Hạ tầng

Kỳ tích hút vốn đầu tư hạ tầng giao thông

20/05/2015, 06:24

Chỉ trong vài năm, ngành GTVT đã huy động được một lượng vốn khổng lồ, lên đến khoảng 180 nghìn tỷ đồng từ XHH.

81

Cầu Cổ Chiên đầu tư theo hình thức BOT khánh thành tạo bước đột phá về kinh tế - xã hội cho hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh (Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các đại biểu khánh thành cầu Cổ Chiên)
Ảnh: Phan Tư

Đồng thời, từng bước thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi chưa từng có cho vận tải, giao thương, phát triển kinh tế, đưa đất nước tiến lên hiện đại. 

Kỳ 1: Vì sao phải xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông?

Theo Quy hoạch phát triển GTVT đến năm 2020, nhu cầu vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông bình quân khoảng 200 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Trong khi nguồn vốn ngân sách chỉ đáp ứng được khoảng 30 - 40% thì việc huy động nguồn vốn xã hội hoá để đầu tư là yêu cầu sống còn...

Cạn kiệt nguồn vốn

Đến nay, sau bốn năm thực hiện Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về đột phá chiến lược xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, ngành GTVT đã đạt được những thành tựu quan trọng. Hàng loạt công trình giao thông được hình thành theo hướng hiện đại, đồng bộ đã được đưa vào khai thác. Đặc biệt, ngay trong năm 2015, toàn bộ dự án nâng cấp, mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên hoàn thành là động lực to lớn để phát triển KT-XH đất nước.

Tuy nhiên, để có được kết quả trên, ngành GTVT đã phải chủ động xoay trở với nhiều giải pháp quyết liệt tìm vốn. Những người gắn bó lâu năm trong lĩnh vực hạ tầng giao thông chắc hẳn chưa quên thời điểm trước những năm 2011. Khi ấy, hàng loạt dự án bị đình hoãn, giãn tiến độ do thiếu vốn. Suy giảm kinh tế toàn cầu, kinh tế trong nước khó khăn khiến Quốc hội, Chính phủ phải thực hiện chính sách cắt giảm đầu tư công, nợ đọng xây dựng cơ bản liên miên, lạm phát tăng trước đó khiến nguồn vốn ngân sách dành cho đầu tư hạ tầng giao thông bị suy kiệt trầm trọng.

"Về lâu dài, chủ trương thu hút nguồn vốn tư nhân đầu tư vào hệ thống hạ tầng giao thông là con đường đúng đắn nhất để phát triển hạ tầng. Đặc biệt, khi thực hiện chủ trương này, chắc chắn hiệu quả của đồng vốn sẽ tăng lên rất nhiều, bởi các nhà đầu tư tư nhân khi xác định tham gia vào các dự án họ đã phải tính toán rất kỹ đến hiệu quả mà dự án mang lại”.

Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An

Thời điểm đó, tại hầu hết các cuộc họp của ngành GTVT, mọi chủ đề cuối cùng chỉ xoay quanh câu chuyện thiếu vốn, xử lý đình hoãn. Nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng khi đó cho biết, năm 2011, kế hoạch giải ngân toàn ngành 20 - 25 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên chỉ được bố trí 11 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu, giảm khoảng 50% so với nhu cầu. Toàn ngành GTVT có khoảng 75 dự án, tiểu dự án bị dừng giãn tiến độ với tổng mức đầu tư khoảng 64.500 tỷ đồng. Trên công trường nhiều dự án, các đơn vị nhà thầu lâm vào tình cảnh “khóc dở, mếu dở”, máy móc, thiết bị phải “đắp chiếu”, nằm phơi sương, phơi nắng do không có vốn để thi công.

Một số ý kiến lúc đó cũng đề xuất kêu gọi đầu tư BOT, tuy nhiên tất cả đều rơi vào bế tắc, bởi thời điểm đó hình thức này cũng không có gì mới mẻ, từ hàng chục năm trước Bộ GTVT đã từng thực hiện. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại chẳng như mong đợi. Ngoại trừ cầu Cỏ May nhà đầu tư có lãi, còn lại đa phần các dự án thất bát. Càng dự án lớn, nhà đầu tư càng lỗ. Đơn cử như dự án cầu Yên Lệnh, liên danh nhà đầu tư CIENCO4 - Thăng Long càng ngày càng lỗ. Ngay cầu Cổ Chiên vừa được khánh thành, ban đầu triển khai theo hình thức BOT cũng bị tắc trong một thời gian dài và phải nhiều lần khởi động lại do nhà đầu tư rút khỏi dự án. Càng kêu gọi, nhà đầu tư càng lảng tránh các dự án BOT giao thông.

82

Đường Hồ Chí Minh (QL14) qua Tây Nguyên hoàn thành tạo động lực mạnh mẽ cho kinh tế xã hội các tỉnh Tây Nguyên phát triển - Ảnh: Văn Tư

Làm gì để đột phá?

“Làm gì để tạo đột phá? để huy động được vốn đầu tư hàng chục dự án, công trình trên khắp mọi miền đất nước đang nằm “đắp chiếu” chờ vốn?” là những câu hỏi luôn đau đáu đối với đội ngũ lãnh đạo ngành GTVT.

Ông Nguyễn Hoằng, Vụ trưởng Vụ KHĐT (Bộ GTVT) cho biết, giai đoạn 2011-2014, các dự án Bộ GTVT trực tiếp quản lý được giao kế hoạch khoảng 129 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách và TPCP. Trong khi đó, nhu cầu vốn đầu tư thực tế đòi hỏi gấp nhiều lần. Và con đường duy nhất chỉ có thể là quyết liệt xã hội hóa mạnh mẽ, kêu gọi thêm nhiều nguồn lực để tạo sự đột phá. Bộ trưởng Đinh La Thăng nhiều lần khẳng định: “Để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, hiện đại không thể trông chờ vào ngân sách, TPCP hay ODA mà phải huy động nguồn lực xã hội hoá bằng các hình thức, phương thức khác nhau. Đây là đòi hỏi bắt buộc xuất phát từ thực tiễn”. Bởi vậy, chỉ tính đến thời điểm cuối năm 2014, Bộ GTVT đã thu hút được khoảng 180 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư cho 65 dự án, công trình giao thông.

"Chính phủ đã có những giải trình và cam kết trước Quốc hội từ nay đến năm 2020 sẽ quản lý và kiểm soát chặt chẽ vấn đề nợ công. Bởi vậy, chúng ta phải xã hội hóa, đa dạng hóa các dòng vốn đầu tư... Tôi cho rằng, đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn để giảm áp lực cho ngân sách Nnhà nước”.

Ông Trương Văn Phước
Phó Chủ tịch Ủy ban
Giám sát Tài chính Quốc gia

“Đặc biệt, trong hai năm 2013-2014, ngành GTVT đã thu hút được 137 nghìn tỷ đồng để đầu tư 44 dự án hạ tầng giao thông, gấp hơn ba lần nguồn vốn ngoài ngân sách mà ngành đã huy động từ năm 2012 trở về trước. Nhờ vậy, nhiều dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước bị dừng, đình hoãn trước đây đã được chuyển đổi sang đầu tư theo hình thức đối tác công - tư. Điều này không chỉ góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách mà còn thúc đẩy tiến độ các dự án, tạo hiệu quả trong đầu tư”, ông Hoằng cho hay.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH đất nước, theo kế hoạch trong vòng 5 năm tới (2016-2020), ngành GTVT sẽ cần nguồn vốn khoảng một triệu tỷ đồng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. “Để hiện thực hóa mục tiêu này, việc đẩy mạnh đầu tư theo hình thức đối tác công tư để phát triển kết cấu hạ tầng đóng một vai trò quan trọng và là con đường ngắn nhất để đột phá phát triển hạ tầng giao thông”, ông Hoằng nói.

Nếu không có những đồng vốn quý giá từ xã hội hóa, hàng loạt tuyến giao thông, trong đó có việc mở rộng hai tuyến huyết mạch là QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên lên bốn làn xe giờ vẫn nằm trên giấy và đang xuống cấp nghiêm trọng, chật chội, mất ATGT. Với việc thu xếp hiệu quả vốn BOT, toàn tuyến được đưa vào khai thác ngay trong năm nay thỏa ước mơ bao đời của người dân cả nước có được tuyến huyết mạch quốc gia khang trang, hiện đại.

Gần đây nhất, cầu Cổ Chiên - dự án đầu tư theo hình thức BOT thông xe ngày 16/5. Ông Đồng Xuân Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cũng chia sẻ, đây là cây cầu mơ ước, là niềm vui khôn xiết của người dân hai tỉnh Bến Tre, Trà Vinh. Giờ đây, từ Trà Vinh lên TP HCM theo QL60 giảm được hơn 70 km so với đi QL1 hiện nay. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.