghiệp cờ, mà bị phân tán quá nhiều cho các mục tiêu khác, đặc biệt là chuyện học văn hóa. Trong hai năm gần đây, khi trở thành sinh viên của Đại học Webster (Mỹ), kỳ thủ sinh năm 1991 dành 60 - 70% quỹ thời gian cho việc học tập, nghiên cứu. Mỗi năm, Liêm chỉ có thể thu xếp dự tranh 3 - 4 giải phù hợp. Bởi thế, không chỉ phong độ trồi sụt mà khoản tiền thưởng tụt xuống chỉ khoảng vài trăm triệu đồng. Trong khi đó, với đẳng cấp của một siêu kỳ thủ, Liêm là khách mời VIP của hàng loạt các giải hàng đầu thế giới, được rất nhiều CLB của Mỹ, Đức, Pháp, Trung Quốc săn đón. Chưa kể, niềm tự hào của cờ vua Việt Nam cũng không hề mặn mà với các dự án quảng cáo hay tài trợ.

Theo giới chuyên môn, chỉ cần Quang Liêm đi đúng mẫu hình giống như các đấu thủ chuyên nghiệp cùng đẳng cấp, giờ đây anh đã có thể đứng trong Top 15, hay Top 10 thế giới chứ không phải vị trí thứ 25. Cùng đó, ít nhất, anh đã có gấp đôi thay vì chỉ gần như dừng lại mức 10 tỷ đồng đã sở hữu trước đó.  

8 tuổi đã có nhà tài trợ cùng thẻ tiết kiệm “khủng”

Mới 8 tuổi, ngay sau chức vô địch giải trẻ vô địch thế giới,  kỳ thủ nhí Nguyễn Lê Cẩm Hiền đã có bước đại nhảy vọt về thu nhập, cũng như có thể kiếm ra tiền trên chính bàn cờ. Không chỉ được ngành Thể thao Quảng Ninh đặc cách cho hưởng chế độ VĐV tuyến 1 với mức còn cao hơn cả lương bố, mẹ là HLV cờ, cô bé thông minh, đáng yêu còn có được hai hợp đồng tài trợ để có thể mỗi năm xuất ngoại tranh tài 5 - 7 giải tự chọn. Cẩm Hiền đã mang hơi hướng của một kỳ thủ chuyên nghiệp quốc tế, với khoản thu nhập đều và ổn nhờ thành tích xuất sắc. Trung bình mỗi năm, em tranh tài trên chục giải đấu trong và ngoài nước. Giải ít cũng được vài trăm USD, giải nhiều lên tới vài nghìn USD.

Theo tiết lộ từ mẹ của Cẩm Hiền HLV Phương Liên, người trực tiếp huấn luyện em, gia đình đã làm cho con gái nhỏ một sổ tiết kiệm cho mọi khoản thu nhập của Hiền nhằm phục vụ những mục tiêu lớn trong tương lai, ví như để đi tập huấn tại một trung tâm đào tạo quốc tế nào đó. Cuốn số tiết kiệm của kỳ thủ 10 tuổi cũng đã khoảng nửa tỷ đồng.

Một điển hình khác chính là gương mặt đang được kỳ vọng Nguyễn Anh Khôi. Mới 15 tuổi, mỗi tháng Khôi đã bỏ túi không dưới 15 triệu đồng tiền chế độ đầu tư của ngành Thể thao TP HCM. Ngoài ra, Khôi còn kiếm thêm được những khoản đáng kể nhờ tài cờ hiếm có. Đơn cử năm 2017, năm mà Khôi đã đoạt tới hai HCV giải trẻ thế giới, em lĩnh thưởng không dưới 500 triệu đồng.

Khó giàu song sống ổn

Như nhận định của Tổng thư ký Liên đoàn Cờ Việt Nam Nguyễn Anh Thư, dù số kỳ thủ được như Quang Liêm hay Cẩm Hiền rất hiếm, nhưng ngày càng có nhiều kỳ thủ sống ổn, sống tốt từ chính việc kiếm tiền trên bàn cờ. Một giải quốc gia cũng có mức thưởng vài chục triệu đồng cho nhà vô địch, hay một giải quốc tế như HD Bank Cup do Việt Nam đăng cai, có tổng thưởng lên tới 45 nghìn USD. Tầm cỡ từ tuyển thủ quốc gia hay kiện tướng quốc gia đã có thể có thu nhập 20 - 30 triệu đồng, thậm chí 50 triệu đồng/tháng.

Rõ nhất như trường hợp của hai vợ chồng kỳ thủ Nguyễn Ngọc Trường Sơn và Phạm Lê Thảo Nguyên. Cả hai hiện đang đầu quân cho Cần Thơ và mỗi người được đơn vị chủ quản đảm bảo mức thu nhập cứng khoảng 15 triệu đồng/tháng. Quan trọng hơn, mỗi tháng, họ còn tranh tài ít nhất 1 - 2 giải trong nước và quốc tế. Tất nhiên, có giải này giải nọ, phụ thuộc vào mức thưởng và phong độ, song giải nào họ cũng có tiền dư mang về. Thảo Nguyên tiết lộ, hai năm về chung nhà, vợ chồng chị cũng bỏ ra được vài trăm triệu đồng/năm. Còn Trường Sơn cho hay, số kỳ thủ có mức thu nhập như anh , khiêm tốn khoảng 20 - 30 triệu đồng/tháng ở Việt Nam cũng phải vài chục người.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.