Giao thông

Kỳ tích kênh nhà Lê

14/02/2016, 20:02

Năm 983, vua Lê Đại Hành đã có công sử dụng đường sông và đường biển để bình định và mở rộng giang sơn...

13
Đài kỷ niệm kênh đào nhà Lê - Ảnh: Trung Hiếu

Năm 983, vua Lê Đại Hành đã có công sử dụng đường sông và đường biển để bình định và mở rộng giang sơn bờ cõi. Bắt đầu từ năm 1965, các thế hệ của thế kỷ XX đã biết sử dụng lại và cải tạo cho các tàu và thuyền từ Ninh Bình vào Hà Tĩnh để chống lại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ. Ngành Đường sông đã được Nhà nước và Bộ GTVT giao trách nhiệm mở đường thủy trên kênh đào nhà Lê từ năm 1965.

Không phải toàn bộ chiều dài 500 km là một con kênh mà nhà Lê đã khéo léo tận dụng các sông ngòi sẵn có rồi đào kênh mới nối liền từ tỉnh nọ sang tỉnh kia. Thời Pháp thuộc đã có thêm đường sắt, đường bộ nên kênh đào Nhà Lê đã bị bồi đắp và làm các cầu qua kênh với tĩnh không thấp. Nhưng nó lại có ưu điểm là tận dụng thủy triều qua các sông nhỏ, sông lớn nên những nhà khoa học ngành GTVT đã tính toán mở mang các kênh đào thuộc 4 tỉnh: Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh để cho các loại thuyền nan, thuyền ván trọng tải 5 tấn lưu thông. Lượng phù sa và mở đất đã lên tới 3 triệu m3 nhưng không thể đáp ứng được khối lượng hàng hóa rất lớn của đường bộ và đường sắt đang bị tắc ở nhiều chỗ. Các kỹ sư đã nghiên cứu làm những con tàu kéo như sà lan trọng tải 20 tấn và có những lúc phải chế tạo các sà lan tự hành với trọng tải 20, 30 tấn.

Công việc đầu tiên phải tổ chức ra ban khai thác kênh đào gọi tắt là Ban 65. Về vận tải, chúng ta tạm huy động các thuyền nan, thuyền ván từ Việt Trì, Nam Định, Thái Bình cùng với các tỉnh sở tại lên đến hàng trăm chiếc. Do đó, các trạm điều độ trên kênh đã được lập ra do Công ty Vận tải sông 206 điều hành. Công ty này phải tự tìm các cơ sở đóng thuyền nan và sà lan nhỏ để giảm bớt mật độ lưu thông trên kênh. Công ty cũng phải tham gia việc chống bom, thủy lôi để mở đường thông tuyến.

Xét thấy trên một con kênh nhỏ hẹp đã có 2 cơ quan chỉ đạo là Ban 65 và Công ty Vận tải sông 206 dễ gây nên ùn tắc phương tiện, Bộ Giao thông đã quyết định sáp nhập 2 đơn vị trên vào tháng 2/1966. Đơn vị mới này mang tên Ban KT 66 do Cục phó Cục Đường sông Nguyễn Văn Định chỉ huy. Về thông tin đã được Tổng cục Bưu điện thiết lập cho một mạng đường dây nối dài hơn 500 km. Lúc đó người ta hình dung các trạm trên sông như một ga tàu hỏa có thông tin như thông tin đường sắt.

Hàng vạn dân công thuộc 4 tỉnh: Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh đã tự nguyện cải tạo kênh Than, kênh Ma Đa (Thanh Hóa), kênh Son, Sắt, Xã Đoài (Nghệ An), kênh sông Nghèn (Hà Tĩnh), kênh Yên Mô (Ninh Bình) giữa ban ngày vì ban đêm thủy triều lên và vướng các phương tiện vận tải vào ra. Không khí làm việc rộn ràng như ngày hội. Trong đó, riêng Nghệ An đã huy động 120.000 người tham gia các chiến dịch nạo vét trên tuyến kênh dài hàng trăm cây số. Nhiều dân công của các tỉnh đã anh dũng hy sinh khi đang cải tạo kênh. Chúng ta còn sử dụng một số tàu hút để nạo vét những nơi sông rộng và những kênh thuộc tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình.

Về vận tải có đại đội thuyền nan của Thanh Hóa. Mặc dù bị đánh phá ở trên kênh Than nhưng chị em vẫn ra sức cứu phương tiện và hàng hóa của máy bay địch. Sau khi hết chiến tranh phá hoại, các chị em trở lại đồng ruộng. Các đoàn sà lan, đoàn tàu của Công ty 206 dũng cảm đưa hàng đi an toàn. Ngày nay nhiều cán bộ công nhân và những dân công mở rộng vét đào sau kênh đào không còn.

Để ghi ơn tỏ lòng tri ân những người hy sinh trên kênh đào nhà Lê, Cục Đường sông và Sở GTVT Nghệ An đã xây dựng một tượng đài có tường bao bọc và một cây cầu qua kênh đào gần cầu Cấm. Hàng năm các đoàn cán bộ của ngành GTVT khi đi qua đây đều ghé thăm thắp hương trước tượng đài.

Nhân dịp Tết Bính Thân (2016) và kỷ niệm 50 năm thành lập Ban KT 66, thiết nghĩ một tượng đài kỷ niệm ở Nghệ An là chưa đủ. Nhân dịp 60 năm ngày truyền thống toàn ngành Đường sông (11/8/1956 - 11/8/2016), chúng ta nên thiết lập một kỳ đài thứ 2 tại kênh Ma Đa hoặc tại nơi khác để tỏ lòng tri ân đối với sự nghiệp cao cả. Nối tiếp từ nhà Lê đến ngày nay và chúng ta cũng nên thăm hỏi những người đã cống hiến cho sự nghiệp kênh đào Nhà Lê còn sống đến hôm nay. 

Nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.